'Mẹ ơi, con bị bán rồi' - nạn buôn cô dâu nhức nhối ở châu Á
Mỗi năm, hàng chục nghìn phụ nữ châu Á bị những kẻ buôn người bắt cóc, lừa lọc và trở thành một món hàng được rao bán cho cánh đàn ông không có vợ để cưới.
Năm 2018, Nyo và Phyu, hai cô bé 16 tuổi sống tại một ngôi làng miền núi ở Shan (Myanmar), muốn thoát khỏi vùng quê nghèo.
Biết chuyện đó, hai người hàng xóm Daw San Kyi và Daw Hnin Wai tiếp cận Nyo và Phyu, hứa hẹn sẽ cho họ công việc phục vụ bàn ở biên giới giáp Trung Quốc. Vì biết Hnin Wai giàu có và sở hữu ngôi nhà đẹp nhất trong làng, hai cô gái tin tưởng và đồng ý lời đề nghị.
Sau 10 ngày di chuyển liên tục, Nyo và Phyu lờ mờ hiểu ra rằng họ đang bị đem đi bán. Hai cô gái tìm cách trốn thoát hai lần nhưng đều thất bại.
Sau đó, hai cô gái bị chia cắt. Phyu bị đưa đến huyện Hạng Thành (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) và làm vợ một người đàn ông tên Yuan Feng (21 tuổi). Tại đây, cô bị hắn tiêm thuốc mê mỗi tối để ép quan hệ tình dục.
Tình trạng của Nyo cũng không khá hơn. Cô phải sống cùng một gã tên Gao Ji. Ban đầu, do cự tuyệt và không chịu ăn uống, cô thường xuyên bị nhốt vào phòng kín, đánh đập và ép quan hệ với hắn. Hiện cô bé 18 tuổi đã trở thành bà mẹ một con ở nơi đất khách quê người.
Thỉnh thoảng, nhân lúc chồng say xỉn, Phyu mở điện thoại của anh ta ra nhờ việc ghi nhớ mật khẩu trước đó và bí mật liên lạc với mẹ ruột.
"Tôi rất vui khi được gặp lại con bé nhưng nó trông tàn tạ, không còn như trước nữa. Rồi nó bảo rằng 'Mẹ ơi, con bị bán rồi'", mẹ của Phyu chia sẻ với New York Times.
Bỏ tiền để "nhập khẩu" vợ
Chính sách một con của Trung Quốc đã giúp quốc gia này ngăn chặn được cơn ác mộng bùng nổ dân số vào cuối những năm 70. Tuy nhiên, thành quả lại kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Hàng triệu bé gái bị cướp đi sinh mạng ngay từ khi nằm trong bụng mẹ do nhiều gia đình quyết định phá thai. Họ muốn đảm bảo đứa con duy nhất trong nhà phải là một quý tử để nối dõi tông đường.
Khi chính sách kết thúc vào năm 2015, đất nước này thiếu hụt khoảng 33 triệu phụ nữ.
Để đối phó với vấn đề này, đàn ông Trung Quốc bắt đầu “nhập khẩu” vợ từ các quốc gia khác.
Mỗi năm, hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em gái từ nhiều nước trong khu vực bị lừa bán sang Trung Quốc bằng những lời dụ dỗ công ăn việc làm ổn định, lương cao của những kẻ buôn người. Thậm chí, họ bị chính người thân trong gia đình bán để lấy tiền hồi môn.
Phụ nữ Myanmar là một ví dụ điển hình. Họ thường xuyên bị những kẻ buôn người lợi dụng và bóc lột lao động, ép buộc kết hôn hoặc bán dâm, theo một cuộc thăm dò năm 2018 của tổ chức từ thiện Thomson Reuters Foundation.
“Tình trạng buôn bán phụ nữ rất phổ biến nơi đây nhưng rất ít người dân nhận thức được về vấn đề này”, Zaw Min Tun, một cảnh sát thuộc lực lượng chống buôn người ở vùng Shan, cho biết.
Theo một nghiên cứu của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) và Hiệp hội Phụ nữ Kachin (Thái Lan), chỉ tính riêng một tỉnh ở Trung Quốc, khoảng 21.000 phụ nữ và trẻ em gái từ Myanmar bị ép kết hôn tại địa phương đó từ năm 2013 đến năm 2017.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các bang phía bắc Ấn Độ như Haryana, Punjab và Rajasthan.
Nạn phá thai để chọn lựa con trai khiến khu vực này mất cân bằng giới tính trầm trọng. Do không đủ nữ giới để kết hôn, những người đàn ông tại đây phải “mua cô dâu” từ các bang khác.
Năm 2013, một nghiên cứu cho biết khoảng 9.000 phụ nữ trên tổng số 10.000 hộ gia đình ở 92 ngôi làng là nạn nhân của các cuộc hôn nhân ép buộc.
Họ thường bị lừa, lôi kéo, bắt cóc để cưới những người đàn ông “không thể kết hôn” như già yếu, góa bụa, tàn tật, nghiện rượu hoặc tài chính không ổn định.
Bán con gái để lấy của hồi môn
Để có thể mua vợ ở nước ngoài, đàn ông Trung Quốc phải trả phí từ 10.000-15.000 USD cho người môi giới. Trong đó, 1.000-3.000 USD là “của hồi môn” đưa cho gia đình cô dâu, nhưng chưa chắc cô gái này đã nhận được gì.
“Nhiều gia đình trông đợi vào những cô con gái để đem ‘lợi nhuận’ về cho họ. Các thiếu nữ càng xinh đẹp và trẻ trung, họ càng nhận được của hồi môn lớn”, Chou Bun Eng, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chống buôn người của Campuchia, cho biết.
Cách đây 6 năm, Nary (17 tuổi) sống cùng gia đình trong một căn lều ven đường ở ngoại ô Phnom Penh. Anh trai đã dụ dỗ cô lấy chồng ngoại quốc để kiếm tiền gửi cho cha mẹ. Anh ta hứa hẹn sẽ nói chuyện với người môi giới để sắp xếp cho Nary lấy một bác sĩ Trung Quốc giàu có.
“Gia đình tôi nghèo khó nên tôi muốn giúp đỡ họ bằng cách chấp thuận lấy một người ngoại quốc lạ mặt. Hơn nữa, tôi tin anh trai mình”, cô nói với AFP.
Tuy nhiên, khi sang đến Thượng Hải, Nary mới biết chồng mình là một công nhân xây dựng nghèo chứ không phải bác sĩ như được hứa hẹn.
Ngoài ra, gia đình cô không nhận được một đồng nào do người anh trai cầm 3.000 USD chạy trốn, còn những kẻ môi giới chia chác nhau 7.000 USD còn lại.
Cuộc hôn nhân của Nary cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Sau khi cô sinh con trai được một tháng, mẹ chồng đột ngột cấm cô tiếp xúc và cho con bú.
Họ bắt ép cô ly hôn càng sớm càng tốt. Cuối cùng, cô gái phải chuyển ra ngoài và làm công nhân ở một nhà máy sản xuất thủy tinh gần đó. Nary không được gặp lại con lần nữa.
Hầu hết cô dâu ngoại quốc như Nary không có chứng minh thư hay hộ khẩu, thậm chí là visa. Họ như thể được thuê chỉ để mang thai và sinh con.
Bị chính người thân đem đi bán
Mahira (28 tuổi) là mẹ của 3 đứa trẻ và sinh sống ở làng Kherli (bang Haryana, Ấn Độ).
Cô chỉ còn ký ức mơ hồ về lần bị lừa bán cách đây 14 năm. Một người họ hàng đã dụ dỗ Mahira đi tham qua thủ đô Delhi nhưng lại bán cô cho một đại lý môi giới hôn nhân.
Sau đó, Mahira cùng các nạn nhân khác trở thành những “món hàng” được bày bán ở cuộc đấu giá. Một người nông dân 45 tuổi mua cô về làm vợ với giá 8.000 rupee (109 USD).
Kể từ đó, cô gái 14 tuổi vừa phải đối mặt với người chồng nghiện rượu, vừa chăm sóc nhà cửa, lo việc đồng áng vất vả.
Năm 2018, Tahmina (13 tuổi) bị chính chị gái ruột và anh rể bán cho một người đàn ông hơn cô 30 tuổi với giá 50.000 rupee (683 USD).
Họ lừa cô bé tới Delhi chơi nhưng lại đưa đến bang Haryana, cách nhà Tahmina 2.000 km, rồi nhốt cô trong một căn phòng.
“Sau đó, một số những người đàn ông lạ mặt đến gặp tôi và trao đổi về giá bán với anh rể. Chị gái tôi đứng ngoài phòng và biết rõ điều gì sẽ xảy ra với tôi”, cô bé chia sẻ với Guardian.
Trong nhiều thế kỷ, buôn bán cô dâu đã trở thành một ngành kinh doanh bùng nổ tại các bang Haryana, Punjab và Rajasthan ở miền bắc Ấn Độ.
Theo dữ liệu của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ năm 2016, 33.855 người đã bị bắt cóc vì mục đích kết hôn. Một nửa trong số đó dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Shafiq R. Khan, nhà sáng lập tổ chức từ thiện chống buôn người Empower People, cho biết những cô dâu bị mua về thường phải đối mặt với cuộc sống nô lệ ở gia đình nhà chồng.
“Đáng lẽ những nhà phải nhập khẩu vợ do thiếu hụt nữ giới ở địa phương phải tôn trọng người phụ nữ đó. Tuy nhiên, họ không làm vậy. Thay vào đó, họ coi thường và nhục mạ các cô dâu, gọi nạn nhân là ‘paro’ hoặc ‘molki’, tức món hàng bị mua, bị đánh cắp”, ông nói.
Năm 1998, Saeeda, khi ấy 11 tuổi, bị chị gái bán cho Azim, một người đàn ông góa vợ hơn cô 20 tuổi. Ông đã có 6 đứa con với người vợ đầu tiên. Saeeda cho biết họ thường xuyên đánh đập cô.
“Họ bắt tôi phải nghe theo lời họ. Nếu tôi phản kháng, những người đó sẽ nói rằng họ bỏ tiền mua tôi nên có quyền sở hữu tôi”, cô kể lại.
Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hoạt động xã hội thuộc tổ chức Empower People, Saeeda nắm được và hiểu rõ quyền của mình với tư cách là một người vợ.
Azim cũng đồng ý để một ngôi nhà đứng tên cô, tức Saeeda và các con sẽ được đảm bảo an toàn nếu ông qua đời. Cô cho biết nhiều phụ nữ sau khi chồng qua đời, bị đuổi ra khỏi nhà ngay lập tức.
Hiện Saeeda sử dụng ngôi nhà của mình làm nơi gặp mặt và nơi nương náu cho những paro cộng đồng.
“Bây giờ, tôi đã có đủ dũng khí để chiến đấu”, Saeeda nói.