Mẹo bảo vệ tài khoản ngân hàng dịp Tết tránh tình trạng 'không cánh mà bay'
Để tránh kẻ gian đột nhập, chuyên gia khuyến cáo người dùng cần bảo mật nhiều lớp thông tin thẻ ngân hàng, chuyển sang xác thực sinh trắc học sẽ an toàn hơn trong việc bảo vệ thông tin thẻ trực tuyến.
Giáp Tết Nguyên đán là thời điểm giao dịch và mua sắm rộn ràng nhất trong năm. Đây cũng là dịp các thủ đoạn mạo danh, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản trở nên tinh vi hơn.
Thông thường dịp cuối năm, các giao dịch trên tài khoản thẻ phổ biến hơn bởi các hoạt động liên quan đến việc chuyển, nhận tiền lương và giải quyết công nợ, mua bán các dịch vụ, sản phẩm trực tuyến… Việc người dân dễ dàng tham gia giao dịch trực tuyến, trong đó có chi tiêu cho thương mại điện tử, cũng là nguyên nhân khiến thông tin cá nhân liên quan tài khoản thẻ ngân hàng bị lộ, mất do thiếu cảnh giác. Khoảng thời gian này, theo thống kê, cũng là dịp mà tội phạm hoành hành nhằm chiếm đoạt tài chính của các nạn nhân.
Chuyên gia ngân hàng lưu ý khách hàng một số dấu hiệu đáng ngờ, nhận biết thiết bị có thể bị chiếm quyền điều khiển như máy mau hết pin và chạy chậm, xuất hiện ứng dụng lạ trên điện thoại... Bên cạnh đó, nếu xuất hiện ứng dụng tự động bật lên ngay cả khi không sử dụng điện thoại hoặc lưu lượng pin bất ngờ hao hụt nhanh hay máy nóng lên bất thường thì quyền trợ năng đã được bật cho một số ứng dụng lạ và không thể tắt được quyền trợ năng... Lúc này, thiết bị của khách hàng có thể đã bị chiếm quyền.
Một hình thức khác được các ngân hàng cảnh báo là kẻ gian mạo danh cán bộ cơ quan thuế, dịch vụ công... đề nghị, thậm chí đe dọa, thúc ép người dùng tải và cài đặt phần mềm giả có chứa mã độc vào các máy điện thoại sử dụng hệ điều hành Android.
Sau khi người dùng tải phần mềm, chúng sẽ lợi dụng điểm yếu từ quyền trợ năng (Accessibility) của Android chiếm đoạt quyền điều khiển điện thoại, ăn cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Quyền trợ năng là chức năng có sẵn trên thiết bị sử dụng hệ điều hành Android nhằm hỗ trợ những người dùng bị hạn chế về khả năng nghe, nhìn, đọc…
Do đó, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không thao tác theo hướng dẫn do các số điện thoại lạ gọi đến, kể cả xưng là cán bộ ngân hàng hoặc các cơ quan khác khi chưa xác minh được có phải là thông tin chính xác hay không. Ngoài ra, khách hàng cần tắt ngay quyền trợ năng đã mở cho các ứng dụng rủi ro trước khi thực hiện giao dịch tài chính trên thiết bị di động.
Để bảo vệ tốt tài khoản của mình, các chuyên gia gia cho rằng người dân cần có những biện pháp bảo vệ tài khoản của điện thoại của mình tương tự như mua két sắt giữ tiền trước đây.
Nhằm tránh bị kẻ gian đột nhập, các chuyên gia khuyến cáo người dùng cần bảo mật nhiều lớp thông tin thẻ ngân hàng, chuyển sang xác thực sinh trắc học sẽ an toàn hơn trong việc bảo vệ thông tin thẻ trực tuyến và điều kiện tiên quyết bảo vệ mã xác thực 2 lớp OTP trong mọi trường hợp.
Ngoài ra, khách hàng không tham gia sử dụng các dịch vụ trực tuyến có thể gây nguy hại cho thẻ ngân hàng sở hữu, đa số các dịch vụ nên đến các chi nhánh trực tiếp yêu cầu hỗ trợ từ nhân viên sẽ an toàn. Trước các giao dịch chuyển tiền, người dùng cần xác minh lại thông tin về giao dịch và người nhận bằng cách gặp trực tiếp hoặc gọi điện thay vì tin tưởng hoàn toàn vào những trao đổi không rõ ràng trên các nền tảng mạng xã hội, tin nhắn SMS, email…
Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Công nghệ Công ty cổ phần An ninh mạng quốc gia NCS khuyến cáo: “Người dùng có thể cài đặt an ninh bảo mật cao nhất cho ứng dụng đang chạy trên điện thoại di động như sử dụng công nghệ sinh trắc học. Việc này giúp bản thân người sử dụng sẽ được bảo vệ an toàn khi chẳng may bị lộ tài khoản, mật khẩu, mã OTP thì hacker sẽ không chuyển tiền đi được vì lúc này cần phải thực hiện nhận diện bằng sinh trắc học hoặc vân tay."
Còn ông Phạm Long Giang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Ngân hàng số VPBank cũng đưa ra lời khuyên: “Người dùng chỉ sử dụng những đường link, app có nguồn gốc rõ ràng để nếu như chẳng may bị hacker tấn công hoặc click vào đường link lạ trong dịp Tết thì chúng tôi vẫn có thể hỗ trợ ngay được."
Ngoài việc tự nâng cao bảo mật cho thiết bị của mình, các chuyên gia khuyến nghị người dùng cần chia sẽ hỗ trợ người thân xung quanh là bố mẹ, vợ hoặc chồng, các con nâng cao ý thức cảnh giác và biết cách bảo vệ thông tin trên tài khoản số.
Các chuyên gia cho biết trường hợp hy hữu nhưng cũng đã xảy ra, đó là chính những người thân có thể do vô tình không để khi ý sử dụng điện thoại của nhau rồi click vào những đường link giả mạo, tạo cơ hội cho kẻ gian lấy được tiền trong tài khoản...
Được biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán cho biết đã bổ sung nguồn lực về hạ tầng công nghệ cũng như con người nhằm đảm bảo việc giao dịch cũng như thanh toán của người dân được thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán./.