Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ…

Đấy là lời mở ca khúc 'Mẹ tôi' của nhạc sĩ Trần Tiến, viết về nỗi nhớ mẹ đã khuất núi từ lâu. Là con giai mẹ, biết ngồi nhớ mẹ, cất tiếng hát buồn nhớ, thì đã già. Nghe muốn khóc, cho thật hết nước mắt. Bởi tôi nhớ mẹ quặn thắt cả lòng.Thành thật và đau đớn như Trần Tiến, đã chỉ hết lòng nhớ mẹ, khi đã già.

Tuổi 70, tôi nhớ mẹ với bao tiếc nuối, xót thương, pha lẫn đắng cay, ân hận. Phải chi tôi vâng lời mẹ, không nông nổi và bướng bỉnh cãi mẹ, cứ không bằng lòng là ngược ngạo hờn dỗi mẹ? Phải chi tôi luôn vô tình làm tổn thương mẹ? Phải chi, là con gái đầu lòng trong đàn con 5 đứa của mẹ, nhưng tôi đã gây nhiều buồn phiền ưu tư hơn cả cho mẹ? Phải chi và phải chi…?

Tất cả đều đã muộn. Vì tôi đã già…

Mẹ tôi mất vào mùng 9 Tết Nhâm Thìn (dương lịch ngày 31.1.2012), cách đây 9 năm trường, sau 2 năm nằm liệt giường, sống thực vật, không nói, không cười, không biết gì, thi thoảng thấy mắt mẹ tôi ứa vài giọt lệ. Tôi thường nhớ nghĩ đến lúc mẹ nhắm mắt vào trưa mồng 9 Tết ấy. Tôi đi dạy học, về đến nhà thì mẹ mất. Dường như mẹ cố tránh cái chết tại nhà vào ngày Tết nguyên đán, sẽ khổ chồng, khổ con, nên mẹ đã nấn ná chờ cả nhà ăn Tết xong, mới chịu nhắm mắt ngày 9 Tết, đúng tính cách nhẫn nhịn vì chồng, vì con suốt cuộc đời dài của mẹ…

***

Mẹ tôi là con gái làng Đình Bảng, ngôi làng đẹp nhất xứ Kinh Bắc, mà xứ Kinh Bắc ngày xưa thật lộng lẫy huy hoàng và diễm lệ cổ kính nhất trong thơ Hoàng Cầm: “Con lạy mẹ đưa con về Kinh Bắc”. Tất cả đã thật muộn. Mẹ không còn để đem tôi về xứ Kinh Bắc, làng Đình Bảng quê mẹ mỗi mùa hát quan họ giao duyên sau Tết nguyên đán cổ truyền, thăm hỏi họ hàng làng xóm và dự ngày cúng giỗ gia tiên. Tôi giờ này đang ở TP.HCM, quá xa quê ngoại: Làng Đình Bảng, quê hương vương triều Lý, nơi hiện tồn Đình Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý, hoàn toàn “chối từ” thờ vị vua cuối cùng: nữ vương Lý Chiêu Hoàng, bởi “can tội” nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, kết thúc vương triều Lý, khởi đầu triều đại nhà Trần…

Bà Nguyễn Thị Minh Hương (1925 - 2012), mẹ tác giả. Ảnh: TLGĐ

Bà Nguyễn Thị Minh Hương (1925 - 2012), mẹ tác giả. Ảnh: TLGĐ

Làng Đình Bảng của huyết thống đằng ngoại, chắc chắn đã ảnh hưởng đến cuộc đời, số phận và tính cách mẹ tôi. Và cả sự không tránh khỏi duyên số với bố tôi, với quê hương, dòng họ ông, là quê nội tôi: Làng Thượng Mỗ, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, như đã được ghi trang trọng trong giấy khai sinh tôi.

Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra sau Cách mạng tháng Tám 1945, đã đưa đẩy rất nhiều gia đình rời quê hương châu thổ Bắc bộ, lên tản cư tại các tỉnh miền ngược phía Bắc Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên, miền trung du ngan ngát nương sắn đồi chè, với chiến khu Việt Bắc và Thủ đô gió ngàn. Gái làng Đình Bảng, mẹ tôi giỏi nghề hàng xén, mà thi sĩ Hoàng Cầm đã từng thơ: Có cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng. Mẹ tôi, lúc đó chưa chồng, đã đưa mẹ và em gái chạy giặc Pháp, tản cư từ Đình Bảng lên Phúc Yên, mở ngôi hàng xén tại chợ Me.

Bố tôi quê gốc Hà Đông xứ lụa, đi bộ đội cụ Hồ từ 1947, sau mấy năm được giải ngũ vì sốt rét ác tính, trở về gia đình, sống cùng cha mẹ và các chị em gái ở Phúc Yên. Khi đó gia đình đã rồng rắn tản cư, từ Hà Đông lên Tuyên Quang đến Phú Thọ, Vĩnh Yên, và đang dừng chân ở Phúc Yên. Gia đình bố tôi ở nhờ nhà người quen, chỉ có hai mẹ con, nhà sát đê, gần chợ Sặt. Người con trai tên Du trạc tuổi bố, rủ bố tôi đi buôn hàng xén, từ trong thành Hà Nội tuồn ra vùng tự do. Hai trai trẻ đi lấy hàng ở chợ Me, cách nhà hàng chục cây số, sáng đi, tối ngủ trọ, hôm sau về, đem bán cho người bán lẻ ở chợ Sặt. Bố tôi đẹp giai, trẻ trung, cười tươi, hàm răng trắng đều tắp, có Tây học, biết tiếng Pháp, lại giỏi đàn hát tân nhạc huê tình từ khi còn trong bộ đội cụ Hồ. Lại kết thân với ông Tiến Xa, cũng mê đàn hát, dân gốc Hà Nội tản cư, hay cùng nhau đàn hát phục vụ dân địa phương. Tình cờ, Tiến Xa có cô em họ (là mẹ tôi sau này), đang bán hàng xén ở chợ Me, liền giới thiệu bố tôi và Du đến mua hàng.

Bố mẹ tôi quen biết nhau từ đấy và dính tơ vương cũng từ đấy.

Bố tôi, đầu năm 2021, đã 94 tuổi, nhớ lại, vừa sân hận vừa thật thà, đã viết về cô hàng xén quen từ thuở đôi mươi ấy, trong phác thảo cuốn hồi ký về cuộc đời ca sĩ của ông. Dù chỉ mấy dòng, song đã hé lộ cuộc tình đầu của ông, khởi đi từ sự chênh lệch khá xa về học vấn, về nghề nghiệp, giữa hai người trẻ, chớm yêu nhau trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp, mà về sau, đã không tránh khỏi bi kịch “đồng sàng dị mộng”.

Ông viết tay, nét chữ đẹp nghiêng trong quyển sổ: “Cô này có gian nhà nhỏ tại chợ, ngày bán hàng, tối ngủ lại trông nhà và hàng hóa. Cô lớn tuổi hơn tôi một chút. Trình độ văn hóa kém, chưa đọc thông viết thạo, nhưng rất thích ca hát (tuy hát rất “phô” vì “mù” nhạc). Đôi khi mua hàng, tôi ở lại ngủ nhờ trên võng tại nhà cô và thường khi được cô đun nước nóng để rửa chân trước khi ngủ (theo tục lệ ở quê cô). Và cũng từ đó, cô mến mộ tôi và luôn viết thư tình (dù còn nhiều lỗi chính tả) cho tôi. Thời gian cứ trôi qua êm đềm. Có lần nhớ tôi, cô đi bộ hàng chục cây số đến tận chợ Sặt thăm tôi và gia đình tôi ở ngay bờ đê sát chợ Sặt”…

Quân đội Pháp nhảy dù chiếm Phúc Yên, mối tình bố mẹ tôi mới chớm đã bị đứt đoạn. Gia đình bố tôi lại tản cư lên Thái Nguyên, được ở nhờ nhà ông Bếp Toóng, gần cầu Gia Bảy. Tình cờ cô hàng xén bố tôi chớm yêu, cũng đưa mẹ già và em gái tản cư lên Thái Nguyên, ở Mỏ Bạch, cách nhà của gia đình bố tôi vài trăm mét. Sau đó, ông nội tôi mua được căn nhà lá hai gian, vườn trồng toàn cây ăn quả, và đào hầm trong vườn, tránh bom Pháp ban ngày, tối ra chợ mưu sinh kiếm sống.

Bố tôi tái ngộ mẹ tôi ở chợ thị xã, chính thức ngỏ lời và hai người bàn nhau làm đám cưới. Một đám cưới lạ kỳ, cô dâu chú rể đi thuyền trên sông gần hết một ngày, từ Thái Nguyên lên Bắc Cạn, làm tiệc cưới, trình diện ông bố vợ đang ở cùng bà vợ lẽ trên ấy, rồi quay về Thái Nguyên ngay hôm sau. Sau cưới, mẹ tôi ngại làm dâu, trong nhà chồng toàn chị em gái, xin ra ở riêng, dựng căn lều sát đường cái quan, bán hàng xén. Sau, lại mua một căn nhà gỗ, chuyển về phố Tân Long, thị xã Thái Nguyên. Mẹ tôi lại dựng tiếp ngôi hàng xén và bố tôi được đi làm ở chi sở Kho thóc Thái Nguyên, với việc chữ nghĩa sổ sách quen thuộc.

Bố mẹ tôi và 4 chị em tôi, hai trai, hai gái, sống đoạn đời thật êm đềm ở phố Tân Long, cho đến khi bố tôi về Hà Nội, khoảng 1955, 1956, thành ca sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam, thành đồng nghiệp của chị ruột, là bác gái tôi, NSND Thương Huyền, người đã hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc.

Thì ra, đoạn đời ở Thái Nguyên, sau đám cưới bố mẹ tôi năm 1950 và sinh tôi năm 1951, gái đầu lòng, sau đó mẹ sinh liên tiếp 3 đứa em, lại chính là những tháng ngày ngọt ngào, êm đềm hạnh phúc nhất của bố mẹ tôi. Nhất là mẹ tôi, một tay quán xuyến gia đình chỉ bằng nghề hàng xén. Bác Doanh Trà, bạn bố mẹ tôi, chuyên nghề nhiếp ảnh, đã chụp ảnh bố mẹ tôi thời mới cưới, tôi còn bé tí, mặc yếm dãi trắng, cười hớn hở trên đồi sim tỉnh Thái, và 4 mẹ con tôi, những tấm hình đen trắng thật đẹp, mặt mẹ mặt con tươi hoa, sáng trưng, quần áo đẹp đẽ, chứng tỏ mẹ tôi đã lo cho các con đời sống no ấm, khá giả, dù bố tôi cứ biền biệt ở Hà Nội hành nghề ca sĩ, chẳng mấy khi đảo lên Thái thăm vợ con.

Con bé mới vài tuổi đầu là tôi, tuổi thơ đã biết thiếu khát bố. Rất nhiều năm sau, khi đã thiếu nữ, rồi thiếu phụ, đến tận tuổi xế chiều, tôi vẫn giữ nguyên trong lòng, cái thời bé dại, đong đầy nỗi nhớ cha ấy. Và không đừng được, đã phải lấy mình làm nhân vật , trong truyện ngắn “Bồ côi bồ cút” (in chung với Nguyễn Thị Hậu trong tập “Ngắn và rất ngắn”, NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM, 2018):

“Bây giờ, dẫu đã là thiếu phụ tuổi bốn mươi, nó vẫn còn nguyên một con bé sống canh cánh trong người – là chính nó. Ngưng lớn từ thuở bé, vì nó thiếu hơi cha. Nó như không cha, dù trong thực tế, nó có cha hẳn hoi.

Bố mẹ tác giả thời mới cưới trên Thái Nguyên. Ảnh: TLGĐ

Bố mẹ tác giả thời mới cưới trên Thái Nguyên. Ảnh: TLGĐ

Năm nó lên bốn, lên năm gì đó, nó đương chơi con búp bê vải. Mẹ nó đương ngồi trông ngôi hàng xén nhỏ ở một phố dài lắm tàn bàng tỉnh Thái, miền trung du đồi chè. Một cây bàng nghiêng tán lá, đổ bóng rợp xanh ngôi nhà gỗ của mẹ con nó. Bỗng nó ngừng tay quấn tã búp bê, kéo vạt áo mẹ, hỏi ngong ngóng: “Bố đi đâu rồi. Sao bố không về với con?”. Mẹ mải bán hàng, phát yêu một cái vào mông nó, trả lời qua quýt: “Suốt ngày hỏi! Thì bố mày đang ở cái loa to treo trên cây cột điện đầu phố ấy. Chạy ra đó mà hỏi. Sốt ruột!”. Nó giãy nảy, bỏ ngay búp bê: “Con ra đấy với bố cơ!”. Mẹ nó gắt: “Thì đi đi, ai cấm!”.

Nó vẫn luôn thấy lại mình trong cảnh rất đỗi xa xưa ấy, đúng vào ngày hè nắng tươi hôm đó. Nó lũn cũn chạy ra đầu phố, ngỏng đầu, hong hóng há mồm nhìn lên cái loa nhôm màu thiếc to như cái nón đang oang oang tiếng bố nó hát: Ngày mai lúa chín vàng thơm, anh về cùng em, hát cho thỏa lòng nhớ mong… “Bố ơi – nó gào lên – Bố xuống đây với con!”.

Loa vẫn oang oang hát. Chả thấy bố nó thò mặt ra cười, rồi leo xuống cây cột gỗ dắt nó về nhà. Nó cứ đứng nghệt mặt ra chờ. Chờ mãi cũng không thấy bố xuống, cứ ở tịt trong cái loa. Nó quay ngoắt người, chạy về nhà, bắt đền mẹ. Trên đường về, con bé mới vài tuổi đầu, bị cả bầy ngỗng sư tử nhà ai thả rông, rượt đuổi chí chết. Nó cắm cổ chạy, rất hãi sợ, nhưng không khóc một tiếng…”.

Mãi sau nhớ lại, tôi cứ tưởng bố tôi về Hà Nội, chịu không nổi cảnh xa cách vợ con, đã tự ý lên Thái Nguyên đón vợ con về Hà Nội đoàn tụ. Nhưng sự thật trong hồi ký lại rất khác. Bà vợ bác Doanh Trà, chủ “Ảnh viện Doanh Trà”, cùng phố Tân Long, thấy mẹ tôi cứ sống hồn nhiên vô tư bản năng, nuôi 4 đứa con ngon lành, đã buông vào tai bà một nghi vấn: “Chị không mang con chuyển về Hà Nội sống, tôi e chị sẽ mất chồng đấy!”. Bởi lúc ấy bố tôi đã hát trên đài, giọng nam cao ấm áp, với nhiều ca khúc trữ tình, được người nghe cảm mến, trong đó có nhiều cô gái trẻ đẹp, lãng mạn đã vây quanh hâm mộ và muốn chiếm hữu ông.

Mẹ tôi bỗng hãi sợ, lập tức vội vàng bán hết nhà cửa, đồ đạc, hàng hóa… đùng đùng dẫn ngay 4 con về Hà Nội. Bố tôi viết hồi ký: “Vì về bất chợt, tôi không hay biết, đành đưa cả nhà xuống tạm ở nhà cô em gái tên Huân ở phố Hàng Chuối…”.

Từ đây, những tưởng đoàn tụ vợ chồng con cái, lại hóa trục trặc, chia lìa. Khoảng xa cách giữa bố mẹ tôi, cuộc sống Hà Nội thị thành thủ đô khác hẳn Thái Nguyên thị xã, mẹ tôi không thể mở ngôi hàng xén ở Hà Nội, lại sinh thêm con trai út năm 1959, cả nhà chỉ trông vào lương của bố, tiền nong mẹ tôi buôn bán dành dụm từ ngôi hàng xén tỉnh Thái đã cạn. Nhà tôi lâm cảnh túng thiếu mọi bề. Ăn nhờ ở đậu nhà em gái chồng không tiện, bố mẹ tôi đi thuê nhà và dồn mãi tiền mới mua được nửa căn nhà lá ở ngõ Dã Tượng. Bố mẹ cùng 5 con sống chen chúc và đói khát ở ngôi nhà lợp lá cọ ngõ Dã Tượng. Cảnh tượng thường thấy nhất của tôi là vào buổi tối, bố ở trần, ngồi ở phản gỗ đánh đàn ghi ta, xướng âm, tập bài hát mới cho sáng mai thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ. Mẹ cúi gằm mặt đan len thuê, luôn thở dài thườn thượt và chúng tôi ê a học bài, vẹo sườn làm bài tập.

Có lẽ cả nhà lúc ấy chỉ bố tôi là thanh thản vui sướng nhất, vì ông có đến hàng tá cô gái hâm mộ tiếng hát và tìm mọi cách để có được ông. Tôi đã phải tin rằng ông có số đào hoa, khi đến tuổi ngoài 90, ông vẫn tuyên bố “tôi cần một bờ vai, bởi tôi mất vợ đã quá lâu”. Máu nghệ sĩ của ông, có lẽ được di truyền từ ông nội, mặc nhiên, đã làm khổ mẹ tôi một đời và dường như bà sinh ra để chịu nỗi khổ ấy, và có lẽ nào, chính bà đã lại cho đó là nguồn hạnh phúc một đời? Và cũng chính bà, đã đưa vai mình ra gồng gánh cái tính cách đào hoa ấy mà không khi nào chịu đặt xuống.

Bởi vậy, sống với bố tôi, mẹ tôi đã cam chịu một bi kịch nhị nguyên: Hạnh phúc đến cùng và đau khổ tới ngưỡng, khi bà, một cô hàng xén ít học, người nhà quê chất phác, yêu và làm vợ một ca sĩ trí thức “Tây học”, không bao giờ đối thoại được với chồng, và cam chịu cảnh “đồng sàng dị mộng” với bố tôi, mà không hề nghĩ đến ly hôn? Vì sao? Vì yêu bố tôi, con trai hoi của ông nội tôi, người chồng đã lãnh đủ dòng máu nghệ sĩ của ông nội tôi. Và mẹ tôi cứ thế yêu bố tôi, bất chấp mặc cảm thân phận người dàn bà nhà quê thấp kém và ít học của mình.

Tôi từng nhiều lần đặt câu hỏi: Sao mẹ phải chịu khổ thế? Mà tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời…

***

Ông nội tôi có hai dòng con, từ hai vợ: vợ cả và vợ lẽ. Cả hai dòng đều hiếm con trai, mỗi dòng chỉ một trai hoi (duy nhất). Ông nội và bà cả đều là nông dân thứ thiệt xứ Hà Đông, nhưng ông nội từ thời trẻ trai đã mê chèo cổ sân đình, và sau thì mê đắm ca trù đến… “mê chơi quên quê hương”. Ông chơi đàn đáy rất tài hoa và thuần thục, đua bạn bè, lên tận Hà Nội, gẩy đàn đáy cho các ca nương và phải lòng một ca nương hát hay, phách ròn, người đẹp, tóc đen dài như suối chảy, giọng thánh thót chuông vàng và quyết lấy bà làm vợ lẽ, theo về ở nhà bà tại ấp Thái Hà, ngay cạnh gò Đống Đa, và có với bà 3 người con nữa (tổng cộng 10 người con), cũng chỉ duy nhất một trai. Sau này, ông nội tôi bảo cháu nội ngoại phải gọi bà đào nương ca trù của ông là bà Trẻ, dù không được gọi bà Cả của ông là bà Già, mà phải gọi là Bà Nội. Bố tôi là con trai duy nhất của dòng đầu 7 người con của ông nội, nên được chiều chuộng đặc cách từ tấm bé.

Ông nội tôi chỉ cho các con gái học để biết đọc biết viết, còn con trai duy nhất là bố tôi được ông nội tìm đủ cách xin vào học trường Pierre Pasquier, Hà Nội (tên Việt là trường Sinh Từ ở phố Sinh Từ) của người Pháp lập ra cho con em “học sinh An Nam” thuộc địa. Bố tôi học từ lớp 1 đến lớp 3 thì lấy dược bằng “Êlêmăngte”, từ lớp 4 đến lớp 6, lấy được bằng Séctiphica, và ra trường. Sau bố tôi được học thêm một năm theo chương trình đíplôm (tương đương trung học bây giờ) tại một trường tư (Trịnh Kiểm), thì phát xít Nhật xâm lược Việt Nam, định hất cẳng thực dân Pháp khỏi Việt Nam. Bố tôi dừng việc học.

Nhưng cái vốn Tây học ấy, cùng tài đàn hát bẩm sinh và vẻ đẹp giai, hoạt ngôn, đã giúp ông, thời quân ngũ trong bộ đội cụ Hồ, luôn được sử dụng vào việc chữ nghĩa sổ sách, báo cáo, thư ký (ông viết chữ rất đẹp và bay bướm) và việc văn nghệ đàn hát ấy đã đẩy đưa ông vướng nhiều cuộc tình “ngoài luồng”, như ông đã không ngại thú nhận trong hồi ký. Và nhiều đoạn đời về sau, sống với mẹ tôi, đã giống như địa ngục. Nhưng chưa bao giờ mẹ tôi đồng ý ly hôn, chỉ vì không đang tâm thấy con mình không còn cha, gia đình mình bị xé đôi và mình bị mất chồng.

Có lần, chịu không nổi tình cảnh thật khốn khổ, quá đau thương của mẹ, tôi đã gào lên nức nở trong nước mắt, khi mới mười tuổi đầu: “Mẹ ra tòa li dị bố đi”. Nhưng cũng chính bữa cơm ngay sau đó, không biết ma xui quỷ khiến thế nào, khi bố tôi giận dữ đòi ly hôn và bảo “phải chia con, đứa nào theo bố thì giơ tay!”. Tôi là đứa đầu tiên, chị Cả, giơ tay lên, mở to mắt, nhìn bố và thẳng thừng tuyên ngôn: “Tao theo bố, đứa nào theo tao?”. Bọn em lít nhít như bị tôi thôi miên, cũng líu ríu giơ tay theo tôi.

Mẹ tôi quăng bát cơm xuống đất, lăn ra xõa tóc rũ rượi, gào khóc thảm thiết: “Tôi rứt ruột đẻ ra ngần này con, nuôi chúng lớn bằng sào, bằng gậy mà chúng lại bỏ tôi theo thằng bố khốn kiếp. Giời đất ơi là giời đất ơi. Tôi còn thiết sống làm gì nữa hở Giời?”. Mẹ điên cuồng gào khóc, rồi cao giọng thách thức: “Đi hết theo con đĩ của bố chúng mày đi, xem thử nó có nuôi nổi cả bè chúng mày không?”.

Vợ chồng NSƯT. Văn Hanh - Minh Hương (bố mẹ tác giả), vợ chồng tác giả và
con gái. Ảnh: TLGĐ

Người mà mẹ gọi là “con đĩ” ấy, lại chính là người thật đẹp, thật hiền hậu, và cư xử với tôi (đứa con gái bướng bỉnh, bị mẹ gọi là “con ổi ương”) lại rất đỗi nhẹ nhàng, gượng nhẹ. Một lần bố đèo xe đạp chở tôi đến nhà cô “người đẹp của bố” ở phố Hàng Cót chơi cả ngày chủ nhật. Cô ấy âu yếm dắt tay con bé 8 tuổi là tôi, dẫn đi chơi chợ Đồng Xuân, cho ăn đủ thứ quà bánh, mua cho guốc sơn hoa, áo mới, mũ mới, khăn mùi xoa… không mắng mỏ một câu, nói năng yêu chiều nhỏ nhẹ. Khi bố đến đón về, cô chỉ thầm thì: “Cháu về đừng nói gì với mẹ, mẹ đánh đòn đau”. Tôi cảm động lắm, khi cô biết tôi hay bị mẹ đánh và rất thích khi cô thì thầm dặn dò thương mến, khác hẳn mẹ dữ tợn ở nhà.

Rồi mẹ tôi biết rõ cuộc tình này của bố và quyết đánh ghen. Tôi nhớ như in việc mẹ đã lôi kéo tôi vào cuộc này. Tôi đã không đừng được, phải viết tiếp trong truyện ngắn vừa kể trên, những dòng đắng chát về nhân vật “Nó”: “Mẹ nó chở nó, từ Cống Vọng nhà nó lên phố đi học. Người tình của bố nó đi làm, đạp xe cùng trên đường, nhưng ngược chiều. Từ xa, mới chỉ thoang thoáng bóng người, mẹ nó đã thở dốc, đạp xe dấn lên, quay mặt lại bô bô vào tai nó: “Khi nào con đ. đi ngang, tao chửi trước: Con đ. cướp chồng bà, thế nào cũng có ngày bà xé tan xác! Rồi mày chửi theo: Con đ. cướp bố tao. Có ngày tao giết chết mày!”. Nó lí nhí dạ vâng. Thế mà mẹ nó chửi thật, tướng lên ở ngoài đường. Người xe qua lại nghìn nghịt.

Quài mạnh cánh tay ra đằng sau, chỗ poócpaga nó ngồi, mẹ giật mạnh áo nó, cộc lốc: “Chửi đi con! Chửi rầm lên cho tao!”. Nó ắng lặng, tịt lít trong cổ họng vì xấu hổ. Co rúm người lại, nó cố thu nhỏ mình sau lưng mẹ, đầu cúi gằm, mắt đã ngân ngấn nước… Trong óc nó còn nguyên tươi chiều chủ nhật hôm qua, nắng thu heo vàng, gió thu hây hẩy mát, nó tung tăng tay trong tay con đ. dẫn đi chơi chợ, sung sướng thích gì được nấy. Nó mang cốm Vòng bọc trong lá sen tươi con đ. mua cho, làm quà cho mấy đứa em đói khát. Cả mẹ nó cũng hoan hỉ lấy một quả chuối chín trứng cuốc vàng ươm, chấm cốm ăn ngon lành…

Nó bặm môi, lặng lẽ rơi mấy giọt nước mắt nóng bỏng, quyết không mở miệng chửi… Tối hôm ấy, nó bị mẹ quất một trận đòn nhừ tử. Vì cái tội bảo chửi mà mồm câm như miệng hến. Con “ổi ương khốn kiếp”. Hóa ra chính tôi nuôi ong tay áo mà chả biết! Bố nó liếc xéo, thây kệ mẹ đánh nó. Ông ngồi lừ lừ xỉa răng tanh tách bên chén trà Thái bốc khói sau cơm chiều. Chẳng nói cũng chẳng rằng.

Rồi cũng tới lúc hạ hồi. Mẹ tôi xới tung mọi việc tanh bành. Cơ quan biết chuyện, mẹ tôi đến tố bố tôi và ông bị kỷ luật. Bố mẹ tôi liên miên chiến tranh, cả nóng lẫn lạnh. Bố tôi sinh bẳn gắt, cáu kỉnh thình lình. Những trận mưa roi trút xuống đầu tôi và cả bốn đứa em…

Những cảnh kinh hoàng ấy xảy ra suốt trong những ngày thơ bé của tôi, từ khi học lớp 1 đến tận gần hết cấp hai ở Hà Nội và chỉ chấm dứt khi gia đình tôi chia hai, buộc phải sơ tán khỏi Hà Nội, tránh máy bay Mỹ ném bom thủ đô.

Mẹ tôi và em trai út sơ tán theo Nhà máy Thiết bị Bưu điện ở Hưng Yên. Bố cùng 4 chị em tôi sơ tán theo Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam lên Bắc Thái, ở làng Nga My, ngay bên bờ sông Cầu. Chúng tôi, là một nhóm bốn đứa con nhạc sĩ, ca sĩ của Đài, sàn sàn tuổi nhau, ngày nào cũng lội qua sông Cầu đến học ở trường phổ thông cấp ba Phú Bình tỉnh Bắc Thái. Bố tôi như tỉnh lại, đã muốn và đã phải dứt những cuộc phiêu lưu ngoài luồng, yên bề nuôi con nơi sơ tán và lo lắng cho con út và mẹ tôi đang sơ tán ở Hưng Yên.

Quả thật, khi đã học lên cấp 3, phải xa mẹ trong một thời Hà Nội đạn bom, tôi thấy mình đã đủ lớn để thấu hiểu những cảnh ngộ đau lòng của mẹ và mừng vì mẹ đã yên tâm sống ở nơi sơ tán, trong những ngày kháng chiến chống Mỹ.

Đến những ngày Hà Nội thời bình, sau 1972, cả nhà tôi lại từ các nơi sơ tán về Hà Nội đoàn tụ. Bố tôi tuy không còn làm đau lòng mẹ bằng “tình ngoài luồng” nữa, nhưng những mảnh văng từ tính cách đa tình, đào hoa, rất thích được người hâm mộ vây quanh của ông, vẫn luôn làm bà chấn thương. Nhưng bà vẫn nín nhịn và chịu đựng, chỉ vì con cái đã lớn, phải dựng vợ gả chồng. Và tôi, lại tiếp tục làm khổ mẹ bằng cuộc hôn nhân đầy “trục trặc kỹ thuật” của mình. Không giống mẹ, tôi nhất định ly hôn, và biết mẹ chắc chắn đã đau khổ hơn tôi về vụ việc này của con gái trưởng…

Suy cho cùng, mẹ tôi đã trải qua một cuộc hôn nhân sóng gió, với rất nhiều khổ nạn và ít ỏi hạnh phúc. Song, bà kiên gan chịu đựng, kiên cường chèo lái con thuyền gia đình vượt qua trùng trùng sóng dữ. Với đứa con gái “ổi ương” là tôi, bà đã trải nhiều đau khổ, bởi những lỗi lầm của tôi, nhưng mặc lòng, những thành đạt của tôi vẫn khiến bà ngấm ngầm tự hào và hạnh phúc. Bà đã coi tôi là đứa con sáng giá nhất của bà, đứa con đầu đời làm mẹ của bà, do bà sinh ra giữa những đồi sim tím, chè xanh, nương sắn tốt tươi của miền trung du tỉnh Thái.

Tôi không bao giờ muốn lựa chọn số phận nào khác ngoài số phận con gái Cả của người mẹ Đình Bảng, Kinh Bắc của tôi. Và tôi đang khóc mẹ trong tuổi già.

Tôi muốn trở về đoạn cuối ca khúc “Mẹ tôi” của Trần Tiến: Mẹ ơi, con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ, khóc như trẻ thơ. Mẹ ơi. Ngàn năm mây trắng bay về… Trèo lên dãy núi Thiên Thai, mẹ ngồi trên đám mây vàng… Mẹ ơi, mẹ về đâu…

Nước mắt đã đọng thành ngọc, giấu kín dưới đáy lòng tôi, con gái mẹ. Mẹ ơi…

Nguyễn Thị Minh Thái

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/me-oi-con-da-gia-roi-con-ngoi-nho-me-28379.html