Mênh mang một miền chiều tím

Chẳng biết từ khi nào người ta đã đưa đến miền nhiệt đới này một loài hoa miên man màu nhớ. Từ sớm tinh mơ, từng cánh hoa đã vươn mình thức giấc. Để rồi, khi bình minh ló rạng, những nhành hoa dịu dàng e ấp khoe sắc tím tinh khôi giữa muôn vàn tia nắng ban mai vui đùa nhảy nhót. Người ta gọi ấy là hoa chiều tím.

Hoa chiều tím.

Hoa chiều tím.

So với các loài hoa cùng màu, chiều tím không kiêu sa như hồng nhung, không đài các như cẩm tú cầu, không lộng lẫy như bằng lăng, không nồng nàn, thắm thiết như sắc hoa đậu biếc và chẳng mộng mơ như một trời phượng tím. Hoa chiều tím dịu hiền như những dây hoa bìm bìm, những khóm hoa cà tháng Ba nơi miền thôn dã. Nhưng khác với hai loài hoa ấy, chiều tím tuy mỏng manh nhưng chứa đựng một sức sống dẻo dai bền bỉ. Nếu thân cây vô tình bị lìa khỏi gốc, sáng hôm sau, những bông hoa vẫn vươn mình trỗi dậy.

Mang trong mình một sức sống mãnh liệt nên những cây chiều tím được trồng nhiều ở công viên, ở vườn hoa sân nhà hay được trồng làm giậu hoa trước ngõ. Vốn là loài thân thảo nhưng chiều tím sẽ dần chuyển mình thành cây thân gỗ với những gióng dài đều nhau và những đường gân màu nâu sẫm. Lâu năm, cây có thể to bằng ngón tay, cao ngang thân người. Khi nở, chiều tím bung thành năm thùy riêng nhau, mềm mại như lụa. Nằm giữa năm cánh lụa tím xinh tươi ấy là những sợi nhụy hoa màu trắng sữa nằm nép mình e ấp như những nàng thiếu nữ dịu dàng trong giấc mộng.

Khi mùa khô đến, những hạt mưa trở nên hiếm hoi. Giọt sương long lanh trên cành được muôn loài quý như hạt ngọc. Cây cỏ trong vườn mỗi ngày chuyển dần thành màu vàng úa. Chỉ còn những cây chiều tím vẫn tươi xanh mơn mởn vui đùa trong nắng gió. Sớm sớm, từng cánh hoa vẫn nở để chiều về lại nhẹ nhàng khép lại.

Kỷ niệm về những cánh hoa chiều tím trong tôi còn in đậm. Ngày ấy, tôi còn là một cậu lính liên lạc ở một trạm Biên phòng nơi miền Nam xa xôi. Mỗi ngày, ngoài việc đi giao liên từ đồn và trạm, tôi còn làm nhiệm vụ tiếp phẩm cho bếp ăn của đơn vị. Trạm chỉ có một chiếc xe đạp phượng hoàng nam màu xanh cánh chả. Tuy nó hơi cũ, phần hộp phía dưới đã bị thất lạc. Nhưng tài sản vô cùng quý giá ấy luôn được tôi lau chùi sáng bóng. Hằng ngày, trên “chàng hoàng tử” của riêng mình, tôi luôn quân phục chỉnh tề huýt sáo véo von bon bon đi về bốn năm cây số. Chợ Thơ Mây ở ngay trên đường từ trạm về đồn nên việc mua thực phẩm kết hợp luôn cùng vận chuyển thư báo. Còn đồ khô tôi thường ghé mua ở tiệm tạp hóa nhỏ nhà dì Tư Hiền.

Đúng như cái tên của mình, dì Tư Hiền như mẹ tôi vậy. Mỗi khi tôi ghé mua đồ, dì hỏi han chuyện nhà rồi chuyện học hành của tôi thật ân cần, chu đáo. Biết tôi là người miền Bắc vào Nam công tác, dì thương tôi như con. Mỗi khi nhà có món gì ngon, dì thường kêu tôi xuống ăn cùng rồi chuyện trò để cho tôi nguôi đi nỗi nhớ nhà.

Nhưng còn một lý do nữa khiến cho tôi thường ghé nhà dì Tư, ấy là Thương. Thương bằng tuổi tôi. Tốt nghiệp cấp ba, tôi tình nguyện nhập ngũ. Sau bốn tháng rưỡi huấn luyện ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tôi được điều vào BĐBP Long An công tác. Còn Thương, năm đầu tiên thi đại học sư phạm thiếu nửa điểm. Có nhiều trường dân lập gọi nhập học, nhưng Thương cương quyết không chịu. Cô ở nhà phụ mẹ bán hàng và tiếp tục ôn thi.

Thương không đẹp sắc sảo như những cô bạn tôi ở ngoài Hà Nội nhưng ở Thương có sự dịu dàng, kín đáo như cánh hoa nơi đồng nội. Mẹ Thương bảo, đêm Thương ôn bài đến một, hai giờ sáng, rồi vẫn dậy sớm phụ giúp mẹ dọn hàng. Dì Tư khuyên cỡ nào cũng không chịu, chỉ sợ Thương cố thi đỗ vào đại học rồi đổ bệnh, chả sức nào mà theo học nổi. Nhưng sự quyết tâm ôn thi của Thương đã làm tôi thêm ý chí quyết tâm của một “trang nam tử”. Tôi cũng mang trong mình hoài bão phải thi đậu vào trường sĩ quan. Dù hai đứa bằng tuổi nhau nhưng Thương nhất quyết gọi tôi bằng anh. Sửa thế nào cô cũng không chịu. Thương bảo, gọi Hoài bằng anh vì Hoài là anh bộ đội.

Trước cửa nhà Thương có trồng một giậu hoa màu tím. Sáng sáng, khi tôi đi về ngang, hàng giậu lại nở đầy những cánh hoa vui đùa trước gió. Thương thường để tóc bồng bềnh đứng bên giậu hoa để màu tím rập rờn tôn lên làn da trắng mịn và một nụ cười tỏa nắng. Có lần, tôi đánh bạo hỏi dì Tư xin nhánh hoa về trồng. Không ngờ, vừa hỏi dứt lời, dì Tư đã gọi Thương lấy lưỡi hái ra cắt ngay một bó cho đem về.

Thương bảo, đây là hoa chiều tím. Cho dù đất có khô cằn bao nhiêu thì loài hoa này vẫn sinh sôi nảy nở. Màu tím đậm đà của nó tượng trưng cho sự thủy chung son sắt. Anh Hoài trồng hoa này trên trạm để ghi nhớ những ngày tụi mình ôn thi cùng nhau. Mai này, dù có đi nơi nào cũng hãy nhớ về mảnh đất này và nhớ tới Thương.

Thế rồi, tình cảm của hai chúng tôi cứ trong sáng vô tư như hai người bạn tâm giao tri kỷ. Kỳ thi năm ấy, Thương đậu rất cao vào cả hai trường sư phạm và ngoại ngữ. Bỏ lại ước mơ làm cô giáo, Thương nhận học bổng toàn phần đi du học nước ngoài. Kỳ tuyển sinh năm sau tôi cũng thi đậu vào Học viện Biên phòng và chuyển ra Sơn Tây (Hà Nội) nhập học. Ở vùng nắng gió Ba Vì xa xôi, năm nào tôi cũng biên thư vào thăm hỏi dì Tư. Những lá thư ấy dày hơn khi tôi gần tốt nghiệp ra trường. Trong những lá thư trả lời, lần nào dì Tư cũng nhắn những lời hỏi thăm của Thương dành cho tôi.

Sau 5 năm tôi tốt nghiệp ra trường. Theo sự phân công của tổ chức, tôi về công tác ở một đồn Biên phòng nơi miền cao phía Bắc. Lần đi phép đầu tiên trong cuộc đời sĩ quan, tôi đặt vé máy bay vào thăm đơn vị cũ. Đến nhà Thương, dì Tư đã xây ngôi nhà nóc Thái khang trang bề thế. Giậu hoa chiều tím ngày xưa đã được thay bằng hàng rào đồng đúc sáng bóng sang trọng. Đón tôi bằng nụ cười thật tươi, dì Tư bảo, Thương đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn ở lại nước ngoài để học tiếp lên thạc sĩ ngành ngôn ngữ. Khi nào học xong Thương sẽ về...

Tôi về thăm trạm cũ. Vạt hoa chiều tím năm xưa nay đã thành cả một rừng hoa, chảy tràn ra cả triền đê biên giới. Những cơn gió nhẹ ùa về mang theo một chút se lạnh của mùa Đông phương Nam. Giữa không gian mênh mông bỗng hoang hoải dâng lên cả một miền chiều tím. Chẳng biết ở nơi nào xa xôi Thương có còn nhớ về những bông hoa và lời dặn dò năm cũ...

Nguyễn Hội

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/menh-mang-mot-mien-chieu-tim-post437591.html