Mẹ nhà, con chợ, ba cửa sổ

'Ráng nhịn vài hôm'. Vài hôm. Ai cũng dặn lòng lạc quan như vậy trong cảnh nạn đầy dấu hiệu bi quan. Và mỗi người, bằng hành động nhỏ của mình, nâng đỡ tinh thần nhau bước qua đại dịch.

Đó là mã vị của gia đình chị trong hai tuần nay, khi ở cách xa nhau nửa vòng trái đất. Cuộc sống xoay biến khôn lường, làm sao biết được từ sau lần ăn Tết vui vẻ ở Việt Nam, cùng những lịch tái đoàn viên; mọi thứ bỗng “toang” theo mây khói.

Thực ra, trước nay gia đình chị cũng không sống gần nhau. Vì công việc, chị thường xuyên “bỏ” cha con họ bên Pháp như cách người thân quen vẫn chọc. Nhưng đó là kế hoạch chủ động. Còn giờ đây, trong cuộc chiến chống vi-rút, xa cách kia bỗng trở nên vời vợi. May mà còn có internet.

Ba tuần trước, vợ chồng chị suýt cãi nhau vì anh - vốn sinh trưởng ở Pháp, cho rằng tình hình chưa nguy hiểm, rằng hằng năm Pháp vẫn có vài ngàn người chết do bệnh cúm mùa. Rằng chính phủ bảo nếu bị cảm ho thì uống doliprane, khi đau ngực, khó thở mới kêu cấp cứu, chứ không tự đi đến bệnh viện đang quá tải, để bị nhiễm hoặc lây nhiễm cho người khác.

Tranh luận căng thẳng vì “cách ứng xử của hai nước khác nhau”, vì “Pháp chủ quan”, vì “Việt Nam hốt hoảng”… Vậy rồi, rất nhanh, lệnh phong tỏa toàn quốc của chính phủ ban hành, hai cha con họ chỉ được phép ra ngoài khi có việc cấp thiết.

Tuần này, theo anh kể, con gái giành hẳn việc đi chợ để “ba được an toàn”. Ở Việt Nam, chị cũng tự nhốt trong nhà với đầy đủ lý do… không vui: tuổi cao, sân khấu ngưng, lớp học đóng, các hợp đồng bị hủy…

Hôm nay con gái gửi đoạn clip em bé Anh mếu máo khi tất cả nhà hàng có món ăn em thích đều đóng cửa, với câu nói kèm: “Mắc cười quá mẹ”. Chị trả lời: “Giống ba ghê”. Con gái đánh liên tiếp mấy mặt cười theo ý “mẹ có lý”. Chồng chị mê rất nhiều món Việt Nam. Tuần trước gọi điện, anh bảo tính chạy ra siêu thị Thanh Bình ở ngoại ô Paris mua mấy thứ. Hôm nay, hỏi đã đi chưa, anh nói thôi, phiền phức quá.

Phiền phức bởi chính phủ có lệnh ai ra khỏi nhà phải tự viết giấy khai mình sẽ đi đâu. Gặp cảnh sát chặn thì chìa giấy ra, không đối đáp dài dòng. Ghét thủ tục lích kích, anh quyết tâm “ráng nhịn vài hôm”. Vài hôm. Ai cũng dặn lòng lạc quan như vậy trong cảnh nạn đầy dấu hiệu bi quan. Và mỗi người, bằng hành động nhỏ của mình, nâng đỡ tinh thần nhau bước qua đại dịch. Việc của chồng chị là mỗi tối, đúng 20g, ra cửa sổ vỗ tay…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Anh nói sau lệnh phong tỏa toàn quốc, người dân Pháp buộc phải ở nhà, giới hạn tối đa các mối liên hệ cộng đồng; nhưng cùng lúc cũng xuất hiện những sáng kiến vượt qua ràng buộc cách ly, khẳng định bản thể xã hội của mỗi cá nhân. Điển hình nhất là cuộc hẹn 20g mỗi tối, mọi người ra đứng vỗ tay nơi cửa sổ.

Xuất phát từ Tây Ban Nha rồi được dân Ý, dân Pháp hưởng ứng, nghĩa cử này nhằm khích lệ, tạ ơn giới y tế - những người đang ngày đêm đứng đầu “cuộc chiến tranh” chống vi-rút, đặc biệt hướng đến nhân viên điều dưỡng công - nòng cốt hệ thống y tế Pháp, song từ nhiều năm nay là nạn nhân của chính sách tân tự do (giảm biên chế, giảm lương, giảm giường bệnh, giảm đầu tư) của các chính phủ nối tiếp.

Để phản đối tình trạng “xuống cấp nguy kịch” này, hơn 1.100 trưởng khoa bệnh viện công đồng loạt tuyên bố từ chức mọi nhiệm vụ hành chính. Dịch covid-19 làm lộ ra sự tắc trách của nhà cầm quyền Pháp khi không có chính sách dự phòng y tế, khiến nhân viên y tế công cũng như tư thiếu hụt khẩu trang. Sự thiếu hụt trầm trọng đến độ bộ y tế phải đưa ra chủ trương khó hiểu: “Không nên đeo khẩu trang nếu không bị ốm. Không nên đeo khẩu trang nếu không phải là nhân viên điều dưỡng” (!?).

Tổng thống Macron có lý khi gọi giới y tế là “những anh hùng áo trắng”, nhưng chính các sáng kiến biết ơn thiết thực của người dân mới thật sự làm họ ấm lòng. Thông qua các trang mạng, người ta có thể chứng kiến nhiều nghĩa cử giúp đỡ các nhân viên điều dưỡng, như tự đề nghị giữ con cho họ đi làm, tự đề nghị đi chợ, nấu ăn giúp họ, tự đề nghị cho họ tá túc gần nơi làm việc….

“Xin đừng bỏ rơi chúng tôi, bởi giúp chúng tôi cũng là giúp các bạn”, Tiến sĩ Francesca De Gennaro ở thành phố Bergamo - nơi có 1/5 nhân viên y tế bị nhiễm vi-rút - viết trong thư ngỏ kêu gọi được cung cấp thêm thiết bị, sau khi hàng chục đồng nghiệp của ông chết vì kiệt sức hoặc phơi nhiễm. Ý, Pháp hay Việt Nam… thì đội ngũ nhân viên y tế cũng xứng đáng để nhân loại nghiêng mình cảm kích. Ôm nhau từ xa, chị nói chồng mỗi đêm nhớ vỗ tay thêm phần của vợ.

Sáng nay con gái gửi mẹ clip ngắn quay ba vỗ tay. Nhìn cận cảnh hai bàn tay vỗ liên tục, lia toàn cảnh các chung cư xung quanh nhất loạt rền vang, chị nghe mắt mình cay xé…

Theo Phunuonline

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/me-nha-con-cho-ba-cua-so-1366790.html