Mẹ lo lắng khi con học lớp 10 sống ỉ lại, vô trách nhiệm
Thường xuyên đi học muộn, làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp, thậm chí bị hạ hạnh kiểm nhưng sáng nào chị Đặng Minh An (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phải 'đánh vật' gọi con trai lớp 10 dậy đi học. Cách sống ỉ lại, vô trách nhiệm của con khiến chị cảm thấy lo lắng.
Học lớp 10 nhưng gần như mọi việc con không động tay động chân. Về nhà, cậu cắm mặt vào chơi điện thoại mặc mẹ làm mọi việc. Đến việc đi tắm, ăn cơm, cũng phải mẹ nhắc ời ời cậu mới chịu đứng dậy. Hôm nào mẹ ốm mệt, không nấu cơm được, cậu cũng ngồi yên đấy chờ mẹ nhờ người sang giúp.
Chị Minh An đau đầu nhất việc học của con. Giờ con học ở bậc THPT nhưng hôm nào chị cũng phải nhắc con mới chịu học bài, y như những năm con mới học tiểu học. Nếu chỉ nhắc thôi, cậu cũng ề à lấy sách nhưng vừa học vừa làm việc khác, lúc đọc truyện, lúc nhắn tin. Chỉ đến khi nào mẹ ngồi cạnh giám sát, cậu mới tỏ vẻ học chăm chú.
Bị điểm kém với cậu không quan trọng. Cậu không cảm thấy xấu hổ hay cần phải cố gắng gì. Bởi sống trong điều kiện khá đầy đủ, được bố mẹ đáp ứng mọi thứ nên cậu không có ý thức phải phấn đấu, nỗ lực.
Giao cho cậu việc gì, nếu người lớn không nhắc nhở thì cậu cũng mặc kệ, không có trách nhiệm. Nếu có cũng chỉ làm hời hợt, qua quýt cho xong chứ không tận tâm. Cậu chỉ quan tâm đến bản thân, chỉ làm những việc mình thích mà không biết quan tâm đến người khác, kể cả người thân.
Chị Minh An vô cùng lo lắng khi cậu con trai sống ỉ lại, vô trách nhiệm như vậy. Chị nhận ra, lỗi chính ở chị đã bao bọc, làm mọi việc cho con nên con mới sống ích kỷ. Con ở tuổi này, để thay đổi thói quen, tính cách của con thật không dễ dàng.
Theo TS Vũ Thu Hương (Trung tâm Cá siêu quậy, Hà Nội), việc dạy con chịu trách nhiệm và sống trách nhiệm là việc vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự kiên trì của bố mẹ từ những ngày con còn nhỏ.
Khi con còn nhỏ, nếu con làm rơi đồ vật gì vừa tầm tay con, cha mẹ cần phải yêu cầu con tự nhặt nó lên chứ không phải chạy theo mà làm hộ con.
Khi con chơi đồ chơi xong, cha mẹ tuyệt đối không giúp con dọn dẹp. Hãy để con dọn cho sạch. Nếu con phản đối hoặc không làm, hãy vứt đi thứ đồ chơi mà con thích nhất. Sự trả giá đó sẽ giúp con hiểu thế nào là trách nhiệm và các tác hại của việc sống vô trách nhiệm. Sau này, cha mẹ sẽ thấy con lớn lên ngoan và hiểu biết hơn những bạn được chiều chuộng và chăm sóc quá độ.
Khi con ăn xong, cha mẹ cần yêu cầu con dọn chính cái bát của con ra chậu rửa (lúc con còn bé) và rửa cái bát đó (khi con đã lớn). Bát của ai ăn cũng cần làm sạch. Con cần phải làm điều này cho chính con chứ không phải ai khác.
Khi con bắt đầu đi học mầm non, từ việc mặc quần áo, xỏ dép, đeo balo, cha mẹ hãy để con tự làm. Trách nhiệm của chính con, hãy để con tự mình gánh vác. Việc cha mẹ (hoặc ông bà) luôn làm hộ con những điều rất nhỏ nhặt như vậy không phải là thương con, yêu con mà là chưa làm tốt trách nhiệm dạy dỗ con. Vì thế, cha mẹ rất cần ghi nhớ điều này.
5. Khi con vào trường tiểu học, cha mẹ đừng cho con học trước để con có ưu thế hơn với bạn bè. Tham gia vào cuộc cạnh tranh công bằng (dù con có thiệt hơn các bạn học trước 1 tí) cũng là để con làm quen với xã hội tương lai. Con chiến đấu hết mình và thành công, đấy là mục tiêu cần cố gắng chứ không phải là con cần có điểm số đẹp hơn hay lời phê hay hơn các bạn khác.
Khi con đi học tiểu học, dù là xếp sách vở, gọt bút chì, mặc đồng phục, hay làm bài tập cô giao, cha mẹ hãy để con tự làm và tự chịu trách nhiệm nếu hoàn thành không tốt. Nếu cô giáo phạt, đừng xin xỏ, hãy để con tự trả giá với các hành vi do chính mình gây ra. Đây chính là cách hay nhất để con nhận thức trách nhiệm của bản thân và thực hiện mọi việc cho tốt.
Việc nhà là việc chung. Cha mẹ cần phân công cho con tham gia làm việc nhà. Lý do là con cũng đang sống chung với cha mẹ, cũng ăn, ngủ, mặc đồ… Vì thế, con rất cần tham gia vào các công việc nhà. Với việc nhà, tuyệt đối không được trả công cho con. Con phải làm việc chứ không thể được trả công từ những việc chăm lo cho chính mình và tập thể có mình trong đó được.
Khi con phạm lỗi, hãy nhìn nhận mọi việc chính xác. Cha mẹ đừng vì tự ái cá nhân mà bênh con vô lối. Nếu con sai, hãy chấp nhận là sai để dạy lại. Chỉ có nhìn thẳng vào cái sai của con thì cha mẹ mới có thể giúp con tiến bộ.
Nếu con đã tuyên bố điều gì, hãy yêu cầu con thực hiện chính xác điều mình tuyên bố.
10. Sống trong tập thể, con cần phải chia sẻ công việc. Cha mẹ đừng nghĩ đến việc đòi hỏi sự công bằng hay gì đó mà xui con nhường việc cho người khác. Hành động này sẽ dạy con thói vô trách nhiệm với tập thể. Điều này cũng như cha mẹ nên dạy con vứt rác đúng nơi quy định, không vi phạm luật giao thông, đi đứng nhìn trước nhìn sau cho phải đạo. Con sẽ học được nhiều cả từ hành vi của cha mẹ nữa. Vì thế, hãy trở thành gia đình sống có trách nhiệm nhé.
Khi con thi cử, nếu con trượt, hãy để con được thi lại năm sau hoặc chọn phương án khác phù hợp với con hơn. Đừng tìm cách chạy điểm, xin xỏ, điều này chẳng tốt lành gì cho con cả. Con sẽ nghĩ rằng, học được thì tốt, không thì bố mẹ chạy cho là xong, việc gì phải mệt. Tính vô trách nhiệm manh nha từ đây.
Khi con 16 tuổi, hãy cho con học luật thật tốt. Pháp luật Việt Nam là những điều quy định với tất cả mọi người. Hãy nói rõ với con, nếu con vi phạm, đừng mong cha mẹ xin xỏ gì ai. Hãy tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình.
TS Vũ Thu Hương khẳng định, dạy con trách nhiệm thì con sẽ tự giác học và học tốt nhất khả năng của con. Dạy con trách nhiệm cũng là dạy con sống cho đàng hoàng và hạnh phúc. Dạy con trách nhiệm là dạy con làm việc nghiêm túc để găt hái thành công. Dạy con trách nhiệm là dạy con sống có trách nhiệm với bản thân, với chồng/vợ, con cái để tìm đến sự bình an và hạnh phúc. Vì thế, dạy con trách nhiệm vô cùng quan trọng.