Mẹ không cô đơn

PTĐT -Dũng! Nhanh lên kẻo muộn giờ con! - Vâng. Con ra liền bố ạ! Thưa bà nội, cháu đi học ạ! - Ừ. Cháu đi học ngoan. Chiều về với nội. - À… mẹ ơi. Anh Hiệp quay lại nhìn bà Hậu, dặn với:

PTĐT -Dũng! Nhanh lên kẻo muộn giờ con!
- Vâng. Con ra liền bố ạ! Thưa bà nội, cháu đi học ạ! - Ừ. Cháu đi học ngoan. Chiều về với nội. - À… mẹ ơi. Anh Hiệp quay lại nhìn bà Hậu, dặn với:- Mẹ ở nhà, ai đến nhớ đừng có mở cửa. Ai hỏi thì bảo vợ chồng con đi làm cả, muốn gặp thì liên lạc qua điện thoại mẹ nhé. Ăn cắp, ăn trộm rồi thì lừa đảo đầy rẫy. Mẹ cũng đừng ra đường. Đường xá, xe cộ phức tạp, nguy hiểm lắm. Mẹ lại có tuổi rồi. - Ừ. Mẹ biết rồi... Bà Hậu ngồi bệt xuống giường. Bà nhìn quanh, trong đáy mắt đầy nghĩ ngợi. Ti vi xem mãi cũng chán. Mấy cuốn sách về Đức Phật được bạn tặng, bà cũng đã đọc đi đọc lại mấy lần đến thuộc lòng. Cơm nước bữa trưa thì chị Hằng, con dâu bà đã chuẩn bị trước chu đáo. Cửa nhà thì chị cũng đã dọn dẹp gọn gàng. Bà Hậu chẳng phải đụng tay đụng chân vào bất cứ công việc gì. Từ ngày chuyển lên thành phố ở với vợ chồng con trai, bà đâm ra bần thần. Chẳng bù cho những tháng ngày ở dưới quê, tuy xa con xa cháu nhưng được cái không gian thoáng đãng, có vườn tược, cây cối, xóm giềng qua lại,…Bà Hậu có hai người con. Con gái lớn của bà lấy chồng rồi theo chồng vào Nam sinh sống. Ông Thông, chồng bà vốn làm nghề trồng mai. Nhưng anh Hiệp lại không thích thú với nghề của bố. Anh học giỏi, đỗ đạt, làm việc trong công ty Nhà nước rồi cứ thế phát triển sự nghiệp ở trên thành phố. Ông Thông sau trận ốm nặng đã qua đời cách đây hơn chục năm. Bà Hậu chỉ giữ lại mảnh vườn nhỏ, ngôi nhà có hương hỏa gia tiên, ngày ngày an yên với cuộc sống bình dị, gần gũi. Vợ chồng Hiệp ở trên phố, lâu lâu cũng chở con về thăm bà. Nhiều lần, con cái khuyên bà rời quê lên phố ở thì bà kiếm cớ từ chối. Chị Hằng nói với bà:- Mẹ thích ở quê thì mẹ cứ ở. Khi nào mẹ muốn lên phố với chúng con, vợ chồng con sẽ về đón mẹ lên. Bà Hậu nghe con dâu nói vậy càng mừng. Rồi cách đây một năm, bà bị ốm một trận thập tử nhất sinh. Sau đợt ấy, anh Hiệp quyết định đón bà Hậu lên phố luôn chứ chẳng chùng chình hay nấn ná gì nữa.Bà Hậu già đi rất nhiều so với những ngày còn ở quê. Vợ chồng Hiệp bận bịu tối ngày với công việc cơ quan, chẳng mấy khi có thời gian trò chuyện với bà. Ngày nào cũng vậy, từ sáng tới tối, bà Hậu hết ra sân, ra ngõ lại vào nhà. Buồn chân buồn tay, bà lại cầm chổi quét. Có hôm ở nhà một mình, bà tự dọn dẹp nhà cửa, chẳng may sơ ý làm vỡ cái ly quý chị Hằng mua về với số tiền khá đắt. Bà áy náy lắm. Anh Hiệp thì xuề xòa:- Vỡ thì mua cái khác. Có đáng là bao. Nhưng chị Hằng thì lẳng lặng có vẻ không hài lòng. Chị không nói ra nhưng bà Hậu cũng cứ tự dằn vặt bản thân. Nhiều bữa, Dũng đi học về, nó thấy bà nội ngồi khóc một mình. Rồi lần khác, thức dậy giữa đêm đi vệ sinh, nó lại thấy bà ngồi tựa lưng đầu giường buông tiếng thở dài. Nó định đem chuyện kể với bố mẹ nhưng rồi thấy bố mẹ bận rộn nên lại thôi.- Chào bà! Giọng người đàn bà trạc tuổi với bà Hậu cách đó mấy cổng nhà vọng gần lại phía bà Hậu đang quét đám rác trước cổng. - Ôi chào bà. Bà đi tập thể dục đấy à?- Vâng… Tôi là Lệ, năm nay cũng xấp xỉ 70 tuổi rồi. Tôi cũng ở với gia đình con trai. Vợ chồng nó đi làm suốt ngày. Hai đứa cháu cũng đi học. Ở nhà có một mình buồn lắm. Tháng trước, tôi được mấy người trong câu lạc bộ dưỡng sinh của khu phố khuyến khích tham gia vào hội, thế là tôi đăng ký. Vui lắm bà ạ. Từ ngày tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh, tôi thấy mình khỏe ra nhiều, lại được gặp gỡ và trò chuyện với những người bạn mới, được giao lưu, đi đây đi đó trình diễn, tôi thấy tuổi già của chúng ta còn ý nghĩa lắm. Bà có tham gia không, để tôi đăng ký cho?- Tôi… Tôi cũng muốn nhưng chỉ sợ các con tôi…- Thôi được rồi, bà cứ về bàn với con đi đã. Có gì nói lại với tôi. Bà Lệ lên xe đạp đi. Bà Hậu nhìn người phụ nữ trạc tuổi mình trông hãy còn khỏe khoắn, hoạt bát, vui vẻ nên cũng mong muốn được như vậy.Bữa cơm chiều của gia đình Hiệp qua đi chóng vánh. Vợ chồng Hiệp cũng bận, mỗi người mỗi việc, thằng cu Dũng lại đi học thêm. Bà Hậu lại ngồi thẫn thờ trước cái ti vi. Bà nhớ đến chuyện bà Lệ kể khi chiều, tự nhiên trong lòng bà cũng muốn giãi bày cùng con trai. Bà bước đến cửa phòng con, định gõ cửa, song lại thôi. Con bận còn không có thời gian nghỉ ngơi. Nếu mình nói với nó chắc gì nó đã đồng ý. Có khi lại khiến con thêm phiền.- Mẹ ơi, bà nội buồn lắm đấy mẹ ạ. Nhiều hôm con thấy bà ngồi lặng lẽ một mình. Bà còn khóc nữa. Con hỏi thì bà nói dối là bụi bay vào mắt… Chị Hằng nhớ lại những lời của con trai kể về bà Hậu trên đường chở con đi học. Chị cũng nghĩ ngợi. Kể từ ngày làm dâu bà Hậu, đặc biệt là từ ngày đón bà lên phố ở, chị ít có thời gian trò chuyện, tâm sự với mẹ chồng. Chị về nhà, nói lại cho anh Hiệp nghe về những điều con kể. Đêm đó, hai vợ chồng bàn chuyện gì đó về bà Hậu rất lâu. Anh Hiệp trằn trọc mãi không ngủ được. Anh bước sang phòng mẹ mình, đứng ngoài cửa nhìn vào. Thấy mẹ nằm co ro trên giường, chốc chốc lại trở mình, anh bước đến bên, kéo tấm chăn đắp ngang nửa người cho mẹ rồi lặng lẽ bước về phòng. - Bà Hậu ơi!- Bà Lệ đấy à? Có chuyện gì mà bà gọi tôi thế?- Đây này, tôi đã đăng ký tên cho bà vào câu lạc bộ dưỡng sinh của phường rồi đây. Từ mai, chúng ta sẽ cùng đi tập!- Ơ… tôi! Bà Hậu đang rất ngạc nhiên thì vợ chồng Hiệp bước ra. Chị Hằng vui vẻ:- Vợ chồng con đã nhờ bác Lệ đăng ký cho mẹ đấy ạ. Từ mai mẹ hãy đến câu lạc bộ tham gia tập dưỡng sinh với các ông các bà cho vui mẹ nhé!- Đúng đó mẹ! Cũng nhờ bác Lệ, nhờ có thằng cu Dũng mà vợ chồng con mới nhận ra lâu nay chúng con vô tâm quá. Vợ chồng con xin lỗi mẹ. Từ nay, chúng con sẽ sắp xếp công việc hợp lý, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, cho mẹ... Hiệp nhìn bà Hậu ân cần bảo.- Từ nay, chúng con sẽ không để mẹ phải cô đơn nữa! Chị Hằng nắm lấy tay bà Hậu, giọng nhẹ nhàng. Bà Hậu nhìn bà Lệ, nhìn hai con rồi mỉm cười. Niềm vui khiến trái tim bà rộn ràng, rưng rưng, ấm áp.

Truyện ngắn: Lê Thị Xuyên

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/201912/me-khong-co-don-168066