Mê cung 'Cúc Phương Kì Thú' - Điểm nhấn đặc biệt của Hội Xuân Cúc Phương 2021

Được dựng ngay cạnh hồ Mạc - nơi được ví như một đại đóa hoa rừng mãn khai, bừng lên giữa trùng điệp xanh trên núi đá vôi Cúc Phương, Mê cung 'Cúc Phương Kì Thú' là tâm điểm của Hội xuân Cúc Phương 2021. Với quy mô gần 3000 mét vuông, bằng vật liệu thân thiện, tái chế và trang trí ấn tượng, đây hứa hẹn sẽ là điểm nhấn vô cùng đặc biệt trong Hội xuân lần đầu tiên được tổ chức trong lịch sử của Vườn quốc gia Cúc Phương.

Hồ Mạc - nơi được ví như một đại đóa hoa rừng mãn khai, bừng lên giữa trùng điệp xanh trên núi đá vôi Cúc Phương

Hồ Mạc - nơi được ví như một đại đóa hoa rừng mãn khai, bừng lên giữa trùng điệp xanh trên núi đá vôi Cúc Phương

Tại “công trường” đang thi công lắp đặt Mê cung này, những người kiểm lâm viên, cán bộ giáo dục môi trường, các bạn tình nguyện viên không quản nắng sương, đang miệt mài làm việc ngày đêm để hoàn thành sản phẩm đúng thời gian và tiến độ. Anh Đỗ Thanh Hào (Bí thư Đoàn Vườn Quốc gia Cúc Phương) cho biết: Để có thể kịp tiến độ cho rừng mở hội vào 23 tháng Chạp, chúng tôi phải làm thông trưa, các bộ liên quan đến kết cấu, mỹ thuật, còn phải làm ca đêm. Tuy nhiên, tất cả anh chị em cán bộ trong Vườn đều vô cùng hào hứng và phấn khởi. Ai cũng háo hức muốn góp công sức của mình vào Hội xuân này, để mang tới cho khách du xuân một trải nghiệm độc đáo.

Mê cung mang hình dáng của một món quà vô giá mà mẹ thiên nhiên ban tặng nơi này. Nó được bố cục gồm 5 phần, mỗi phần là một chủ đề riêng, một chủ điểm lớn để hợp thành tiềm năng, giá trị và dấu ấn Cúc Phương.

Trong mỗi phần của mê cung, lại được chia thành các phân đoạn mang tên khác nhau khác nhau. Về trang trí mỹ thuật, Mê cung sử dụng nghệ thuật sắp đặt và diễn giải bằng hình ảnh là chính, chứ không “bắt” du khách phải đọc nội dung bằng chữ. Tác giả Mê cung (là một kiến trúc sư, tình nguyện làm vì tình yêu Cúc Phương) cho biết, phương pháp này sẽ mang tới cho du khách hiệu ứng thị giác và xúc giác mạnh hơn, hiệu quả hơn so với cách thức trưng bày nặng về chi tiết và text. Khách tham quan Mê cung sẽ thích thú và nhận được thông điệp bảo vệ môi trường một cách trực quan nhất. Tác giả Mê cũng cũng bật mí sơ bộ với chúng tôi về các chủ điểm.

Các kiểm lâm viên, chuyên gia, kỹ thuật viên của Vườn Quốc gia Cúc Phương đang nỗ lực cao nhất để hoàn thành tác phẩm "đặc sắc" kịp đón Xuân

Các kiểm lâm viên, chuyên gia, kỹ thuật viên của Vườn Quốc gia Cúc Phương đang nỗ lực cao nhất để hoàn thành tác phẩm "đặc sắc" kịp đón Xuân

Theo đó, phần thứ nhất có tên “Hồi Sinh”. Phần này lấy cảm hứng từ nỗ lực tuyệt vời của Cúc Phương mấy chục năm qua trong công tác cứu hộ động vật hoang dã mà thành quả là những chương trình cứu hộ, bảo tồn linh trưởng, rùa, thú ăn thịt nhỏ và tê tê đã nổi tiếng khắp toàn cầu.

Phần thứ hai có tên “Giữ Bình Yên Rừng Già”, lấy cảm hứng từ sự hy sinh, vất vả của lực lượng cán bộ Hạt Kiểm lâm Cúc Phương. 13 trạm Kiểm lâm với gần 100 cán bộ đang ngày đêm ăn núi ngủ rừng khắp hàng nghìn đường mòn tuần tra, để giữ cho rừng bình yên, lần đầu tiên sẽ hiện diện tại đây thông qua ý tưởng trưng bày độc đáo. Hãy dừng lại tại mỗi một trạm kiểm lâm trong đó, để bạn một lần nói lời tri ân, sự sẻ chia với họ.

Phần thứ ba của Mê Cung có tên là câu trích trong bài hát do chính một cán bộ trong Vườn sáng tác: “Nhường Màu Xanh Cho Cánh Rừng Già”. Phần này lấy cảm hứng từ sự hy sinh của cộng đồng 6 làng Mường trước kia sống trong lõi rừng. Vì lợi ích quốc gia, họ đã di chuyển ra vùng đệm để cánh rừng được bảo tồn nguyên trạng. Văn hóa Mường bản địa là một thành tố làm nên giá trị của Cúc Phương. Và phần này, tác giả muốn tôn vinh họ, văn hóa của họ thông qua thủ pháp trưng bày mang đầy thông điệp nhân văn. Phần thứ tư có tên “Cuc Phuong Jungle Paths”, lấy cảm hứng từ một cung đường trekking xuyên rừng – một sản phẩm du lịch độc đáo của Cúc Phương. Đây cũng là tên của Giải chạy quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Cúc Phương vào ngày 04 tháng 4 tới. Tại cung đường này, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác xuyên rừng già Cúc Phương với các dạng địa hình đặc trưng nhất của cánh rừng nguyên sinh nức tiếng này.

Đường vào Cúc Phương - Nơi lưu giữ dấu ấn đặc trưng, nguyên sơ của cánh rừng Già nguyên sinh.

Đường vào Cúc Phương - Nơi lưu giữ dấu ấn đặc trưng, nguyên sơ của cánh rừng Già nguyên sinh.

Trung tâm của mê cung là một “đặc sản” của hình thái rừng mưa nhiệt đới thường xanh trên núi đá vôi Cúc Phương. Tác giả lấy cảm hứng từ hệ thống hang động đá vôi – một tiềm năng vô cùng giá trị của Cúc Phương. Khoang thứ nhất với tên gọi “Độ Rừng Vào Hội”, với sắp đặt ấn tượng từ hàng vạn con bướm làm từ vật liệu tái chế. Du khách lạc vào mùa bướm Cúc Phương thực sự và nhận về thông điệp bảo vệ môi trường sâu sắc. Khoang thứ hai, là điểm nhấn đặc biệt nhất trong tạo hình một hang tối. Tác giả muốn du khách trải nghiệm một đêm rừng Cúc Phương lung linh, huyền ảo của mùa đom đóm – một thức quà vô giá trong lịch sự kiện thiên nhiên ở “Vườn quốc gia hàng đầu châu Á” này.

Ông Đỗ Văn Lập, Phó Giám đốc Vườn cho biết, các kiểm lâm viên, chuyên gia, kỹ thuật viên của Vườn đang nỗ lực cao nhất trong công tác chuẩn bị cho Hội xuân. Đặc biệt, xúc động nhất là chúng tôi đang nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ cả về trí tuệ, công sức, thời gian và vật chất của rất nhiều tổ chức, các tình nguyện viên có tình yêu và trách nhiệm với rừng già. Đó là nguồn động viên lớn lao, giúp cho chúng tôi tự tin, vững vàng trên hành trình bước vào độ “lục thập hoa giáp”, với chiến lược tái định vị thương hiệu du lịch Cúc Phương và thực hiện bằng được mục tiêu: Biến Cúc Phương trở thành một vườn quốc gia kiểu mẫu.

Với điểm nhấn đặc biệt này, cùng hàng loạt các sự kiện có tính giáo dục môi trường ấn tượng, Hội xuân Cúc Phương – Thêm xanh cho cánh rừng già, chắc chắn sẽ là một gợi ý, một điểm đến không thể bỏ qua trong dịp Tết Nguyên Đán, Tân Sửu 2021. Vườn quốc gia Cúc Phương sẽ tổ chức khai hội vào ngày 23 tháng Chạp (04/02) với nghi thức dựng cây nêu truyền thống của người Mường. Các hoạt động trong khuôn khổ Hội sẽ kéo dài đến hết ngày Rằm tháng giêng năm Tân Sửu (26/02/2021).

PV

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/me-cung-cuc-phuong-ki-thu-diem-nhan-dac-biet-cua-hoi-xuan-cuc-phuong-2021-117923.html