Mẹ Việt bốn phương cho con đón Tết Dương lịch 2023 như thế nào?
Mẹ Việt sẽ cho con đón Tết Tây khác gì với Tết Nguyên đán? Cho con đi du lịch, đi chơi hay về quê,... đâu sẽ là lựa chọn của những mẹ Việt trong dịp Tết Dương lịch này?
Mẹ Việt tại đất nước mặt trời mọc
Gia đình chị Cao Thúy - một mẹ Việt có hai cậu con trai hiện đang cùng chồng sinh sống tại tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản) cho biết, gia đình chị thường đón Tết khá đơn giản, không quá cầu kỳ.
“Gia đình tôi đón chào một năm mới bằng cách cùng nhau nấu một bữa ăn và quây quần chờ đón thời khắc giao thừa thiêng liêng bước sang năm mới. Sau đó, vào sáng mùng 1, cả nhà sẽ đi đền cầu may.
Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gia đình tôi chỉ cho hai bé đi chơi quanh những tỉnh gần. Năm nay dịch bệnh tại Nhật Bản đã được kiểm soát tốt hơn nên tôi có dự định sau khi cả nhà đi lễ chùa cầu may sẽ cho hai con đi chơi trượt tuyết”, chị Cao Thúy chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam.
Mẹ Việt ở trời Tây
Còn với gia đình bé Mũi Tẹt (SN 2019) có bố là người Nhật, mẹ là người Việt, hiện đang sinh sống tại Thụy Điển - trái tim của Bắc Âu, chị Ngô Hồng Giang (Mẹ Mũi Tẹt) cho biết, thành phố Stockholm - nơi nhà bé Mũi Tẹt đang sinh sống rất cởi mở và đây là một môi trường sống lý tưởng cho người nước ngoài, nên gia đình bé Mũi Tẹt có rất nhiều bạn bè đến từ các quốc gia và nền văn hóa khác nhau.
“Suốt 4 năm ở Bắc Âu, nhà Tẹt đã quen với một quy tắc ngầm thế này: Giáng sinh là thời gian dành cho gia đình, còn Tết Dương Lịch thì tưng bừng party (tạm dịch: liên hoan/tiệc tùng) với bạn bè.
Vì thế, dịp Tết Dương Lịch, cả gia đình thường tụ tập cùng bạn bè tổ chức bữa tiệc tất niên và chào đón năm mới. Như năm ngoái, bàn tiệc đầy ắp đồ ăn từ khắp nơi trên thế giới: Đức, Nhật, Việt, Pháp, Thụy Điển, Peru,...” - Chị Giang tươi cười chia sẻ.
Nhà bé Mũi Tẹt có bố là người Nhật với truyền thống ăn Tết Dương Lịch nên ngày 1/1 hằng năm là dịp để gia đình gọi điện chúc Tết họ hàng bên nội và bạn bè ở Nhật.
“Đầu năm mới, nhà Mũi Tẹt đại diện 2 nền văn hóa Nhật, Việt với món mì toshikoshi soba và thịt kho tàu”, chị Giang thích thú nói.
Nhớ lại kỷ niệm Tết năm 2022, bà mẹ một con vui vẻ cho biết, năm ngoái những người bạn Nhật ở Stockholm đã tặng cho gia đình chị một hộp Osechi (là thức ăn đặc biệt của người Nhật được đựng vào một tráp sơn để mở ra ăn dần vào những ngày đầu năm mới).
“Tôi rất thích cách người Nhật giữ gìn văn hóa truyền thống như thế này và cố gắng áp dụng để Tẹt nhà tôi có thể trải nghiệm và hiểu về văn hóa quê hương Việt Nhật của con”, mẹ Mũi Tẹt chia sẻ.
Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chị Giang cho biết, đối với bé Mũi Tẹt, Tết là dịp mà con vô cùng háo hức và mong chờ.
“Trẻ con thì khỏi phải nói, được dịp nhảy nhót và thức tới tận giao thừa để đi ngắm pháo hoa. Giao thừa tới, mọi người cùng trao nhau những cái ôm ấm áp để khởi đầu một năm mới may mắn và thật nhiều yêu thương”, chị Giang bày tỏ.
Với những trải nghiệm phong phú khi làm việc, sinh sống ở nhiều châu lục và từng đặt chân tới hơn 30 quốc gia khác nhau, những chia sẻ của gia đình bé Mũi Tẹt sẽ mang một góc nhìn mới mẻ và đa chiều của một gia đình “công dân toàn cầu”.
Còn mẹ Việt tại “trời ta” thì sao?
Chị Hải Yến - mẹ bé Nhã Uyên (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, Tết nguyên đán mới là Tết truyền thống của người Việt Nam, do vậy đối Tết Dương lịch (hay còn gọi là Tết Tây), vì thời gian nghỉ ngắn ngày nên gia đình chị Yến quyết định sẽ cho con đi chơi ở các khu trung tâm thương mại, các khu vui chơi dành cho trẻ hoặc cho con đi du lịch.
“Khoảng thời gian nghỉ Tết Tây, gia đình tôi thường cố gắng cho bé đi chơi hoặc đi du lịch để bé có cơ hội tiếp xúc với nhiều môi trường mới. Ngoài ra đây cũng vừa là phần thưởng khích lệ con, cũng vừa là cơ hội để gia đình gắn kết hơn.
Còn riêng Tết nguyên đán, gia đình tôi quan niệm đây là thời gian trở về, quây quần bên gia đình sau một năm bộn bề, nên tôi thường cho bé về quê quê để con đoàn viên với ông bà nội ngoại, họ hàng hai bên và cũng là dịp để con được trải nghiệm những nét đẹp trong văn hóa Tết cổ truyền” - Chị Yến chia sẻ về kế hoạch dịp Tết của gia đình.
Khác với gia đình chị Yến, về quê lại là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu của gia đình hai bé Nhím và Sóc vào dịp Tết Dương lịch 2023.
Chị Vũ Thị Phương (Mẹ của hai bé Nhím và Sóc) cho biết, chị không muốn con bỏ lỡ bất kỳ ngày lễ nào với ông bà và dịp Tết Dương lịch năm nay cũng vậy.
“Ông bà ở nhà quanh năm, các con thường đi làm xa. Những ngày lễ như thế này, ông bà chỉ mong có con cháu về quây quần ăn bữa cơm. Mặc dù không trực tiếp nói ra, nhưng tôi nghĩ ở độ tuổi xế chiều thì những ngày này, tiếng nói, tiếng cười, sự xuất hiện của cháu chắt và con cái là điều quý giá và mong mỏi lớn nhất của ông bà”, chị Phương chia sẻ quan điểm.
Chia sẻ thêm với PV Tạp chí trẻ em Việt Nam, hai bé Nhím và Sóc cho biết vô cùng háo hức mỗi dịp được về Thái Bình chơi, vì hai bé được chơi những trò chơi mà ở thành phố con chưa có thời gian được trải nghiệm và được thử sức làm những việc mà các con chưa từng làm.