'Mẹ không muốn lây bệnh cho con'
Iris Lê (1994) làm việc tại Bệnh viện Royal Adelaide, Australia. Cô từng đoạt giải cuộc thi Hoa hậu áo dài của Adelaide Nam Australia. 'Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái' là nhật ký của Iris Lê khi tham gia chữa trị bệnh nhân Covid-19. Sách còn là những câu chuyện buồn vui của tác giả sau 6 năm gắn bó với nghề y.Mia suốt ngày tiếp xúc với người bệnh. Cô lo lắng có thể lây cho con gái Anna và cả mẹ của cô ở nhà bất cứ lúc nào.
Ngôi nhà mà Mia, Anna và mẹ cô đang ở là số tiền tích cóp, dành dụm của cô từ nhiều năm nay. Ngôi nhà không lớn lắm, nhưng ấm cúng và tràn ngập tiếng cười trẻ thơ. Ngôi nhà, bản thân nó chỉ là một vật thể vô cảm.
Nhưng chính tình yêu bên dưới mái nhà mới tạo ra một mái ấm. Cả ba thế hệ sống cùng nhau, chăm sóc và đùm bọc nhau rất vui vẻ hòa thuận.
Mọi chuyện chỉ thay đổi từ sau khi đại dịch COVID-19 tràn vào nước Úc sau khi đã đi chu du khắp năm châu. Bang New South Wales chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Và thành phố Sydney nơi cô đang sống là tâm điểm dịch của quốc gia.
Khoa Bệnh Truyền nhiễm chính là một trong các khoa đi đầu trong việc tiếp nhận những bệnh nhân dương tính với virus Corona. Ban đầu chỉ có vài người, sau đó số ca leo thang, và nguy hiểm hơn là thang máy chứ không phải thang bộ.
Bây giờ thì tất cả bệnh nhân của khoa đều mang trong mình virus này. Virus Corona có đặc tính lây lan rất nhanh. Hiện tại, cấu trúc của nó vẫn đang biến chuyển thay đổi theo từng ngày, rất khó để nắm bắt để nghiên cứu triệt để.
Tối thứ tư, Mia nghe thấy trên ti vi, Bộ Y tế New South Wales thông báo đã có 127 ca dương tính của bang đều là nhân viên y tế như bác sĩ, y tá. Cô bắt đầu lo lắng, lo cho mình thì ít mà cho mẹ già, con thơ thì nhiều.
- Mình không muốn về nhà, Faith ạ - Mia thở dài, tâm sự với người đồng nghiệp thân tín trong lúc cả hai đang đứng chờ mua cà phê ở quầy căn tin của bệnh viện.
Faith là bạn tốt của cô trong khoa, một cô y tá luôn thường trực nụ cười trên môi, là kiểu người mà nếu bạn hỏi cô ấy hôm nay thời tiết ở ngoài như thế nào thì thay vì chỉ nhìn điện thoại, cô ấy sẽ bước hẳn ra ngoài sân rồi nói với bạn rằng: “Hôm nay trời nhiều mây”. Faith tốt bụng, nhiệt thành và đầy sức sống.
- Ý bạn là sao? - Faith nheo mắt ra chiều không hiểu. Sau đó cô quay sang nói với nhân viên pha chế - Làm ơn cho tôi một ly capuchino, hai shot nhé, cảm ơn nhiều.
Đoạn, Faith quay sang Mia:
- Bạn nói tiếp đi.
- Bạn nghĩ xem, mình suốt ngày tiếp xúc với người bệnh như thế này. Lỡ như mình bị thì sẽ lây cho con bé Anna, và cả mẹ của mình ở nhà nữa. Mẹ mình lại có tiền sử tiểu đường, sức đề kháng yếu. Con bé thì nhỏ quá…
Đến đây thì Faith hiểu ra mọi sự băn khoăn của bạn. Cô thấy lòng chùng xuống một nỗi buồn:
- Mình hiểu rồi, cũng đúng nhỉ...
Cả hai im lặng một hồi lâu. Trong quầy, cậu trai pha chế với chiếc tạp dề đen đang cho cà phê vào bộ lọc, dùng tamper nén cà phê xuống. Thao tác rất chuyên nghiệp.
Mia nhìn bâng quơ một hồi lâu rồi tâm sự:
- Mình đang định sẽ dọn ra ngoài ở một thời gian. Nhưng tiền phòng mắc quá, lại phải trả tiền ngân hàng mỗi tháng cho căn nhà mình mua góp, rồi còn tiền học cho con nữa. Mẹ mình thì từ ngày mình ly dị với ba con bé chỉ ở nhà chăm cháu thôi.
Nhà nước đâu tài trợ bao nhiêu. Nhưng cứ ở chung nhà thế này thì mình không yên tâm chút nào! Mình thì không sao, nhưng còn con bé Anna và mẹ mình nữa. Nhiều khi mình không phát triệu chứng ngay, rồi lây cho họ hồi nào không biết.
Dù cho kỹ lưỡng cách mấy cũng sẽ rất khó, vì ở cùng nhà thì kiểu gì cũng dễ lây lan. Con bé lại quấn mẹ, mình ở nhà thì dễ gì nó không động vào mình. Muốn tự cách ly cũng khó lắm.
Faith thở hắt ra:
- Thời buổi này, mà nói bạn là y tá thì người ta sợ gần chết chẳng ai dám cho bạn share phòng hay thuê nhà đâu…
Mia nghiệm thấy Faith nói đúng. Vả lại thuê cả căn nhà thì quá đắt. Người pha chế lúc này đang lắc nhẹ bình kim loại với bọt sữa thanh trùng phồng lên như bọt xà phòng, anh ta lắc bình và đổ xuống cà phê theo cách để cho bọt sữa khuấy ngược lên tạo nên những hoa văn đẹp mắt. Đoạn, anh ta dùng tay gõ nhẹ để rắc bột ca cao lên trên miệng ly.
- Cảm ơn anh - Faith đưa tay đón ly cà phê, tay kia cầm thẻ tín dụng gõ vào đầu chiếc máy vuông đen đang nằm dài lười biếng.
Một tiếng bip vang lên. Số tiền đã được tự động khấu trừ vào tài khoản. Cô im lặng nhấp một ngụm cà phê, liếm môi lau lớp bọt trắng trên mé rồi nhẹ nhàng đề nghị:
Hay là Mia qua nhà mình ở?
- Bạn nói sao chứ?
- Mình nói nghiêm túc đấy - Faith nghiêm nghị đáp - Mình ở có một mình thôi, trước đây có cho một cặp vợ chồng người Ấn Độ thuê phòng. Nhưng họ thấy mình làm y tá, sợ mình bệnh nên dọn ra ngoài rồi. Giờ mình ở một mình thôi.
Hai đứa mình làm chung khoa, có gì mà sợ chứ. Bạn tiếp xúc với người bệnh, mình cũng tiếp xúc với người bệnh vậy. Chạy trời không khỏi nắng, haha! Mình có một phòng có nhà tắm riêng... Bạn muốn thì mình cho bạn thuê, lấy giá hữu nghị thôi.
- Faith nói thật không? - Mia mừng rỡ - Nếu được vậy thì tốt quá.
Sắp xếp được chỗ ở mới tưởng khó nhưng lại không khó. Chỉ đến khi cô báo tin cho Anna thì cái khó mới xuất đầu lộ diện. Anna là một cô bé cực kỳ quấn mẹ, nghe nói mẹ sắp dọn ra ở nơi khác nó giãy đành đạch lên, khóc tức tưởi:
- Không! Không! Không! Con không chịu! Con không chịu đâu! Con không muốn mẹ dọn ra ở chỗ khác! Mẹ phải ở với con chứ! Bộ mẹ hết thương con rồi hả?
Mia dỗ dành con bé:
Nín đi con! Đừng khóc! Mẹ thương con mà! Chính vì thương con cho nên mẹ mới muốn ra ở riêng, để con đừng ở gần mẹ quá. Mẹ không muốn lây bệnh cho con...
Suốt một tuần từ khi Mia dọn ra ngoài, mỗi tối mẹ Mia vẫn nghe bé Anna khóc nỉ non vì nhớ mẹ, dù Mia luôn tranh thủ gọi điện về cho con nhiều nhất có thể.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/me-khong-muon-lay-benh-cho-con-post1138214.html