Mẹ 'truyền lửa' nấu ăn cho con
Vì muốn con sớm tự lập, chị Hoàng Bích Thủy đã dạy 2 bé cách nấu ăn, ngay khi chúng còn rất nhỏ.
Là một giáo viên mầm non chị Hoàng Bích Thủy (34 tuổi, ở Hà Nội) luôn muốn dạy con những kỹ năng sống cần thiết để các bé sớm tự lập, trưởng thành. Bà mẹ 2 con này đã có rất nhiều bài viết chia sẻ về phương pháp dạy con của mình lên mạng xã hội và nhận về nhiều lượt quan tâm của dân mạng. Đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống cấp bách, kỹ năng tự học, kỷ luật...
Mới đây, chị Bích Thủy có đăng tải bài viết chia sẻ về cách "truyền lửa" nấu ăn cho 2 con gái. Theo chị, nấu ăn không đơn thuần là công việc nhà mà còn là kỹ năng sống cần thiết cho người tự lập. Những ai yêu thích nấu ăn sẽ gắn bó tình cảm với gia đình nhiều hơn. Học nấu ăn sẽ hình thành trong con thói quen ăn uống lành mạnh, đúng bữa, đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, nếu là món ăn con tự làm hoặc góp phần làm ra, khi ăn con sẽ thấy vui và thưởng thức ngon miệng hơn rất nhiều!
"Trong thời buổi ngày nay, vấn đề vệ sinh thực phẩm luôn là điều nhức nhối trong dư luận. Việc ăn uống hàng quán sẽ không thể nào đảm bảo sức khỏe bằng việc tự tay mình nấu ra những món ăn yêu thích. Khi con tự lập, biết nấu ăn, con sẽ chăm sóc thật tốt cho bản thân. Thời gian bố mẹ và các con vào bếp, cũng chính là thời gian dành cho nhau. Điều đó giúp cho các thành viên trong gia đình gắn kết hơn, yêu thương và hiểu nhau hơn" - chị Bích Thủy chia sẻ.
Theo bà mẹ 2 con, độ tuổi nào cũng có thể truyền lửa đam mê nấu ăn được. Tùy vào độ tuổi và khả năng của con, bố mẹ có cách hướng dẫn phù hợp. Bố mẹ hoàn toàn có thể nuôi dưỡng tình yêu bếp của con ngay từ khi... con đi đứng vững. Vì lúc này, con đã bắt đầu chơi đồ hàng. 2-3 tuổi con có thể học thao tác nấu nướng thông qua việc chơi đồ hàng rồi! Con có thể hoàn thiện các món, thậm chí là cả mâm cơm đồ hàng.
Chị Thủy bật mí bí quyết dạy con nấu ăn: "Các bạn nhà mình biết đi chập chững, là mình đã trò chuyện, cho con cầm nắm, nhận biết về các loại rau củ quả, đồ dùng trong bếp... Lớn hơn, con tự lấy bát, rửa thìa ăn của mình... Làm quen từng chút một sẽ khiến các con thích thú với công việc bếp núc. Khi con đã quen với gian bếp rồi thì sẽ học nấu các món đơn giản, hoặc đi chợ… Tích lũy dần dần kiến thức và kỹ năng nấu ăn, con hoàn toàn có thể tự mình nấu 1 mâm cơm hoàn chỉnh, đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả nhà.
Khi học nấu ăn, đầu tiên phải bắt đầu từ kiến thức về thực phẩm. Những thực phẩm gần gũi nhất, hay ăn nhất trong gia đình như là gạo, rau muống, thịt lợn, củ cà rốt… Mình dạy con cách chọn lựa rau tươi, nhận biết thịt tươi, và 1 số cửa hàng "ruột" hay mua, để tiết kiệm thời gian đi chợ mà lại luôn có thực phẩm ngon! Tiếp theo, mình sẽ dạy con cách sơ chế sao cho đúng và sạch với từng loại thực phẩm. Cuối cùng, là hướng dẫn con cách chế biến.
Món đầu tiên mình hướng dẫn sẽ là món con thích ăn nhất. Khi hướng dẫn con, mình cố gắng theo đúng 1 quy trình nhất định: Kiến thức về thực phẩm - cách sơ chế - cách chế biến. Ngoài ra, mình hướng dẫn con cách trình bày, xếp đồ ăn vào đĩa sao cho gọn gàng, sạch sẽ.
Lớn hơn, hay thậm chí kể cả bây giờ, mình cũng không đặt mục tiêu con phải làm được gì khi vào bếp. Mình chỉ cần con hứng thú với bếp, với những món ăn mẹ làm, với những món ăn con tự làm... Từ sự hứng thú đó, con sẽ có động lực để tự tìm tòi khám phá, tự mình học hỏi và nấu những món con thích. Con sẽ tự đúc rút kinh nghiệm nấu nướng cho riêng mình! Khi con chán không muốn làm, mình không ép. Mình để con nghỉ ngơi, tới khi nào con thích thì lại vào bếp.
Mình hay rủ rê con cùng đi chợ, phụ giúp mẹ làm món mới, hay đơn giản, chỉ cần ăn thử hộ xem món này mẹ làm có ngon không, là được rồi. Hoặc rủ con đi ăn hàng, cùng nói chuyện về món ăn ngoài hàng "không hiểu họ làm như thế nào mà ngon vậy?". Mình kích thích trí tò mò của con, khơi gợi con tìm hiểu cách làm và động viên con về cùng nấu thử".
Dạy con nấu ăn, chị Thủy thường đi theo quy trình: Kiến thức về thực phẩm - cách sơ chế - cách chế biến.
Theo mẹ đảm, dù con muốn làm gì, thì cẩn thận và sạch sẽ được ưu tiên hàng đầu. Xoong nào luộc rau, xoong nào nấu canh, chảo nào chiên rán, chảo nào xào đồ mặn, dao thớt nào thái thịt sống, dao thớt nào thái thịt chín, dao thớt nào gọt rau củ quả... chị đều dạy con và yêu cầu con làm đúng. Như thế con sẽ hình thành thói quen cẩn thận, sạch sẽ, gọn gàng ngay từ đầu! Vừa nấu vừa lau luôn (nếu có thể); nấu xong bữa nào lau bếp sạch bong bữa đó… Chị Thủy nghĩ rằng, những kiến thức và kỹ năng dạy nấu ăn dù nhỏ nhưng có võ đó, làm các con vui sướng như vừa khám phá ra điều gì đó rất tuyệt.
"Các mẹ đừng quên sắm cho con một chiếc tạp dề nhỏ xinh, hay một đôi găng tay làm bếp để con cảm thấy mình cũng trở thành một người quan trọng trong bếp như mẹ nhé!" - bà mẹ 2 con nhấn mạnh.
Các bé từ nhỏ đã được mẹ đưa đi chợ hoặc mua đồ hàng cho.
Theo chị Thủy, làm bếp không thể tránh khỏi các nguy hiểm như là dao kéo, máy xay, bếp điện, bếp ga... Các mẹ hãy cảnh báo, và dạy con cách sử dụng đúng các dụng cụ đó. Phải luôn theo dõi con thường xuyên, để chắc chắn là con đã biết cách sử dụng đúng. Thời gian đầu, chị Thủy luôn nấu cùng con, quan sát con sử dụng đồ, để kịp thời nhắc nhở và cũng hình thành thói quen cẩn thận cho con. Khi con quen rồi, chị để con tự làm, nhưng vẫn không quên dặn dò con trước đó. Ngoài ra trong nhà chị luôn chuẩn bị đồ sơ cứu như băng dán, thuốc bôi bỏng... để khi cần là có ngay.
"Bạn lớn nhà mình biết nấu khá nhiều món, không kể nổi nữa. Bạn ấy lên thực đơn hàng ngày, tự đi chợ, tự sơ chế, tự nấu được 1 bữa cơm hoàn chỉnh, trình bày chỉnh chu gọn gàng rồi.
Mình không đặt kỳ vọng hay áp lực cho con, chỉ cần con vui vẻ hào hứng khi vào bếp là mình hài lòng lắm rồi. Những món ngon, thì chắc chắn là khen rồi. Món nào cháy hay mặn quá... bạn ấy tự nhận trước, và bảo lần sau sẽ nấu cẩn thận hơn, ngon hơn. (Chưa kịp để bố mẹ nhận xét nữa!) Con nói vậy vợ chồng mình cũng gật đầu và động viên con thôi" - Chị Linh hạnh phúc chia sẻ.
Các món ăn mà 2 bé nhà chị Thủy chế biến. Dù vẫn còn đơn giản nhưng chị cảm thấy rất ngon và hạnh phúc.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/me-ha-noi-truyen-lua-nau-an-cho-con-2220226711342800.htm