Mẹ trầm cảm sát hại con, chó ngao cắn chết bé 8 tháng: Chỉ biết lo sợ!
Mẹ trầm cảm sát hại con và cháu, con trai tâm thần giết bố và vợ con...chúng ta đang quản lý người tâm thần ra sao mà hậu quả quá kinh hoàng như vậy?
Giữa cuộc sống bộn bề lo lắng, những bất cẩn của chúng ta đã đe dọa và thậm chí đã cướp đi cuộc sống của những người thân yêu.
Liên tiếp những ngày qua xảy ra án mạng do người bị bệnh tâm thần gây ra. Những cái chết họ gây ra hàng loạt với chính người thân của mình khiến ai cũng thấy lo sợ.
Chăm sóc bệnh nhân tâm thần (Ảnh minh họa: KT)
Ai dám nghĩ, một người mẹ dám giết con mình; một người con dám giết bố đẻ và vợ con mình... nhưng điều đó đã xảy ra, bởi họ là những người có vấn đề về thần kinh, thế nhưng, việc quản lý, ứng xử của chúng ta với họ lại quá hời hợt, chủ quan.
Đau lòng hơn nữa, em bé chưa đầy 1 tuổi đã phải chịu cái chết đau đớn khi bị chó ngao - “thú cưng" của cha mẹ cắn chết.
Những chuyện vừa xảy ra không phải bây giờ mới có mà đã có quá nhiều bài học rồi, vậy sao chẳng có ai rút ra được bài học để rồi vẫn phải chứng kiến những chuyện thương tâm mà không biết ngày mai ai sẽ là nạn nhân tiếp theo?
Anh họ của tôi bị trầm cảm, đã điều trị trong bệnh viện tâm thần nhiều đợt nhưng vẫn chưa thể hòa nhập được sống bình thường, phải bỏ nghề nghiệp, sống “giam lỏng" trong 4 bức tường. Anh luôn nghĩ vợ sẽ giết mình bất cứ lúc nào và anh có sứ mệnh phải bảo vệ các con...
Nhưng tất cả hàng xóm, thậm chí họ hàng thân thiết cũng nhiều người không biết thực sự tình trạng của anh như thế nào, chỉ đến khi mẹ anh, vợ anh không thể chịu đựng được nữa mới chia sẻ với một vài người. Dù là con trai duy nhất, là chỗ dựa tinh thần cho cha mẹ già và vợ con, nhưng giờ đây anh ở hẳn nhà, thỉnh thoảng có những cơn bức bối lại đập phá đồ đạc, chửi bới bố mẹ, vợ con...Cuộc sống gia đình vô cùng nặng nề mà không lối thoát.
Chúng ta đã có những văn bản pháp luật về quản lý người bị bệnh tâm thần, về việc nuôi thả chó mèo... nhưng thực tế chúng ta vẫn xem thường các qui định này. Nhiều gia đình vẫn nuôi các loại chó dữ thả rông ngoài đường mà không có rọ mõm. Còn với bệnh nhân tâm thần, người nhà và bệnh nhân lại không hợp tác, che giấu tình trạng bệnh... nên khiến tình trạng người tâm thần gây án gia tăng. Cùng với đó, chúng ta còn thiếu các trung tâm quản lý người tâm thần, cán bộ y bác sĩ chuyên ngành để khám chữa bênh, tư vấn tâm lý...cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Xã hội phát triển, áp lực cuộc sống gia tăng, đồng nghĩa với việc các bệnh liên quan đến tư tưởng, tinh thần cũng sẽ gia tăng. Nếu chúng ta còn quá dễ dãi để thỏa mãn những sở thích cá nhân mà quên đi an toàn của người khác; vì tình cảm chen lấn lý trí mà quên đi rằng người thân của mình đang là bệnh nhân... để rồi “bẵng đi" mà quên mất trách nhiệm phải quan tâm, lo lắng, cộng thêm với phòng ngừa... thì không ai dám nói trước những gì đang rình rập cuộc sống của người thân và những người xung quanh./.
Phương An Nhi/VOV.VN