Mẹ vẫn đợi... anh về
Dưới giàn thiên lý, mái tóc bạc phơ, đôi mắt mờ đục, mẹ Long nhìn ra con đường làng trước mặt như mong đợi một điều gì. Bao năm rồi, nỗi đau vẫn hằn lên khóe mắt, ngày ngày mẹ vẫn lặng lẽ chờ… con.
Nước mắt của mẹ
Giữa cái nắng gay gắt của hạ tuần tháng 7, chúng tôi về thôn Đồng Xuân, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh để gặp mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Long (dân tộc Mường). Qua bao nhiêu cung đường vòng vèo dọc theo các triền núi, trong ngôi nhà dưới chân núi Nưa, mẹ đón chúng tôi với một nụ cười niềm nở nhưng ánh mắt ấy vẫn chất chứa một nỗi buồn khó gọi thành tên.
87 tuổi nhưng trông mẹ vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn lắm! Sau những câu thăm hỏi sức khỏe mẹ bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mẹ. Sinh ra giữa thời loạn lạc, mẹ thấu hiểu được cảnh nước mất, nhà tan, cơ cực của bà con trên mảnh đất quê hương mình. Rồi mẹ xung phong gia nhập dân quân du kích của địa phương với mong muốn góp chút sức lực nhỏ bé của mình cho quê hương, đất nước.
Mẹ lập gia đình và sinh được 6 người con trai, trong đó, có 2 người lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng rồi đi mãi không về. Nhắc đến những người con của mình, khuôn mặt mẹ bỗng chùng xuống, mắt rưng rưng, giọng nghẹn lại, mẹ kể: “Mẹ có 6 người con thì có 2 đứa lên đường nhập ngũ. Ngày đó nghèo lắm, cơm không có mà ăn, chỉ độc có khoai với sắn… rồi thằng Minh được gọi đi bộ đội. Ngày ra đi, nó cứ cầm mãi tay mẹ rồi bảo: con đi rồi, bố mẹ cố gắng nuôi các em ăn học, hết nghĩa vụ con về. Vậy mà đến giờ vẫn chẳng thấy nó đâu…”. Mẹ khóc.
Anh Quang Văn Minh (sinh năm 1963), là con thứ 2 của mẹ Long. Năm 1982 anh lên đường nhập ngũ vào chiến trường Tây Ninh và trở thành lính tình nguyện trên đất nước Cam-pu-chia.
Và ngày ngày mỗi khi trời chiều bắt đầu ngả bóng, từ bên mái hiên nhà được lợp bằng rạ lúa, mẹ vẫn đứng nhìn ra con đường dẫn vào làng trông đợi bóng con, cho đến lúc sương mờ giăng trên đỉnh núi sau nhà lan tỏa, khiến mẹ không nhìn rõ nữa mới thôi.
Lật giở trong mấy lần bọc nilon, mẹ đưa ra cho chúng tôi xem bức thư và một tấm vải đều đã úa màu vì thời gian. Nhưng đó là tất cả những gì mẹ có về người con trai thân yêu của mình. “Sợ mẹ lo lắng, trước lúc lên đường, thằng Minh vẫn dấu mẹ, mãi khi sang đến chiến trường Cam-pu-chia mới viết thư về báo cho mẹ biết. Lúc đó lòng mẹ như lửa đốt, ngày ngày mong ngóng tin con, chỉ cầu mong sao cho các con được mạnh khỏe, bình an, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để trở về với mẹ. Niềm hạnh phúc của mẹ chính là mỗi khi nhận được thư thằng Minh, bởi lúc đó mẹ mới tin chắc rằng: con mình vẫn còn sống!”, mẹ Long bồi hồi nhớ lại.
Bức thư duy nhất còn lại của liệt sĩ Quách Văn Minh.
Và điều không mong chờ cũng đã đến. Một ngày vào năm 1985, với mẹ Long sẽ chẳng bao giờ quên được. Hôm ấy mẹ đang chủ trì cuộc họp ở UBND xã thì có tin báo về rằng anh Minh đã hy sinh, mẹ nghẹn ngào không nói nên lời. Ban đầu, mọi người vẫn không dám cho biết bởi sợ mẹ không chịu được nỗi đau này. Mẹ bảo: “Nhưng linh cảm của một người mẹ, mẹ nghĩ có chuyện chẳng lành. Mẹ nói với mọi người có chuyện gì cứ nói ra đi. Có phải thằng Minh có chuyện rồi không? Cầm tờ giấy báo tử trên tay mà tim mẹ như vỡ vụn, mẹ vẫn không tin được bởi cách đó chưa lâu con trai còn viết thư về thăm nhà...”.
Nỗi đau này chưa vơi, đến năm 1997 mẹ lại nhận được tin hung, người con trai thứ 4 là anh Quách Văn Quang (sinh năm 1967) cũng hy sinh ở đảo Mê trong một lần làm nhiệm vụ. Ngoài 2 người con trai, mẹ còn mất một người em trai mà ngay từ nhỏ mẹ đã nuôi nấng, chăm sóc như chính con ruột của mình. Nỗi đau chồng nỗi đau!
Mong ngày đón con về
Mẹ ngồi đó, hướng đôi mắt ra phía cửa lặng lẽ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những người con trai của mình. Trong suốt những năm làm nhiệm vụ, anh Minh viết về cho bố mẹ được vài lá thư, nhưng rồi trong một trận hỏa hoạn, những lá thư đó cũng cháy mất, kỷ vật về anh chỉ còn lại duy nhất một lá thư cùng một tấm vải. “Thằng Minh bảo mẹ ngày về nó sẽ lấy vợ, vậy mà…”. Câu nói lửng của mẹ khiến ai cũng ngậm ngùi.
Anh Quách Văn Sơn, con trai thứ của mẹ, cho biết: “Cứ mỗi lần thấy những di vật của anh mẹ lại khóc, vào những ngày này mẹ cứ thẩn thờ nhìn di ảnh các con rồi thở dài. Ngày Quang hy sinh, cả gia đình dấu mẹ và vợ chú ấy. Bởi lúc đó sức khỏe của mẹ không được tốt, sợ mẹ không còn sức để gượng dậy còn vợ chú ấy thì đang mang thai ở tháng thứ 8, đứa con đầu thì bị tật nguyền (hiện đã mất). 10 ngày sau, khi tất cả các thủ tục đã hoàn tất thì cũng không thể dấu thêm được nữa. Cầm tờ giấy báo tử trên tay mẹ gào thét gọi tên các con... Năm 2016, hài cốt của Quang đã được đưa về đất Mẹ!”.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Long cùng con dâu là chị Nguyễn Thị Định, vợ liệt sĩ Quách Văn Quang.
Nhắc đến người chồng của mình, chị Nguyễn Thị Định (sinh năm 1967), vợ anh Quang nghẹn ngào: “Mãi 10 ngày sau khi anh Quang hy sinh tôi mới được biết. Lúc đó, trời đất như sụp đổ hoàn toàn, tưởng chừng không thể vượt qua được. Trước đó 2 tháng, lúc anh đi vẫn còn dặn tôi: “Em bán hết lợn gà đi, cũng đừng đi lấy củi nữa, việc đó cứ để ít nữa về anh lo. Em ở nhà chăm con, dưỡng thai cho tốt”. Vậy mà…”.
Bao năm qua, mẹ vẫn luôn bảo con dâu có ai yêu thương thật lòng thì cứ bước thêm bước nữa, còn mọi chuyện đừng lo nghĩ gì. Bởi mẹ thương chị một mình tần tảo sớm hôm không ai bầu bạn. Những lúc ấy, vừa thương mẹ, vừa thương chính bản thân mình và chị vẫn nguyện ở vậy thờ chồng, phụng dưỡng mẹ già, nuôi nấng con nên người.
Từ ngày các con mẹ hy sinh, không đêm nào mẹ ngủ được. Cứ gần sáng mới chợp được mắt, trong cơn mơ mẹ lại thấy các con về… “Mẹ thương thằng Minh lắm! Nó đi bộ đội khi còn quá trẻ! Vậy mà, hơn chục năm sau hài cốt của nó mới được tìm thấy, hiện vẫn đang nằm ở nghĩa trang Bình Phước. Thằng Quang thì đã về với mẹ rồi, giờ chỉ còn thằng Minh nữa! Mong muốn lớn nhất của mẹ, trước khi nhắm mắt có thể đưa hài cốt của thằng Minh về quê cha, đất tổ. Có như vậy, mẹ mới an lòng!”, mẹ Long cố ngăn dòng nước nơi khóe mắt.
Chia tay chúng tôi, đôi mắt của các mẹ vẫn đỏ hoe, sâu thẳm trong đôi mắt ấy là tận cùng của nỗi đau nhưng ánh lên một niềm tự hào khó tả! Trong cuộc chiến giữ vững chủ quyền quốc gia, có phần xương máu các con của mẹ. Và mẹ chỉ mong, trước khi nhắm mắt sẽ được đón con trai về với quê hương.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/me-van-doi-anh-ve/104956.htm