Mẹ tôi là nhà giáo
Tôi vẫn canh cánh lòng mình mỗi dịp 20/11, khi ngoài phố những bó hoa tươi thắm có dòng chữ chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Khóe mắt tôi cay cay vì quá khứ, vì những ngày xa xôi nơi miền quê nắng gió. Ở đó bố mẹ tôi từng là nhà giáo.
Ngày xa xôi ấy lương giáo viên của bố mẹ tôi không đủ mua gạo cho cả nhà năm người ăn, bù lại, giáo viên chỉ lên lớp một buổi mỗi ngày. Bố mẹ tôi làm đủ các công việc để tăng thu nhập, trồng rau, nuôi gà, Ăn không hết thì mang ra chợ bán. Tôi nhớ dáng mẹ chao nghiêng trên con đường quê trơn trợt, bên hông là cái mủng với những tấm bánh mà chúng tôi mong đợi. Dù đói dù no, dù khó khăn đến mấy, mỗi lần đi chợ mẹ đều mua cho chúng tôi đồng quà tấm bánh. Có khi là mấy viên kẹo nấu bằng mật mía, khi là cái bánh gói làm bằng bột gạo.
Ngày xa xưa ấy, nghề giáo được trân quý, người thầy đi đến đâu cũng được mọi người nể trọng. Không cần biết ông già, bà lão hay các em học sinh, hễ gặp thầy cô thì đều cúi đầu chào rất tôn nghiêm. Phụ huynh học sinh xem thầy cô như người cha, người mẹ của con em mình.
Dịp 20/11 là đầu Đông, con đường làng quê tôi bắt đầu trở nên trơn trợt vì bùn non, mưa rả rích suốt đêm ngày không ngưng nghỉ. Bầu trời tối, những đám mây đen nối đuôi nhau. Không gian trở nên buồn tẻ và lạnh, thế nhưng 20/11, nhà tôi lại nhộn nhịp tiếng các anh chị học sinh của bố mẹ tôi. Cả lớp tặng mẹ tôi một món quà, thường là chiếc nón lá trắng tinh có thêm quai đeo bằng lụa, có khi quai đeo bằng nhung đỏ, tím. Ngày đó, món quà này là xa xỉ, cả lớp góp tiền lại mới mua đủ, nếu nhóm năm bảy anh chị thì quà là chiếc khăn mùi xoa. Học sinh đến nhà thầy cô chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tặng quà xong thì ra vườn nhổ cỏ, trồng rau phụ bố mẹ tôi. Cứ thế tình thầy trò như một gia đình lớn, tiếng nói cười râm ran cả một góc trời.
Những anh chị trưởng thành đến thăm cô giáo cũ, có anh mang một rổ khoai lang hay con cá rô ngoài ruộng. Những anh chị đi làm ăn xa về thì tặng bánh xà phòng 72, có anh mang tặng bố tôi gói thuốc lào. Bố mẹ tôi dạy học đã lâu, có những gia đình hai, ba thế hệ đều là học sinh nên đến ngày lễ có khi cả gia đình họ đến thăm thầy cô giáo cũ, để hàn huyên về năm tháng đã qua. Tình thầy cô như không có khoảng cách, không cân đo đong đếm bằng tiền.
Khi ngành giáo dục cải cách tiền lương, cuộc sống nhà giáo được thay đổi rõ rệt. Tiếc rằng đó là lúc bố mẹ tôi lâm vào trọng bệnh, cả bố và mẹ lần lượt từ bỏ chúng tôi mà đi. Ngày mẹ đi tất thảy những học sinh ở gần đều đến đưa tiễn.
Tôi cứ thế mà lớn lên khi không còn bố mẹ, mỗi dịp lễ tri ân nhà giáo, trong tôi lại nhói lên một niềm thương bố mẹ - người thầy mà tôi luôn nặng nợ. Tôi nợ mẹ lời cảm ơn, tôi nợ bố câu chia sẻ.
Gần ba mươi năm trôi qua từ ngày bố mẹ tôi về với đất mẹ, tôi vẫn canh cánh lòng mình mỗi dịp lễ tri ân. Cầu mong an yên đến với mẹ, với những những người thầy xa xưa đã cống hiến cho nền giáo dục nước nhà.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/me-toi-la-nha-giao.html