Mẹ đã hóa thân thành tượng đài bất tử

Mẹ ngồi hóa đá bên mâm cơm. Giữa mâm cơm đặt bát hương khói lên nghi ngút. Vây quanh bát hương là chín chiếc bát sứ màu trắng, mỗi chiếc bát vắt ngang một đôi đũa mộc. Mẹ vẫn đợi các con về…

Bức tranh vẽ mẹ Thứ của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt

Bức tranh vẽ mẹ Thứ của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt

1. Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam một trưa hè tháng 7. Trong cái nắng đổ lửa của mảnh đất miền Trung, tượng đài Mẹ Thứ nằm trên đỉnh núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú nổi bật trên nền trời xanh xứ Quảng. Đôi mắt mẹ từ tượng đài như vẫn dõi theo, ngóng chờ bước chân của đàn con trở về. Bảo tàng trong lòng tượng đài, cũng là trong lòng mẹ, có một bức ảnh đã khiến tôi bật khóc.

Bởi nơi tận cùng trái tim của mẹ dường như khái niệm thời gian của mấy mươi năm về trước đã hóa thạch. Mẹ vẫn kiên nhẫn ngồi đợi các con. Nước mắt không biết đã bao lần chan xuống mâm cơm trong dằng dặc khoảng lặng mất mát hy sinh của mẹ, nhưng mẹ vẫn chờ đợi ngày về của các con…

Tác giả bức ảnh là Đại tá Trần Hồng người vốn được biết đến là nhà báo chuyên ghi lại hình ảnh về cuộc sống của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bên cạnh hình tượng Đại tướng, ông còn đam mê chụp ảnh chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng - những “tượng đài hy sinh” của đất nước. Trong một lần trò chuyện với truyền thông, ông tâm sự, trong đời cầm máy chụp của mình, ông ấn tượng nhất với Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ.

Đó là người mẹ phải hứng chịu nỗi đau không từ nào có thể diễn tả khi có đến 11 liệt sĩ, trong đó có 9 con trai, 1 con rể và 1 người cháu ngoại. Chín lần nhận tin báo tử là chín lần mẹ Thứ chết đi sống lại. Cứ thế, nấm mồ này cỏ chưa xanh đã lại phải đắp thêm một nấm mộ mới cho những người con…

Bức ảnh “Đợi con về” được Đại tá Trần Hồng chụp năm 2001. Cảnh mẹ Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa bày ra để tưởng nhớ các con và coi đó là sự sum vầy toát lên sự cô đơn vĩ đại của người mẹ đã hiến dâng cả 9 người con cho đất nước. “Bất chợt bữa đến nhà, tôi thấy mẹ đang ngồi như thế này. Bà bảo tôi rằng bà vẫn đợi nó về. 9 thằng chắc chắn có một thằng về với tôi, chắc chắn thế” – Đại tá Trần Hồng kể.

Đại tá Trần Hồng còn có bức ảnh thứ hai về mẹ Thứ khi bà ở tuổi 100. Bức ảnh “Giấc mơ của bà mẹ” ghi lại được lúc mẹ đang ngủ trưa. Mẹ ngủ trong một giấc mơ êm đềm với hình ảnh người con trai trở về. Đó là di ảnh của người con đã in dấu hình chiếc khăn rằn của mẹ ngả trên ngực con trai như một niềm chia xa trong nỗi nhớ mong. Mẹ vẫn sống để chờ đợi con, những cuộc trở về của những người con trong mơ. Mẹ đã được nhìn từng mặt 9 người con trai trở về trong giấc mơ của mình…

2. Ngạn ngữ có câu: “Chiến tranh không mang gương mặt của người đàn ông với áo bào nhuộm màu thuốc súng. Chiến tranh mang gương mặt của người đàn bà mòn mỏi vì chờ đợi”. Trong một buổi triển lãm chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt - người đã có cuộc hành trình xuyên Việt bằng xe máy để vẽ chân dung những Mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước – khi biết tôi là người gốc Quảng Nam, bà đã dành cho tôi những câu chuyện không giống như với các nhà báo khác. Đó là ký ức cảm động về những ngày bà sống và vẽ trên đất Quảng.

“Hơn một tháng sống trên đất Quảng Nam – mảnh đất có số Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất cả nước với 7.475 mẹ, trong đó 461 mẹ còn sống, tôi đã có những kỷ niệm không thể nào quên…” – bà bắt đầu câu chuyện của mình.

Khi chiếc xe máy Chaly nhỏ bé lăn bánh vào địa phận Quảng Nam, từ trong sâu thẳm con tim người nữ họa sĩ bỗng trào dâng một nỗi xúc động ngập tràn. Bởi bà biết mình đang được đứng trên mảnh đất vốn được mệnh danh là “vành đai trắng” trong thời Mỹ - ngụy với chính sách giết sạch, đốt sạch để diệt trừ cộng sản.

Hình ảnh mẹ Thứ bên mâm cơm đợi con được Đại tá Trần Hồng ghi lại

Hình ảnh mẹ Thứ bên mâm cơm đợi con được Đại tá Trần Hồng ghi lại

Không một mái nhà, không một làn khói, không một ngọn cây hay tiếng gà ban trưa nhưng mảnh đất ấy vẫn sống và chiến đấu. Biết bao nhiêu những chàng trai, cô gái đã lên đường trong ánh mắt đau đáu và bàn tay nắm chặt chéo khăn để giấu đi những nỗi lo, kìm nén những giọt nước mắt của mẹ. Để rồi các anh, các chị không về, lòng mẹ nát tan, chát đắng…

Trên con đường hành trình đến với các bà Mẹ Việt Nam anh hùng đất Quảng, nữ họa sĩ đã ghé một trạm xăng trên đường, trạm xăng Thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam. Một trạm xăng bình thường những bao trạm xăng khác trên nẻo đường đất nước. Nhưng lại có một điều khác. Đó là chàng trai bán xăng nhất quyết không nhận số tiền 25 nghìn đồng tiền đổ xăng cùng một câu nói giản dị: “Bác cho con gửi một ít xăng để bác đi vẽ tiếp chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng”. Nước mắt đã rơi trên gương mặt nữ họa sĩ vì câu nói đó.

Hơn một tháng trời, 40 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng đất Quảng đã được vẽ trong niềm xúc động trào dâng từng ngày ở từng vùng đất Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ… Đây Mẹ Phạm Thị Mai sinh năm 1917 có chồng và 3 con hy sinh, đây Mẹ Nguyễn Thị Quốc sinh năm 1916 có chồng và hai con hy sinh, đây mẹ Phạm Thị Đệ sinh năm 1922 có ba người con hy sinh…

Đã đi gần hết những nẻo đường đất nước, mỗi miền đất, con người đều có sắc thái riêng, nhưng nét đọng lại trong lòng nữ họa sĩ về những Mẹ Việt Nam anh hùng đất Quảng Nam đó là nét khắc khổ trên gương mặt các Mẹ. Nét khắc khổ được hình thành từ những năm tháng ác liệt của chiến tranh khi nơi đây là vành đai trắng, được hình thành từ sự mỏi mòn chờ đợi của cuộc chiến tranh “mang gương mặt người đàn bà”, được hình thành từ nỗi đau khổ tột cùng vì sự mất mát quá lớn khi cả người chồng thân yêu lẫn hai, ba thậm chí là chín đứa con ra đi không trở về, như cuộc đời của mẹ Nguyễn Thị Thứ.

Hôm đó, ngày 28/4/2010, khi nữ họa sĩ Đặng Ái Việt gặp mẹ Nguyễn Thị Thứ. Mẹ đang ốm nặng. Dù ốm mệt không ngồi dậy được nhưng thần thái mẹ Thứ vẫn rất minh mẫn, mẹ nghe hết câu chuyện và khẽ nắm tay nữ họa sĩ. Câu chuyện ấy, dáng hình ấy, thần thái ấy của người mẹ đã khiến cho người họa sĩ không nén được cảm xúc và quyết định vẽ mẹ ngay trong tư thế đang nằm, vừa vẽ vừa khóc.

Và đây cũng là lần đầu tiên nữ họa sĩ vẽ một Mẹ Việt Nam anh hùng trong tư thế đang nằm. Bởi thông thường nếu như lỡ đến đúng khi các mẹ ốm thì nữ họa sĩ sẽ không vẽ do thần sắc bức tranh sẽ kém sinh động. Không nỡ bắt tội mẹ ngồi dậy để vẽ, những lúc như vậy nữ họa sĩ chỉ thường ôm hôn và chụp với mẹ một tấm ảnh kỷ niệm.

Nhưng quyết định chớp nhoáng vẽ mẹ Thứ khi mẹ đang nằm ấy đã biến bức tranh thành độc đáo duy nhất và là tư liệu vô cùng quý giá cuối cùng vì không lâu sau đó mẹ qua đời…

3. Một ngày 27/7 nữa lại về. Thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho 138.400 mẹ. Để tri ân các mẹ, trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, tất cả các địa phương sẽ tập trung tổ chức gặp mặt và sẽ có cuộc gặp gỡ lịch sử ở trung ương với 350 Mẹ Việt Nam anh hùng.

Còn nhớ, trong một dịp đến thăm mẹ Nguyễn Thị Thứ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi đó đã cầm tay mẹ và nói: “Mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho chúng con vững bước!” Không chỉ có những người Việt Nam mới yêu quý mẹ mà rất nhiều người nước ngoài cũng rất trân trọng mẹ. Trong một lần đến thăm mẹ, một cựu binh người Mỹ hỏi: “Liệu mẹ có tha thứ cho chúng tôi không?”Mẹ đã nói rằng: “Người mẹ Việt Nam nào cũng đều có lòng vị tha!”. “Đây là một người mẹ vĩ đại!” – người cựu binh Mỹ cúi đầu cảm phục thốt lên.

Thời gian luôn nghiệt ngã trôi. Trong số 138.400 mẹ đã phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, tới nay chỉ hơn 5.000 mẹ còn sống. Phần lớn các mẹ đều đã cao tuổi, thời gian chỉ còn tính bằng năm, bằng tháng, thậm chí bằng ngày. Vì thế, xin hãy đừng để mẹ ra đi mà chưa kịp nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, chúng con biết ơn sự hy sinh vĩ đại của mẹ. Trong lòng dân tộc, mẹ đã hóa thân thành tượng đài bất tử !”

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/me-da-hoa-than-thanh-tuong-dai-bat-tu-531299.html