Men say ché rượu cần đồng bào Thái

Rượu cần của đồng bào Thái huyện Quan Sơn thuộc miền Tây xứ Thanh có thứ men dùng để ủ rất riêng - từ lá rừng. Rượu cần làm từ men lá ở đây không trong vắt như rượu được chưng cất từ ngô của người Mông mà đục, nhàn nhạt màu nước gạo, vị ngọt nồng…

Những ngày xuân se lạnh, chị Phạm Thị Huyền, người bản Na Lộc, xã Sơn Điện huyện Quan Sơn đang tất bật cho những ché rượu cần, đãi khách vào dịp đầu năm mới. Nhà chị Huyền có 8 khẩu, ai cũng biết ủ rượu, nhưng tuyệt nhiên không ai làm thay được chị. Bởi theo bà con dân bản thì ché rượu cần do chính tay chị ủ bao giờ cũng có vị nồng say, dịu ngọt hơn những nhà khác.

"Mọi người cứ nói thế chứ là phụ nữ, đàn ông thậm chí thanh niên trong bản đều biết ủ men lá làm ra rượu cần. Còn ngon hay không còn tùy thuộc vào cảm nhận của người uống" - chị Huyền khiêm tốn.

Bí quyết làm rượu cần Quan Sơn có tự đời nào chị Huyền hay cả những bậc cao niên trong bản Na Lộc đều không biết. Chỉ biết rằng, ngay từ khi còn bé, mẹ đã chỉ cho chị tỉ mẩn từng công đoạn và bí quyết riêng biệt để làm ra một ché rượu ngon, làm say lòng người. Với mẹ chị Huyền và cả những người đàn bà khác trong bản, bí quyết làm rượu là báu vật thiêng liêng, thấm đẫm tình người nên phải gìn giữ, nâng niu truyền đời.

Chị Huyền bên những ché rượu ngon, mang hương vị đặc trưng tốn khá nhiều công đoạn

Chị Huyền bên những ché rượu ngon, mang hương vị đặc trưng tốn khá nhiều công đoạn

Khi mặt trời lên giữa chừng đồi, chị Huyền bắt đầu tra lại lần cuối những ché rượu đã được phơi kỹ trước sân, chuẩn bị cho mẻ rượu mừng năm mới của gia đình. Vừa cẩn thận dùng giấy bản thấm lòng ché, chị vừa hé mở: Để làm ra một ché rượu ngon, đạt tiêu chuẩn, người làm rượu phải tốn khá nhiều công phu.

Đầu tiên là công đoạn làm men. Trước tiên, phải chọn loại gạo từ lúa mới vừa được thu hoạch, sau đó giã nhỏ trộn với thứ lá rừng đặc biệt. Sau khi hai thứ đã quyện sánh vào nhau thì đem viên nhỏ và gác lên gác bếp, hun khói hơn một tuần mới đem xuống. Thứ đến nữa là chọn sắn làm nguyên liệu để kết hợp với men. Sắn ở đây cũng phải là loại sắn được trồng ở đất Quan Sơn, không sâu, hà, chắc thơm, ăn có vị ngậy và hơi dẻo. Sau khi được lựa chọn kỹ lưỡng, củ sắn được cạo vỏ và gác lên gác bếp khoảng hơn một tháng cho khô rút hết nước mới đem xuống giã nhỏ rồi đem ngâm nước một đêm, vớt ra trộn trấu và đồ lên. Khi sắn đã chín, người làm rượu phải đổ ra nong, hong cho nguội mới bỏ men vào trộn đều, lấy là chuối tươi gói kỹ lại, ủ đúng 3 ngày, 3 đêm xong mới bỏ vào ché rồi lấy túi ni lon bịt chặt miệng. Tính từ thời gian bỏ nguyên liệu vào ché đến chừng khoảng 1 tuần hoặc 1 tháng sau là có thể đem ra uống được, tùy vào nguyên liệu làm bằng gạo hay sắn.

Theo kinh nghiệm của chị Huyền, thì rượu được ủ bằng sắn thường sẽ ngon hơn và để được lâu hơn so với rượu được làm từ gạo. Nếu rượu được ủ bằng gạo chỉ để được chừng 2 – 3 tháng thì rượu làm từ sắn có thể được vài năm, càng lâu, rượu càng ngọt nồng. Thứ lá rừng mà đồng bào Thái nơi đây dùng để ủ men là thứ lá mà theo các vị cao niên trong bản là bí mật rất riêng, không thể nói ra được.

Cách uống rượu độc đáo, là nét riêng của người Thái tại Sơn Điện

Cách uống rượu độc đáo, là nét riêng của người Thái tại Sơn Điện

Còn theo các bậc cao niên trong bản Na Lộc, nhìn vào cách uống rượu chúng ta cũng có thể nhận ra đâu là người Thái ở Sơn Điện, Quan Sơn. Trước khi ngồi vào mâm, rượu phải được trịnh trọng đem mời người lớn tuổi uống trước, rồi lần lượt theo thứ tự tuổi tác. Nguyên tắc mỗi bận uống mời nhau phải đủ một trâu (tức là 2 sừng). Khi 2 người mời uống với nhau, ông trám (trọng tài) sẽ có trách nhiệm giám sát và cầm sừng rót nước vào, nếu người uống không kịp sẽ bị phạt tùy theo luật định. Thứ nước dùng để đổ vào ché cũng phải là nước suối trong vắt, tuyệt đối không được dùng nước đun sôi để nguội để chế vào.

Với người Thái nơi đây, thứ men làm nên sự khác biệt của rượu cần là "báu vật" thượng đế đã ban cho dân bản, nên dù có đói, nghèo đến mấy cũng không đem ra bán và chỉ khi bản có việc trọng đại, rượu cần được mang ra để uống, để sẻ chia, để thông cảm và thấu hiểu nhau hơn. Chính vì thế mà uống rượu cần nơi Sơn Điện này không chỉ để uống cho vui, uống chõ bõ khát thèm, cho say sưa quên ngày tháng, quên thế sự mà rượu cần Quan Sơn là nét văn hóa đẹp của đồng bào người Thái. Uống để thể hiện sự đoàn kết, xua tan đi mọi mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày.

"Ngồi vào mâm, mỗi người uống hết vài trâu rượu. Khi uống đã ngấm vị ngọt nồng vào thân thể cũng là lúc bao buồn phiền, giận hờn, trách móc cũng theo hương rượu mà vơi đi. Chỉ còn lại niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc. Bởi thế mà bao đời nay, bản làng người Thái ở đây luôn sống trong sự thuận hòa, nhường nhịn, đùm bọc và tượng trợ lẫn nhau về mọi mặt!" - ông Lò Văn Niêm, một người con xã Sơn Điện trải lòng.

Gia Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/men-say-che-ruou-can-dong-bao-thai-2020011821322839.htm