MED-AID Công Minh sẽ trả lại cả trăm tỉ đồng vốn nhà nước?

Sự vào cuộc nghiêm khắc, quyết liệt của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khiến Công ty MED-AID Công Minh phải trả lại cả trăm tỉ đồng vốn nhà nước.

Ngày 29/3/2023, Công ty CP MED-AID Công Minh có văn bản gửi Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (trước đây là Công ty Cổ phần Tài chính Xi Măng CFC) khẳng định “bằng trách nhiệm cao nhất” sẽ cố gắng trả cho doanh nghiệp số tiền 103 tỉ đồng, trước ngày 31/3/2023.

Như Công lý & Xã hội đã thông tin, số tiền nợ hàng trăm tỉ đồng của MED-AID Công Minh có liên quan đến việc ông Bùi Hồng Minh khi còn là lãnh đạo Công ty Cổ phần Tài chính Xi Măng CFC đã cho vay “thần tốc” sai quy trình, dẫn đến nguy cơ thất thoát vốn nhà nước.

Sau khi Cục phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) và Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, chỉ rõ những sai phạm của ông Bùi Hồng Minh thì MED-AID Công Minh mới bắt đầu có kế hoạch “trả nợ”. Khoản vay này kéo dài trong hơn chục năm nhưng MED-AID Công Minh liên tục kêu khó khăn, không trả cả gốc lẫn lãi và phải đưa vào diện nợ xấu khó đòi. Vậy nguồn tiền dự kiến trả nợ lấy từ đâu?

Văn bản của MED-AID Công Minh

Văn bản của MED-AID Công Minh

Cả trăm tỉ đồng vốn của Nhà nước được trả lại, đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy chính sách khuyến khích cán bộ sai phạm trả lại tiền, khắc phục hậu quả, của Đảng và Nhà nước đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, sai phạm của ông Bùi Hồng Minh không chỉ ở khoản tiền vốn nhà nước bị Công ty Công Minh chiếm dụng.

Khi làm lãnh đạo Công ty Xi măng Bỉm Sơn, ông Minh quyết định ký đầu tư vào Nhà máy Xi Măng Đại Việt, bằng cách mua Công ty CP Xi măng Miền Trung (CRC). Giá đàm phán mua lại cổ phần của CRC là 11.560 đồng/01 cổ phần. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Xi măng Bỉm Sơn (BCC) trên thị trường chỉ giao dịch ở mức 3.800 -6.600 đồng/01 cổ phần (giá giao dịch từ 01/7/2012 đến khi ký hợp đồng ngày 6/4/2013). Nghĩa là, ông Minh đã quyết định đầu tư hơn 100 tỉ đồng mua lại cổ phần của CRC với giá cao hơn rất nhiều giá cổ phiếu của công ty mẹ?

Những năm sau này, tình trạng kết quả sản xuất kinh doanh của Xi măng Miền Trung càng ngày càng “bi đát”, và tính đến ngày 31/12/2021, lỗ lũy kế trên 277 tỉ đồng. Hậu quả là Công ty Xi măng Bỉm Sơn đã phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng nợ phải thu khó đòi với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Chưa hết, trong việc đấu thầu dự án đầu tư dây chuyền công nghệ số 3 để tháo gỡ “nút thắt” tại Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam hai cán bộ của Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Đó là ông Đỗ Hoàng Linh, nguyên Phó phòng Kỹ thuật và ông Nguyễn Việt Nga, Trưởng ban Kế hoạch chiến lược. Việc hai cán bộ thuộc Vicem Việt Nam bị bắt giữ, cho thấy cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng vụ án.

Được biết, giai đoạn 2019-2020, ông Bùi Hồng Minh là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc của Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Thời điểm này, Xi măng Hoàng Thạch triển khai dự án và đã để xảy ra sai phạm như đã nêu ở trên.

Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận sai phạm của ông Bùi Hồng Minh, đến mức phải kỷ luật. Vì vậy, dư luận cũng như cán bộ công nhân viên ngành xi măng đang mong chờ các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai". Cùng với xử lý nghiêm sai phạm, cũng phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: "có vào, có ra, có lên, có xuống".

Vậy, ông Bùi Hồng Minh sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào trước những sai phạm của mình. Bước khắc phục hậu quả tiếp theo là gì? Liệu ngân sách nhà nước có tiếp tục tăng thu hồi thêm hàng trăm tỉ đồng?

Công lý & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/xa-hoi/med-aid-cong-minh-se-tra-lai-ca-tram-ti-dong-von-nha-nuoc-169271.html