Mệnh đề mở cho lòng tin chiến lược
Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh quốc phòng thường niên uy tín và quy mô lớn nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không phải là nơi giải quyết các vấn đề nóng bỏng. Song, đây là nơi mà các quốc gia bày tỏ quan điểm chiến lược của mình, để thông qua việc những quan điểm ấy được lắng nghe, lòng tin cũng như khả năng hợp tác có cơ hội được phác thảo và xây dựng, nhằm đẩy lùi những thách thức an ninh chung.
Việt Nam - một lập trường kiên định
Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự các phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 năm 2022, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12-6 tại Singapore.
Trong bài phát biểu với chủ đề “Tăng cường khả năng quốc phòng bảo vệ Tổ quốc”, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là xây dựng và tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.
Đại tướng Phan Văn Giang cũng khẳng định chủ trương của Việt Nam: Tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược; mở rộng hợp tác quốc phòng để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Đối với vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nêu bật quan điểm nhất quán của Việt Nam: Kiên trì, kiên quyết nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.
Trên hết, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nêu bật: “Tôi xin nhấn mạnh lại rằng, nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ. Tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Bên cạnh đó, thông qua bài phát biểu của Bộ trưởng Phan Văn Giang, Việt Nam cảnh báo: “Tăng cường năng lực quốc phòng, nếu không minh bạch, sẽ rất dễ dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm; nếu không vì mục đích chính nghĩa, rất dễ kéo theo chạy đua vũ trang. Hệ lụy là, lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm, cạnh tranh chiến lược gia tăng, nguy cơ đối đầu hiện hữu, an ninh truyền thống phức tạp, chiến tranh, xung đột tiềm ẩn, khó lường. Mặt khác, chạy đua vũ trang tất yếu sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia, mà lẽ ra, có thể sẽ tốt hơn nếu những nguồn lực quốc gia ấy được dành cho phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống để chăm lo đời sống và hạnh phúc của người dân”.
Do vậy, “Trên tất cả là hòa bình, hợp tác và phát triển, đây luôn là lợi ích, là nguyện vọng chính đáng, là mong ước tương lai chung của các quốc gia, dân tộc. Tôi chắc chắn rằng, ai trong chúng ta cũng luôn mong chờ một thế giới không tiếng bom, đạn; mong gương mặt vui cười trên mỗi trẻ thơ, mong tất cả mọi người trên thế giới cùng chung sống trong hạnh phúc và hòa bình. Với Việt Nam chúng tôi, xây dựng và tăng cường khả năng quốc phòng không gì khác mục đích này - để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân. Chúng ta mong muốn thế giới, khu vực hòa bình, chúng ta sẽ cần đến sự tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược, cần đến sự hợp tác phát triển, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng nguyên tắc, chuẩn mực, luật pháp, các cam kết và cơ chế hợp tác, quốc tế”.
Châu Á - Thái Bình Dương giữa những cuộc cạnh tranh gay gắt
Lập trường và quan điểm xuyên suốt của Việt Nam được tái khẳng định như thế, trong bối cảnh các mâu thuẫn và bất đồng đang mỗi lúc một trở nên rõ rệt hơn, tình hình thế giới biến động mỗi lúc một phức tạp hơn, song song với tiến trình mà trong đó, vị thế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương mỗi lúc một trở nên quan trọng hơn trên bản đồ địa chính trị toàn cầu.
Tình hình này được thể hiện khá rõ ràng trong những bài phát biểu quan trọng khác, mà theo đó, mỗi phía lại cũng đều hướng đến xây dựng hợp tác quốc tế cũng như bảo đảm hòa bình theo những cách thức khác biệt, hay thậm chí là đối lập. Thí dụ, có rất nhiều khía cạnh sẽ tự hằn lên, nếu chúng ta đặt các quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cạnh bài phát biểu “Tầm nhìn của Trung Quốc trong trật tự khu vực”.
Trong lần đầu tiên tham dự Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dành nhiều thời gian cho thông điệp hợp tác vì mục đích chung, không tìm kiếm đối đầu và sẽ nỗ lực ngăn chặn xung đột. Ông Lloyd Austin cũng nhấn mạnh: Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm trong đại chiến lược của Mỹ, nêu bật vai trò của việc duy trì môi trường an ninh mở, bao trùm và dựa trên luật lệ trong khu vực. Do đó, Mỹ cam kết sẽ duy trì sự hiện diện chủ động trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016 và hoạt động ở các khu vực được luật quốc tế cho phép cùng các đồng minh, đối tác. “Chúng tôi tin các cường quốc lớn gánh vác những trách nhiệm lớn. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm tròn việc của mình để quản lý những căng thẳng này một cách có trách nhiệm, để ngăn chặn xung đột và theo đuổi hòa bình, thịnh vượng tại khu vực”, người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố.
Trong khi đó, về mối quan hệ với Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khẳng định đây là mối quan hệ quan trọng với hòa bình và ổn định của thế giới, song cho rằng “việc cải thiện mối quan hệ này phụ thuộc vào thái độ của Washington”. Theo các luồng thông tin, cuộc hội đàm trực tiếp bên lề Shangri-La của hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung đã diễn ra khi hai bên đều bày tỏ quan điểm cứng rắn, và đề cập trực tiếp đến một loạt vấn đề nóng - những nguyên nhân tạo nên căng thẳng trong quan hệ song phương thời gian qua.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đánh giá cuộc hội đàm “diễn ra suôn sẻ”. Ông cũng đề cập việc “quân đội của Trung Quốc và Mỹ cần tránh xung đột và đối đầu”. Ở phía ngược lại, Lầu Năm Góc ra tuyên bố cho biết hai bộ trưởng đã thảo luận về tầm quan trọng của việc xử lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và duy trì đường dây liên lạc mở.
Nhưng, không chỉ có hai siêu cường ấy, Shangri-La 2022 cũng chứng kiến không ít vận động đáng chú ý khác, thể hiện qua các cuộc gặp gỡ song phương hay những tuyên bố đa phương. Đơn cử, các bộ trưởng quốc phòng của Nhật Bản, Mỹ và Australia đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung 2022, trong đó phản đối các hành vi “đi ngược với luật pháp quốc tế” tại Biển Đông, nhất là các nội dung đã được phản ánh trong UNCLOS năm 1982, cũng như “những nỗ lực đơn phương nào nhằm làm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới hiện trạng Biển Đông thông qua việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp và các hành động cưỡng ép hoặc dọa dẫm”. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế, nhất là các nội dung đã được phản ánh trong UNCLOS đối với các tranh chấp, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không cùng các hoạt động hợp pháp khác trên vùng biển này.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, trong lần tham dự đầu tiên của một người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản sau 8 năm, cũng đưa ra Tầm nhìn Kishida vì hòa bình với 5 trụ cột, nhấn mạnh tới việc duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên các quy tắc; thúc đẩy các nỗ lực thực tế hướng tới một “thế giới không có vũ khí hạt nhân”... Nhà lãnh đạo Nhật Bản coi đây là những trụ cột chính để có thể hướng tới một cộng đồng quốc tế hòa bình. Bên cạnh đó, Nhật Bản khẳng định ủng hộ mạnh mẽ “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mà ASEAN đã đặt làm chính sách cơ bản của khối.
“Chúng ta cần tôn trọng luật lệ. Một nước không được quyền hành xử như thể luật lệ không tồn tại và cũng không được phép đơn phương thay đổi luật lệ. Một quốc gia muốn thay đổi luật lệ cần có sự đồng thuận của những nước khác”, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh.
Năm 2022 cũng đánh dấu 45 năm quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU). EU, đương nhiên, cũng đang cố gắng thuyết phục các đối tác châu Á rằng họ thực sự là một nhân tố đảm bảo an ninh cho khu vực, nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, cho dù việc tái xây dựng và khuếch trương tầm ảnh hưởng chiến lược này vẫn còn là cả một chặng đường dài.
Như vậy, đúng với vai trò của một diễn đàn, rất nhiều quan điểm đã được công bố tại Shangri-La 2022. Vấn đề còn lại, quan trọng hơn gấp bội, là “Cộng đồng quốc tế cần phải có những nỗ lực thực chất trên thực tế” nhằm mang lại những kết quả tích cực thực thụ cho an ninh, hòa bình khu vực và thế giới, như lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen.