Mẹ tôi

Nghỉ hè, tôi dẫn con về nhà thăm mẹ. Từ ngoài cổng, tôi đã thấy hình dáng mẹ lụi cụi bên giếng khơi múc nước, chuẩn bị những trái bồ kết nướng vàng để gội đầu cho con cháu ở xa về.

Mẹ vẫn giữ thói quen gội đầu bằng trái bồ kết, bao nhiêu năm nay chưa ngày nào thiếu. Nhìn cách mẹ tỉ mẩn, cẩn thận, tôi nói đùa rằng cất công làm chi cho cực nhọc. Mẹ cười hiền trong ánh nắng chiều vàng, đầy trìu mến và thân thương như thuở nào.

Mẹ tôi góa chồng từ rất sớm. Tôi được 2 tuổi thì ba bị tai nạn mất trong một lần đi lao động. Nhiều năm sau đó, mặc dù cũng có nhiều người đàn ông qua lại muốn cưới làm vợ nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ ở một mình nuôi tôi khôn lớn thành người.

Ba tôi mất, mẹ vừa là cha vừa là mẹ của tôi. Thuở nhỏ, tôi vô tư chẳng hiểu được sự vất vả của mẹ. Tôi cứ hồn nhiên lớn lên như cây cỏ vườn nhà mà đâu biết rằng hằng đêm, sau bóng đèn đã tắt, không biết bao nhiêu lần nước mắt mẹ tuôn rơi.

Vất vả nên trông mẹ gầy và già hơn so với tuổi, lại thêm nhiều bệnh đeo đẳng. Tôi nhớ những ngày chỉ có hai mẹ con, bữa cơm gia đình đạm bạc gồm ít cá mọn và rau củ vườn nhà. Mẹ thường nhường cho tôi món ngon nhất. Đi ăn cỗ hay đi đâu xa, mẹ cũng mang phần về cho tôi, khi thì quả trứng, lúc gói xôi. Mặc kệ người ta dị nghị, nói ra nói vào, mẹ chỉ biết rằng tôi có đồ ăn ngon là được.

Ký ức của tôi luôn gắn về những hôm ngồi ở thềm nhà chờ mẹ đi làm về tận trưa, tận tối. Mẹ làm ruộng cho nhà, còn làm thuê cho người khác để có tiền nuôi tôi. Chân mẹ lúc nào cũng dính đầy bùn đất, mặt mẹ lấm lem chẳng bao giờ thấy sạch. Đi đường thấy chai nhựa hay đồ đồng nát người ta vứt, mẹ đều lượm về bán...

Bọn bạn trong lớp chọc ghẹo rằng tôi có người mẹ lúc nào cũng đầy mùi khó chịu. Nghe bạn bè chọc, tôi thấy xấu hổ vô cùng, về nhà cứ ấm ức với mẹ. Mẹ hiểu chuyện nhưng cũng chẳng trách mắng tôi lấy một câu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhớ những ngày mưa bão, căn nhà thiếu vắng bóng người đàn ông, hụt trước thiếu sau. Mưa ầm ầm đổ xuống, làm ướt hết đồ đạc và chỗ nằm của hai mẹ con. Có những lần mẹ ôm chặt tôi vào lòng, nước mắt chảy dài, an ủi rồi ngày mai trời sẽ sáng.

Đúng là ngày mai trời sáng và tạnh thật nhưng nhìn cảnh tan hoang do mưa bão để lại, thật xót xa biết nhường nào. Mẹ lại cặm cụi dọn dẹp bùn lầy trong sân, cây cối đổ rạp ngoài vườn. Đó là những mùa mưa bão kinh hoàng mà tôi và mẹ đã trải qua trong căn nhà nhỏ.

Khi học hết lớp 12, tôi có ý định nghỉ để đỡ đần cho mẹ thì bị gạt phắt. Bởi lẽ, mẹ biết chỉ có việc học mới thoát được cảnh nghèo đói. Tôi vào đại học là niềm vui nhưng cũng thêm gánh nặng đè lên vai mẹ. Mẹ luôn sống vì tôi, càng lúc càng gầy gò và chưa một ngày được thảnh thơi.

Cho đến khi tôi đi làm có chút tiền gửi về, mẹ cũng dành dụm, bảo để đó phòng lúc ốm đau. Mẹ cứ lầm lũi đi qua những con đường mấp mô, gánh trên mình tình yêu thương, những nỗi lo, trách nhiệm.

Khi tôi lập gia đình, tuổi mẹ ngày càng lớn, sức khỏe ngày càng yếu. Tôi muốn đón mẹ lên phố ở cùng nhưng mẹ nhất quyết không chịu. Mẹ sợ con dâu ngại cảnh "mẹ chồng nàng dâu". Hơn nữa, con cái đang còn ở trọ, kinh tế cũng chưa được khá giả.

Mỗi lần nghĩ đến mẹ vò võ một mình ở nhà, nước mắt tôi lại chảy vào trong. Mẹ tôi cả đời hy sinh, cả đời nặng gánh nỗi niềm. Đến khi tuổi già, mẹ vẫn một mình.

Cuộc sống khiến tôi không có nhiều lựa chọn. Mỗi lần tôi về thăm, đón tôi là niềm vui dâng đầy trong đáy mắt mẹ. Khi tôi đi, mẹ nhìn dõi theo cho tới khi bóng con trai khuất dạng cuối con đường đồng làng quạnh hiu.

Tôi có được như hôm nay là nhờ mẹ. Tôi tự hào vì có người mẹ tuyệt vời nhất thế gian. Với mẹ, tôi vẫn là đứa con bé bỏng, cần được mẹ bảo bọc và bao dung. Khi về với mẹ, lòng tôi mãi neo lại lời thơ day dứt của thi sĩ Nguyễn Duy: "Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru".

Nguyễn Văn Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/me-toi-20230513191704721.htm