Mẹ và những cơn mưa đầu mùa
Sau những ngày nắng nồng oi bức, những cơn mưa râm ran báo hiệu trời đã chuyển từ nắng sang mưa. Miền Trung - hai mùa mưa nắng - đây được xem là giai đoạn trung chuyển của mùa, đoạn này tiết trời đẹp nhất. Buổi sáng, cơn mưa phớt từng cơn đêm qua đủ làm ướt mỡ màng chiếc lá sau những ngày vàng xèo vì hứng nắng. Đêm mưa, ngày nắng. Mưa nắng đều như nhau, không dài, không đậm. Tôi cứ ước giá mà đất trời chỉ có những ngày tuyệt vời như thế, khí trời mát mẻ, diện mạo con người cũng trở nên cởi mở, thư thái hơn.
Nhưng với mẹ, những cơn mưa đầu mùa kèm theo những nỗi lo.
Mưa đầu mùa về khi lúa cũng vừa cắt. Khổ. Sản nghiệp của người nông dân là mùa gặt nhưng khi rơm, lúa chưa xong trời đã trở giông. Những ngày này là những ngày mẹ chạy đua với thời gian. Tiết trời tháng mười nắng chừng hơn nửa ngày sau đó âm u, mưa. Sáng sớm thấy trời hửng nắng, mẹ xúc từng thúng lúa ra sân. Vừa cày, trở, vừa ngó chừng trời. Có hôm không có chòm mây đen báo trước mà trời đột ngột trút nước xuống. Không lo ướt lúa nữa, mẹ sợ nước mưa trôi lúa đi, vừa quét, vừa chặn, vừa hốt - mẹ làm như thể có hai người đàn bà lực điền đang tồn tại trong mẹ. Ngày nào cũng vậy, đua với nắng, với mưa. Tới chừng rơm lên nọc vun vê, lúa khô khan nằm trong bồ, mẹ nheo nheo mắt ngó lên trời “thách”: giờ thì ông muốn mưa nhiêu cũng được…
Mưa đầu mùa, mẹ lo đàn gà trong chuồng bị rụ (rụ: bệnh toi gà, tụ huyết trùng). Hồi đó nhà có cái chuồng gà nho nhỏ cạnh mấy nụn rơm, mẹ nuôi một đàn gà hơn chục con. Vừa lấy trứng vừa đem chợ bán đổi rau, cá. Mùa trời chuyển mưa là mùa gà bị dịch. Mẹ lo lắm. Chăm đàn gà rất kỹ. Buổi sáng cục cục cho gà ăn, chiều sẩm ra chuồng kiểm tra gà về có đủ, thiếu con nào mẹ sẽ xách đèn pin đi tìm mang về tổ, đậy đệm cẩn thận kẻo mưa dột, mắc bệnh. Hồi đó không có thuốc cho gia cầm như bây giờ, mẹ tôi dùng kinh nghiệm dân gian. Thấy trời chuyển mưa, mẹ nhanh chóng lấy than, gừng sống, tỏi, tiêu hột giã nhuyễn, trộn gạo cho gà ăn rồi cầu “tai qua nạn khỏi”.
Mưa đầu mùa, ngày nào con gái đi học mẹ cũng nhắc, nhớ bỏ áo mưa vào cặp. Trời đang hửng nắng rạng rỡ, mẹ bảo bỏ áo mưa, con gái có nghe nhưng không làm, còn “cãi”: mẹ thiệt lo xa, trời nắng bể đầu mà lo mưa. Và chiều tan lớp, y như rằng trời mưa để nhắc con gái bài học “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Con đội mưa về nhà. Mẹ hét: vào nhà nhanh rồi lấy nước ấm lau mình cho con và bắt vô giường nằm quấn chăn. Mẹ là vậy, nhà nghèo, mẹ không cho con tiền ăn vặt mỗi buổi đi học, con gái không áo nọ quần kia như các bạn nhưng sức khỏe của con là vàng, mẹ quan tâm từng li từng tí.
* * *
Liên tục mấy hôm nay ở miền Trung, trời cứ nắng hơn nửa ngày là đổ mưa. Ngày nào đi làm tôi cũng bắt gặp cảnh người nông dân đang hốt lúa dưới mưa. Tôi nhớ ngày xưa quá. Hồi đó, nếu tôi cầm chổi quét rù rừ, mẹ sẽ giật cái chổi trong tay tôi mà quét tới. Mẹ nói: mưa trên đầu, làm không kịp thở còn bị trời lấy mất lúa mà đứng đó tùng tơn… Sau này lớn lên con mới thấm lời dạy của mẹ, thời gian cho mỗi người không quá nhiều để chần chừ trong công việc.
Mẹ tôi - người đàn bà lực điền ngày xưa nay mang trong người nhiều bệnh. Mưa đầu mùa mẹ nằm trong chõng dòm ra ngõ, không biết mấy đứa đi làm, đi học có nhớ đem áo mưa…
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/229265/me-va-nhung-con-mua-dau-mua.html