Mê Linh tìm hướng tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, tại huyện Mê Linh, hàng trăm tấn rau củ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Bên cạnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thiếu bền vững cũng là nguyên nhân lớn.
Thu nhập ổn định
Diện tích canh tác rau củ trên địa bàn huyện Mê Linh tập trung phần lớn tại vùng bãi ven sông Hồng thuộc thôn Đông Cao, xã Tráng Việt với khoảng 200ha. Sản lượng đạt hơn 40.000 tấn/năm với đa dạng các mặt hàng củ cải, cà chua, cà rốt và rau ăn lá các loại. Trong đó, diện tích trồng củ cải chiếm khoảng 80ha với sản lượng đạt từ 12.800 - 17.500 tấn/năm. Hàng năm, nông dân nơi đây sản xuất được từ 5 - 6 vụ củ cải, rau ăn lá.
Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Đàm Văn Thìn cho biết, do việc sản xuất rải vụ đến 5 - 6 lứa/năm nên thu nhập của người nông dân trên địa bàn tương đối ổn định. Doanh thu từ canh tác rau, củ của bà con đạt bình quân khoảng 250 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, hàng năm vào thời điểm chuyển từ vụ Đông sang vụ Xuân, đặc biệt là dịp sau Tết Nguyên đán, sản lượng rau, củ rất lớn. Trong khi đó, các trường học, khu công nghiệp, nhà hàng, bếp ăn tập thể… chưa đi vào hoạt động dẫn tới việc tiêu thụ rau, củ thường gặp khó khăn.
Giám sát chặt chuỗi liên kết
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, trên địa bàn xã Tráng Việt hiện nay đã hình thành được một số chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản giữa Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao với các DN. Đặc biệt là chuỗi liên kết giữa các thương lái và nông dân địa phương. Thống kê hiện có khoảng 40 thương lái thường xuyên thực hiện hợp đồng thu mua rau, củ ngay tại ruộng của các nông hộ sau khi gieo trồng. Đây cũng là hình thức liên kết chủ yếu trong sản xuất rau, củ tại xã Tráng Việt.
Đánh giá tình trạng rau, củ rớt giá, một số diện tích phải nhổ bỏ thời gian qua, ông Đô cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nông sản xuống thấp. Do đó, có tình trạng thương lái bỏ cọc không thu mua. Số khác vẫn trả đủ tiền nhưng không thu hoạch mà bỏ lại trên ruộng vì không có người mua. “Số lượng rau, củ này được người nông dân nhổ bỏ để vào vụ sản xuất mới nhưng về cơ bản, bà con không chịu thiệt hại nhiều. Đối với diện tích không thể tiêu thụ sản phẩm tươi, bà con thu hái để sơ chế thành củ cải khô” - ông Đô thông tin thêm.
Mặc dù vậy, việc tìm lời giải bền vững cho bài toán tiêu thụ rau củ quả vẫn đang được địa phương đặc biệt quan tâm. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, mấu chốt hiện nay là cần hình thành các liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Theo đó, định hướng thời gian tới, huyện sẽ giám sát chặt chẽ việc ký hợp đồng thu mua rau, củ giữa thương lái và người nông dân, gắn với bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm bán ra.
“Quan điểm của địa phương là kiên quyết không đưa ra thị trường những nông sản kém chất lượng để giữ gìn thương hiệu” - ông Khương nhấn mạnh.
Đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết thêm, địa phương đang xúc tiến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm rau củ, trước mắt là tại xã Tráng Việt, tiến tới mỗi sản phẩm bán ra thị trường đều được truy xuất nguồn gốc.
Cùng với đó, huyện sẽ xây dựng kế hoạch sản xuất theo từng thời vụ với sự tham gia chủ động hơn từ các thương lái, hệ thống phân phối… Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng cung vượt cầu khiến nông sản rớt giá và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn như thời gian qua.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/me-linh-tim-huong-tieu-thu-nong-san-412264.html