Mẹ tử vong, con bỏng nặng do đốt nương rẫy
Khi đang đốt nương rẫy, gió quá lớn, lửa tạt vào hai mẹ con nên không kịp chạy thoát. Sau khi được người dân cứu thoát đưa vào bệnh viện, tuy nhiên do tình trạng quá nặng người mẹ đã không qua khỏi, còn Q. sau khi sơ cứu các bác sĩ đã ngay lập tức chuyển em lên Bệnh viện Bỏng Quốc gia.
Tang thương vì đốt nương rẫy
Vừa qua, Bệnh viện Bỏng Quốc gia vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 17 tuổi (Nậm Nhùn, Lai Châu) bị bỏng nặng do đốt nương làm rẫy. Bệnh nhân là Sìn Văn Q. nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch thở nội khí quản, bỏng toàn bộ vùng mặt, cổ, ngực, bụng, lưng, hai tay, hai chân.
Mắt ngấn lệ, chị gái của bệnh nhân cho biết, là người dân tộc thiểu số nên cuộc sống mưu sinh chủ yếu nhờ vào nương rẫy. Em Q. nhỏ nhất nhà nên thường phụ giúp bố mẹ làm nương. Hôm đó, gia đình đang đốt nương không may ngọn lửa bùng lên quá lớn có nguy cơ lan ra rừng đầu nguồn. Trước tình thế cấp bách đó, Q. và mẹ lao ra dập lửa, tuy nhiên, gió quá lớn, lửa tạt vào, hai mẹ con không kịp chạy thoát. Sau khi được người dân cứu thoát đưa vào trung tâm y tế xã cấp cứu rồi chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh, tuy nhiên do tình trạng quá nặng mẹ em đã không qua khỏi, còn Q. sau khi sơ cứu các bác sĩ đã ngay lập tức chuyển lên Bệnh viện Bỏng Quốc gia.
BS CKI. Phạm Mai Phương - Phó Chủ nhiệm khoa Vật lý Trị liệu và Phục hổi chức năng (Bệnh viện Bỏng Quốc gia) cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toàn thân nề, môi trề, mắt híp, bụng chướng, tiểu qua ống thông, thở nội khí quản, mạch 135 lần/ phút, huyết áp 130/60 mmHg. Bệnh nhân được chẩn đoán bỏng lửa 50%, 31% độ sâu (độ III, IV ở vùng mặt, cổ, ngực, lưng). Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực, thở máy, thay băng, truyền dịch, truyền kháng sinh và được phẫu thuật cắt hoại tử ghép da nhiều lần. Lần 1 cắt hoại tử ghép da ở tay trái và hai chân, lần 2 ở lưng và 2 chân, lần 3 cắt hoại tử ghép da ở lưng, lần 4 ở lưng và 2 mông... Sau một thời gian điều trị, hiện tại toàn trạng ổn, các tổn thương đã khỏi cơ bản, vận động 2 tay, 2 chân còn hạn chế.
Bác sĩ Phương cho biết, với bệnh nhân bị bỏng cần chú ý sau phẫu thuật sẹo có thể phát triển ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khả năng tự phục vụ và vận động bị hạn chế và đặc biệt là tâm lý bị tổn thương nghiêm trọng do những tổn thương cơ thể gây ra do đó người nhà cần chú ý chăm sóc và luôn động viên để tinh thần bệnh nhân luôn lạc quan, ổn định để bệnh nhân có sự hồi phục tốt.
Các di chứng do bỏng gây ra
Qua sự việc của bệnh nhân Q., bác sĩ Phương cũng khuyến cáo, người dân không nên đốt nương rẫy nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Bởi không chỉ nguy cơ xảy ra cháy rừng gây hại cho môi trường đất, không khí và các tài nguyên rừng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho con người như bị bỏng lửa, sốc nhiệt... Việc hít thở trong không khí nóng, có khói có thể gây tổn thương đường hô hấp gây khó thở, tổn hại cho phổi dẫn đến suy hô hấp.
Khi bị bỏng nếu việc sơ cứu, chăm sóc, điều trị, vệ sinh không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bởi vi khuẩn có thể xâm nhập vào các vùng da bị bỏng. Nhiễm trùng máu có thể xảy ra trong những trường hợp nặng và tiến triển nhanh, đe dọa tính mạng có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng hoặc tử vong. Ngoài ra bỏng lửa còn để lại các di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ như các vết sẹo lồi, sẹo lõm và sẹo co kéo, bên cạnh đó là di chứng dính tổ chức, tình trạng loét thiểu dưỡng và thậm chí là ung thư hóa trên nền sẹo…
Trong trường hợp những vết sẹo ở các vị trí liên quan tới cơ quan vận động như khớp cánh tay, bàn tay, chân... thì người bị bỏng sẽ có thể đối mặt với sự giới hạn chức năng các khớp.
Hơn nữa, những vết bỏng sẽ có thể lan ra khá rộng và gây những ảnh hưởng đến nhiều vùng trên cơ thể. Chẳng hạn như các trường hợp bị bỏng ở bàn tay, tổn thương da mô xung quanh hoại tử, có thể phải tháo bỏ hoại tử cả các ngón tay khiến chúng dính vào nhau. Những trường hợp này cần được phẫu thuật phục hồi và những ca phẫu thuật này rất phức tạp.
Di chứng của bỏng không chỉ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe mà ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố thẩm mỹ của người bệnh và khiến họ gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý.
Sơ cứu khi bị bỏng
1. Loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có tác nhân. Cắt bỏ toàn bộ phần áo quần che phủ vết bỏng. Chú ý không cởi bỏ quần áo để tránh gây lột da vùng bỏng. Cũng không cởi áo qua đầu vì có thể làm nạn nhân bị bỏng ở mặt.
2- Ngâm ngay phần bị bỏng vào trong nước sạch, mát hoặc dưới vòi nước đang chảy (nhiệt độ nước khoảng 15 - 20 độ C là tốt nhất, thời gian khoảng 15 - 20 phút). Việc này có tác dụng giảm độ sâu bỏng, giảm đau, giảm phù nề.
3- Không bôi bất cứ thuốc hoặc hóa chất nào lên vết bỏng. Giữ vết bỏng sạch, sau đó băng nhẹ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn để giảm đau tại chỗ.
4- Người bị bỏng cần được uống nước nhiều, nước đường có pha chút muối ăn hoặc dung dịch Oresol để phòng sốc bỏng.
5- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất (khi nạn nhân còn tỉnh táo). Tránh chuyển nạn nhân đi khi còn đang sốc.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/me-tu-vong-con-bong-nang-do-dot-nuong-ray-n191409.html