Mẹ nhiễm HIV nên cho con bú mẹ hay bú bình?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú sữa mẹ cho tới khi trẻ được 2 tuổi hoặc lâu hơn. Vậy mẹ nhiễm HIV nên cho con bú mẹ hay bú bình?

1. HIV có thể lây truyền qua sữa mẹ

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đã được biết đến như tăng cường miễn dịch, giúp trẻ được bảo vệ tốt hơn. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng bảo vệ trẻ khỏi bệnh tiêu chảy, nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh, đồng thời cung cấp cho trẻ nguồn dinh dưỡng lý tưởng nhất. Cho con bú cũng có lợi cho người mẹ vì giúp tăng tốc độ phục hồi trong thời kỳ hậu sản và giảm nguy cơ ung thư vú.

Phụ nữ nhiễm HIV nên tránh cho con bú khi có biện pháp thay thế an toàn.

Phụ nữ nhiễm HIV nên tránh cho con bú khi có biện pháp thay thế an toàn.

Tuy nhiên, sữa mẹ là một trong những chất dịch cơ thể - cùng với máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo có thể lây truyền HIV. Nguyên nhân là do sự hiện diện của virus HIV trong máu và mô tế bào. Virus có thể lọt vào tế bào sữa tuyến vú của người mẹ để vào sữa mẹ. Điều này có nghĩa là sữa mẹ có thể chứa virus HIV và trở thành nguồn tiềm ẩn của lây truyền HIV cho con.

Theo ThS. Lương Quốc Bình, Phó trưởng khoa phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, không nên cho trẻ bú mẹ mà sử dụng hoàn toàn sữa thay thế trong 6 tháng đầu là phương pháp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con và đảm bảo được sự phát triển của trẻ.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo phụ nữ nhiễm HIV nên tránh cho con bú khi có biện pháp thay thế an toàn và khả thi.

Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm cũng đã đưa ra khuyến cáo người mẹ nhiễm HIV không nên cho con bú vì có thể truyền HIV từ mẹ sang con qua sữa mẹ. Vì vậy, phụ nữ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế là một biện pháp có hiệu quả làm giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con.

2. Giải pháp nào cho bà mẹ bị nhiễm HIV?

Đối với tất cả trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV thì giải pháp thay thế được khuyến nghị là cho trẻ sử dụng sữa bột dành cho trẻ sơ sinh, hay còn được gọi là sữa công thức, được bú bình. Không nên cho trẻ ăn thức ăn đặc cho đến khi được 6 tháng tuổi.

Cho trẻ bú bình là giải pháp thay thế sữa mẹ nhiễm HIV.

Cho trẻ bú bình là giải pháp thay thế sữa mẹ nhiễm HIV.

Sữa công thức cho trẻ có những chất dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, cũng có nhược điểm là trẻ bú bình bằng sữa công thức nên luôn tiềm ẩn nguy cơ vi khuẩn gây tiêu chảy, nôn... nếu không được tiếp cận với nước uống sạch và tiệt trùng. Thứ hai, sữa công thức không thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bé như sữa mẹ. Thứ ba, là cần một khoản chi phí đáng kể liên quan đến việc nuôi trẻ bằng sữa công thức, bao gồm cả việc mua thiết bị khử trùng và bình sữa.

Vệ sinh tốt là rất quan trọng khi pha sữa công thức vì hệ thống miễn dịch của bé không như hệ thống miễn dịch của người lớn. Vệ sinh không tốt, dẫn đến tiêu chảy và nôn mửa do vi khuẩn gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.

Để trẻ bú bình đảm bảo vệ sinh, an toàn cần lưu ý:

Làm sạch bình sữa, núm vú giả và dụng cụ cho ăn khác.
Khử trùng bình sữa và núm vú giả bằng cách sử dụng dung dịch khử trùng, khử trùng bằng hơi nước ví dụ như luộc hoặc đun sôi.
Sử dụng nước uống đun sôi để pha sữa.

Ngoài ra cần lưu ý những điều sau:

- Tuân thủ tốt điều trị ARV: Mẹ nhiễm HIV cần tuân thủ chế độ điều trị ARV dưới sự giám sát của bác sĩ. Việc sử dụng ARV giúp kiểm soát tải lượng virus của mẹ (lượng virus trong máu) và giảm nguy cơ lây truyền qua sữa mẹ.

- Giám sát sức khỏe của trẻ: Trẻ cần được theo dõi và kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến HIV hoặc sức khỏe tổng thể.

Khánh An

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/me-nhiem-hiv-nen-cho-con-bu-me-hay-bu-binh-169230930163211617.htm