'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' - thơ Việt rồi sao?
Mấy ngày qua, dư luận tranh cãi về 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' của tác giả Tòng Văn Hân, đoạt giải B cuộc thi thơ (chùm thơ gồm 3 bài). Đọc bài viết về đề tài này, cũng là người yêu thơ, tôi có mấy suy nghĩ.
Trang Wikipedia tiếng Việt định nghĩa thơ: “Thơ là hình thức nghệ thuật dùng từ trong ngôn ngữ làm chất liệu, và sự chọn lựa từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới hình thức logic nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe …”.
Ban giám khảo cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ, gồm những nhà thơ tiếng tăm, theo tiêu chí cuộc thi, họ - đọc, cảm xúc Mẹ tôi chửi kẻ trộm, câu chuyện sau lũy tre làng – như muốn gửi gắm đến mọi người lối sống nhân nghĩa, vị tha. Ở khía cạnh này, tôi tâm đắc với quyết định của ban giám khảo.
Xóm tôi ngày xưa có mụ Quạ (quê tôi gọi mụ không có ý miệt thị), hễ nhà mụ bị mất trộm gà, y như rằng cả xóm ăn chửi! Mụ đi từ đầu đến cuối xóm rủa xả hết thảy, từ chập tối đến khuya. Có hôm, chuẩn bị đi ngủ, tôi vẫn nghe tiếng chửi của mụ, cứ như mình là kẻ trộm gà ấy chứ.
Mấy năm gần đây, trộm chó táo tợn, chó nhà chỉ sơ hở là bị mất. Người dân ai cũng bức xúc. Đã có trường hợp, cẩu tặc bị đốt xe, nhiều người xúm lại đánh nhừ tử, có người tử vong! Xót xa mạng người…
Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm, ghi chép của tác giả sinh hoạt tại làng quê của dân tộc Thái, đáng để mọi người suy ngẫm mà thay đổi. Bởi, độc ác, cay nghiệt với nhau, xã hội sao bình yên?...
Bác Hồ từng viết: “Nay ở trong thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong”, xây dựng xóm làng an vui, mọi người sống khoan dung, trách nhiệm không của riêng ai, nhà thơ xung phong là học và làm theo lời Bác.
Thế hệ chúng tôi quen với những bài thơ - lời thơ sâu sắc, vần thơ lúc như hành khúc, lúc là lời hiệu triệu, cũng có lúc sâu lắng tình thơ: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt Trời chân lý chói qua tim”. Hay như Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm: “Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi ta hò hẹn". Gần gũi, da diết!
Nguyên Sa với bài thơ Tháng Sáu trời mưa: “Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không ngớt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa/ Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về/ Và đêm ơi xin cứ dài vô tận”. Tiếng yêu qua thơ thật réo rắt, thời chúng tôi ai đang yêu đều gối đầu nằm bài thơ trên.
Tôi đọc bài thơ Kỳ diệu những cánh bướm của Nguyễn Quang Thiều, thấy mình sao hẹp hòi: “Chúng ta đổ ra quảng trường, chen lấn và xô đẩy/ Một số ai đó gào thét và nhiều lúc đập phá/ Và chúng ta quên đi, đâu đấy, trong những lùm cây bé bỏng đang rộn rã mùa sinh nở côn trùng…”.
Dẫn ra mấy khổ thơ trên, xin tản mạn cùng bạn đọc, tuyệt nhiên không có ý so sánh với bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm. Đọc xong, ngẫm nghĩ, bài thơ nào đọng lại trong ta để lúc buồn – vui lại … thẩn thơ mấy câu thơ?
Gần đây, có ca khúc trình làng, nhanh chóng đạt lượt xem lên tới hàng chục triệu, nhưng sau đó lại mau bị lãng quên.
Công chúng yêu nghệ thuật nói chung, thật đa dạng, vì thế để đạt được đồng ý, đồng tình trong cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ giữa ban giám khảo và công chúng sẽ rất khó. Tuy nhiên, không vì thế mà trách nhiệm không được đặt ra đối với ban giám khảo. Chớ trách công chúng: “Buồn cho tầm đón thơ của nhiều người đọc thơ hiện nay”.
Tôi lại nghĩ, trong cuộc thi thơ, ngoài giải toàn diện (A, B, …), nên có thêm giải khen từng mặt để tùy cơ ứng biến. Ban giám khảo cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ có tính đến không?
Nhà thơ trẻ Amanda Gorman đọc bài thơ The hill we climb do cô tự viết tại lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Joe Biden. Sau khi tham gia sự kiện đó, tuyển tập thơ của Amanda Gorman được tìm mua nên bán rất chạy. Sự tưởng thưởng cả về tinh thần và vật chất.
“Chúng ta tin vào chân lý ấy, vào phận số ấy/ Như xưa kia chúng ta vẫn nhìn tới tương lai/ Lịch sử đang trông chờ ở chúng ta…” (Trích The hill we climb)
Từ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, thơ Việt rồi sao?