Mẹ đưa con trai đi trữ tinh trùng trước khi chuyển giới
Với 3 mẫu tinh trùng khỏe mạnh được lưu giữ bằng kỹ thuật hiện đại, Hoàng Minh (22 tuổi, TP.HCM) vui mừng vì sau này vẫn có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm.
Hoàng Minh là con đầu lòng trong gia đình có 3 anh em và cũng là con trai duy nhất của bà Hương (50 tuổi). Từ nhỏ, Minh sống khép kín, ít bạn bè, chỉ tập trung học. Từ năm học phổ thông, Minh bắt đầu có những rung động với bạn cùng giới, dần phát triển thành tình cảm khác lạ. Anh tự tìm hiểu, cảm thấy ngại ngùng và lo sợ khi biết mình khác biệt. Từ đó, Minh dần sống khép kín hơn trước, chỉ tập trung học và đi làm.
“Nhiều lần mẹ giục cưới vợ, sinh con, tôi chỉ ậm ừ. Năm ngoái, mẹ liên tục hối thúc chuyện cưới xin. Nghĩ không giấu được mãi, tôi quyết định ‘come out’, xin mẹ được chuyển giới”, Minh kể.
Dù được bà Hương khuyên nhủ, anh kiên quyết từ chối mai mối, thậm chí bày tỏ nguyện vọng được phẫu thuật chuyển giới. Bà Hương nhận ra không thể tiếp tục ép con theo ý muốn. Tìm hiểu trên báo đài thấy nhiều người nổi tiếng phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ vẫn có con nhờ trữ tinh trùng, bà thuyết phục con trai đến bệnh viện trữ “giống” trước khi chuyển giới.
Thương mẹ, khi được khuyên trữ tinh trùng trước khi chuyển giới, anh Minh liền đồng ý. Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, anh Minh được khám, tư vấn tâm lý, xét nghiệm máu, thu thập mẫu tinh dịch và trữ lạnh được 3 mẫu tinh trùng khỏe mạnh.
Khi biết con trữ “giống” thành công, bà Hương phấn khởi: “Sau này tôi vẫn còn hy vọng được bế cháu nội”.
Những năm gần đây, phương pháp trữ tinh trùng không còn quá xa lạ. Bác sĩ Lê Xuân Nguyên - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết trữ đông tinh trùng là cách phổ biến để nam giới bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai. Bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp nam giới trữ tinh trùng. Đặc biệt, những người có mong muốn chuyển giới từ nam sang nữ bắt đầu tìm đến kỹ thuật này để duy trì khả năng sinh sản trước khi sử dụng liệu pháp hormone hoặc phẫu thuật tái tạo.
“Phương pháp trữ tinh trùng trước khi chuyển giới được đánh giá cao bởi tính nhân văn, kịp thời bảo tồn khả năng sinh sản cho người thực hiện. Từ đó, người thân, gia đình của họ có thể hiện thực hóa ước mơ có con, cháu của chính mình”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Hiện nay, việc trữ đông tinh trùng được thực hiện bằng hai phương pháp gồm: Đông lạnh chậm và thủy tinh hóa.
Đông lạnh chậm được chỉ định để lưu trữ mẫu tinh dịch bình thường. Đây là phương pháp trữ lạnh dựa trên sự khử nước. Lượng nhỏ chất bảo vệ lạnh được thêm vào mẫu tinh trùng và hỗn hợp được làm lạnh từ từ đến -196°C.
Phương pháp thủy tinh hóa thường được chỉ định cho mẫu tinh trùng có chất lượng thấp hoặc lấy từ các thủ thuật. Ở phương pháp này, tinh trùng di động đã chọn được đặt vào môi trường có chất bảo vệ lạnh, sau đó tiếp xúc trực tiếp với nitơ lỏng ở -196°C để bảo tồn chức năng và sự trao đổi chất của tế bào. Thủy tinh hóa sử dụng tốc độ hạ nhiệt nhanh, chỉ tốn 20 phút để hoàn thành, giảm sốc lạnh, tránh rủi ro hình thành tinh thể đá, đảm bảo tỷ lệ sống sót của tế bào luôn cao.
Khi bệnh nhân có nhu cầu sinh con, tinh trùng được rã đông về môi trường sinh lý bình thường và sử dụng để thụ tinh với noãn tạo thành phôi, từ đó sinh ra những em bé khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Nguyên, khả năng sinh sản của nam giới có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tình trạng bệnh lý, tuổi tác… gây giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, thậm chí vô sinh. Do đó, không chỉ người muốn chuyển giới mà nam giới nói chung (nhất là nam giới sau 40 tuổi và chưa có con) nên khám tầm soát sức khỏe sinh sản sớm, xem xét phương pháp trữ tinh trùng để bảo tồn khả năng sinh sản. Người trước khi thắt ống dẫn tinh, chuẩn bị phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị… cũng nên áp dụng phương pháp này.
Trước đó, phương pháp trữ tinh trùng giúp nhiều nam giới vô tinh, ít tinh trùng thực hiện mong ước có con, thành công đón em bé khỏe mạnh chào đời.