Mê mẩn quên lối về ở các làng nghề trồng hoa Hà Nội
Nghề trồng hoa không chỉ đưa đến thu nhập cho người trồng mà còn tô điểm làm đẹp cho phố phường, làng quê. Đặc biệt, những ngày cận kề Tết, các làng hoa vào vụ thu hoạch khiến nhiều người đắm say, ngây ngất trong sắc hoa nở rộ.
Nhắc tới các làng nghề hoa truyền thống nổi tiếng một thời của Hà Nội phải kể đến làng hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá… Từ xưa, cứ vào dịp Tết Nguyên đán ở Thăng Long lại có tục mở chợ hoa Xuân. Hiện nay, các chợ hoa này vẫn được duy trì đều đặn mỗi dịp Tết đến. Đây cũng được đánh giá là một tài nguyên du lịch hấp dẫn của Hà Nội.
Ngoài các làng nghề hoa truyền thống, vài năm gần đây, các huyện ngoại thành Hà Nội cũng phát triển mạnh nghề trồng hoa, cây cảnh, hình thành vùng sản xuất chuyên canh. Có thể kể đến như Phúc Thọ, Thường Tín, Mê Linh…
Nhận thấy tiềm năng phát triển của mô hình trang trại du lịch sinh thái trải nghiệm, trên diện tích 3ha, ông Nguyễn Đức Minh, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ cũng đã đầu tư xây dựng Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay. Tại đây, để thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh, ông Minh cũng đã đầu tư cải tạo trồng hàng vạn gốc hồng cổ và nhiều loài hoa đặc trưng của Hà Nội. Du khách đến tham quan không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên mà còn được thưởng ngoạn ngắm hoa, chụp ảnh cùng hoa mà còn được đắm mình trong hương thơm bay bay trong gió giúp tâm hồn thanh tịnh, nhẹ nhàng, thư thái trong tâm hồn. Từ khi đi vào hoạt động, mỗi ngày vườn sinh thái đón được từ 50 đến 100 lượt khách đến tham quan. Trong dịp Tết thì tăng lên gấp 5 lần do nhu cầu du xuân chơi Tết của người dân tăng cao.
Vốn có 2 thôn có nghề truyền thống trồng hoa cây cảnh, xã Hồng Vân cũng đã quy hoạch tập trung vùng trồng hoa cây cảnh, xây dựng các mô hình điểm về trồng hoa cây cảnh và các điểm du lịch trải nghiệm dịch vụ để đón du khách và học sinh đến tham quan trải nghiệm. Đặc biệt, việc thành lập Hợp tác xã Hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân đã hoàn thiện các khâu sản xuất, tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch trải nghiệm tại địa phương.
“Với lợi thế được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm Du lịch làng nghề sinh vật cảnh, Hồng Vân sẽ tạo điều kiện về cơ chế chính sách thuận lợi cho chính quyền và người dân địa phương đẩy mạnh các hoạt động du lịch kết hợp phát triển làng nghề, tạo dựng giá trị kinh tế cao cho người dân” - Giám đốc Hợp tác xã Hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân Nguyễn Văn Tứ cho hay.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để khai phá tiềm năng du lịch tại các làng nghề hoa cây cảnh gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm sinh thái, Hà Nội đã có Đề án phát triển hoa cây cảnh giai đoạn 2012 - 2016, thúc đẩy liên kết thành các hợp tác xã chuyên ngành để phát triển các hoạt động sản xuất gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm. Toàn Hà Nội hiện có 11 mô hình trang trại du lịch giáo dục trải nghiệm và 4 hợp tác xã tại 4 huyện tham gia vào lĩnh vực tiềm năng này.
Ngoài việc quy hoạch tổng thể các làng nghề hoa Hà Nội để trở thành một điểm du lịch tham quan hấp dẫn cũng cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế về đất đai để các trang trại, hợp tác xã xây dựng các cơ sở dịch vụ lưu trú đón khách tham quan nghỉ dưỡng cũng như có hướng bảo tồn các nghề hoa truyền thống của Hà Nội. Cùng với đó là phát triển chợ hoa Quảng Bá và xây dựng công viên chuyên đề hoa cho nhân dân tham quan.
Trong quá trình đô thị hóa của Thủ đô, nhiều làng nghề hoa đang bị mai một mất dần diện tích sản xuất. Việc quy hoạch, tạo quỹ đất bảo tồn các làng nghề hoa cây cảnh này gắn với hoạt động du lịch sẽ tạo không gian xanh gắn với sự phát triển bền vững của Thủ đô. Việc phát triển đô thị với tạo dựng cảnh quan môi trường xanh sẽ tạo môi trường sống hài hòa cùng thiên nhiên cho người dân Thủ đô.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/me-man-quen-loi-ve-o-cac-lang-nghe-hoa-ha-noi-405940.html