Mênh mang nỗi nhớ
Trong đời sống tình cảm của mỗi người, nỗi nhớ luôn hiện diện. Có đầy những sắc màu trong bao nỗi nhớ. Và những nỗi nhớ ấy thấm đẫm trong những khúc tình ca.
Những nỗi nhớ về quê hương, đất nước
Quê hương vẫn là điều đọng lại trong niềm thương, nỗi nhớ của mỗi người. Đó có thể là biển trời mênh mông, đó cũng có thể chỉ là tiếng chim tu hú gọi: “Biển trời mênh mông, tôi bơi ngày ấy/ Tiếng tu hú gọi thấy nhớ biết bao” (Quê hương tuổi thơ tôi – Từ Huy). Có nỗi nhớ về thành phố thân yêu mà những người con của quê hương vẫn mang theo mình mãi mãi: “Dù nơi chiến trường xa nhiều gian khổ/ Vẫn đập trong lòng trái tim thành phố/ Như là cuộc sống như là tình yêu, và nỗi nhớ…/ Suốt đời, suốt đời mang theo” (Thành phố tình yêu và nỗi nhớ - Phạm Minh Tuấn).
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Những nếp nhà với ánh lửa hồng vẫn là niềm nhớ khôn nguôi đối với những người xa xứ: “Nào ai xa ngàn nơi/ Kìa bao mái nhà đang chờ ai/ Kìa bao bếp hồng đang còn tươi/ Thương nhớ lên đầy vơi” (Về dưới mái nhà – Xuân Tiên). Có nỗi nhớ nhung của người bên này nhớ người bên kia sông trong những ngày đất nước còn bị tạm thời chia đôi bờ giới tuyến. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã viết trong ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương: “Ơi câu hò chiều nay sao nghe nặng tình ai/ Hay là anh bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi/ Gởi niềm tin theo gió qua mấy câu thiết tha hò ơi!”.
Cùng đây nữa, nỗi nhớ về những người chiến sĩ trên đường kháng chiến. Quê hương nhớ đến các anh, những người chiến sĩ đã dâng cả cuộc đời mình cho hai miền đất nước: “Anh ở bà con thương, anh đi bà con nhớ… Rừng bao nhiêu lá thương anh biết mấy/ Uống nước đầu sông, lại nhớ đến nguồn” (Người chiến sĩ ấy – Hoàng Vân).
Những nỗi nhớ về những người thân yêu
Trong rất nhiều nỗi nhớ, thì nhớ mẹ có lẽ là nỗi nhớ đầy đặn, đằm sâu nhất đối với mỗi người. Bởi mẹ đã sớm chiều lo cho các con, cả những lúc con giữa những niềm vui hay các con đang gặp những điều khó khăn, đau khổ: “Mưa ơi! Mưa ơi! Còn nhớ thương hoài/ Nhớ khi mẹ lo sớm chiều/ Nhớ nụ cười khi nâng niu” (Đèn khuya – Lam Phương).
Nhạc sĩ Trần Chung, ở ca khúc Về thăm mẹ, đã nói hộ nỗi lòng của những người con, là những chiến sĩ trên đường hành quân, về tình cảm đối với mẹ. Tình cảm ấy, giúp các anh càng vững lòng trên đường chiến đấu: “Dọc đường hành quân, nhớ mẹ bao lần/ Rạo rực lòng con, tình làng nghĩa xóm/ Dọc đường hành quân/ Con đi mang hình bóng quê hương/ Mang bóng dáng mẹ già thân thương”…
Ở một chiều tình cảm khác, tình cảm của mẹ với con, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sáng tác một ca khúc rất nổi tiếng: “Mẹ yêu con”. Ở ca khúc này, khán thính giả nghe được những nỗi lòng của mẹ khi mẹ nhìn thấy con lớn lên từng ngày: “Nhớ những lúc mừng con lẫy rồi con ngồi/ Thoáng thấy đó hình như bóng dáng bao người/… Bước càng nhanh mừng con biết đi rồi/ Đi trên con đường mới”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã viết ca khúc “Nhật ký của mẹ”. Bài hát ấy, đã mang những lời tâm tình của mẹ nhắn gởi với đứa con từ khi hãy còn trong lòng mẹ, đến những ngày con lớn lên: “Một ngày chợt nắng, một ngày chợt mưa, lòng mẹ chợt nhớ con vô bờ/ Nhớ sao dáng hình, nhớ sao nụ cười, nhớ con từng giây phút cuộc đời”.
Riêng tình cảm của người con đối với cha, đó là nỗi nhớ về những ngày tháng cha chăm lo cho các con dẫu trong vất vả, nhọc nhằn: “Và con nhớ mãi những ngày tháng qua/ Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng/ Nhớ hoài tuổi thơ bên cha/ Gian khổ ngày đêm chăm lo/ Mong muốn con được lớn khôn” (Tình cha - Ngọc Sơn ).
Những nỗi nhớ trong tình yêu
Có lời nhắn gởi của một người yêu đến với người đã từng cùng mình hò hẹn. Vậy mà rồi họ cũng chẳng thể cùng nhau đi đến cuối cuộc đời. Niềm nhớ thương vẫn còn lưu lại: “Bài cuối cho người tình. Bài cuối ta cho mình/ Nửa hồn ta ngơ ngác. Bao giờ vơi nhớ thương?” (Bài cuối cho người tình – Nguyễn Vũ).
Còn đây nữa, khi người yêu đi lấy chồng, cảm giác nhớ thương của người con trai được gởi vào những lời ca: “Nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát/ Và tìm trong nét bút xa xôi” (Lá đổ muôn chiều – Đoàn Chuẩn - Từ Linh). “Hoài cảm”, một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Cung Tiến, với nỗi nhớ cố nhân đến quay quắt, được nhạc sĩ chuyển tải qua những giai điệu khi lắng đọng, lúc cao trào: “Buổi chiều chợt nhớ cố nhân/ Sương buồn lắng qua hoàng hôn/…/ Lòng cuồng điên vì nhớ/ Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?”. Có sự lãng mạn, đẹp đẽ vô cùng của hai con người yêu nhau, hai mái đầu kề nhau cùng nhìn về làn mây tím: “Ai nhớ mắt xanh năm nào/ Chiều thu soi bóng. Nắng chưa phai màu/ Kề hai mái đầu, nhìn mây tím nhớ nhau” (Chiều tím – Đan Thọ, lời thơ: Đinh Hùng).
Ca khúc “Gửi về em” của nhạc sĩ Đỗ Thu với những giai điệu mượt mà cùng những ca từ đầy bao niềm nhung nhớ của một người con trai, gởi về người anh yêu thương: “Ngày anh đi mang theo vạn niềm nhớ, mang biết bao ân tình… Đêm này là bao đêm nhớ về em”. Và đây nữa là nỗi nhớ khó đong, khó vơi của những người yêu nhau, những ngày xa nhau. Sự yêu thương và nghĩa tình vẫn luôn đằm sâu, dẫu có cách xa về địa lý. “Ở hai đầu nỗi nhớ/ Yêu và thương sâu hơn/ Ở hai đầu nỗi nhớ/ Nghĩa tình đằm thắm hơn!” (Ở hai đầu nỗi nhớ - Phan Huỳnh Điểu). Cùng rất nhiều những khúc tình ca khác mà trong ca từ đã có sự hiện diện của những nỗi nhớ với rất nhiều cung bậc, sắc màu.
Lắng nghe lại những ca khúc với bao nỗi nhớ để khán thính giả thấy, đây là những nỗi nhớ về quê hương, kia là những nỗi da diết nhớ về những người thân yêu trong gia đình, cùng rất nhiều những nét lãng mạn ở nỗi nhớ của những người yêu nhau, hiện giờ hay đã qua, đắm say hay đã nhạt nhòa. Và có lẽ, nỗi nhớ vẫn còn mãi mênh mang trong những khúc tình ca trải dài theo năm tháng.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/menh-mang-noi-nho-104385.html