Mèo Vạc chú trọng chất lượng giáo dục

Thời gian qua, huyện Mèo Vạc luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển KT – XH, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn học tiếng Việt.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn học tiếng Việt.

Đồng chí Lâm Quang Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT Mèo Vạc cho biết: Trên địa bàn huyện có 54 trường học và cơ sở giáo dục; trong đó có 18 trường THCS, 15 trường Tiểu học, 19 trường Mầm non, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và 1 trường PTDT nội trú... Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ giáo viên. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh trường lớp, khu vực ăn, ngủ của HS; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nước uống, nước sinh hoạt. Xây dựng cảnh quan sư phạm, tạo môi trường học tập, vui chơi an toàn, thân thiện. Tổ chức các hoạt động thư viện phong phú, thân thiện, thư viện xanh, thư viện góc học tập hiệu quả, phù hợp, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận với nhiều loại sách nâng cao và tham gia các hoạt động trong thư viện. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học sinh.

Công tác chăm lo phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu. Đổi mới phương pháp quản lý giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục, nhằm đánh giá thực chất công tác quản lý, chất lượng dạy và học. Nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và học sinh; mạnh dạn đề xuất, bổ sung, thay thế những lãnh đạo, giáo viên tại các trường học không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm, thiếu gương mẫu; phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, khắc phục dứt điểm tình trạng học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động đổi mới giáo dục, như: Đổi mới quản lí giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử... Tăng cường tiếng Việt cho trẻ Mầm non, học sinh Tiểu học. Triển khai hiệu quả, bền vững chương trình giáo dục Mầm non mới. Không ngừng huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng phòng học, nhà công vụ giáo viên, phòng ở cho học sinh bán trú; thực hiện kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Chú trọng đầu tư xây dựng các trường học đạt chuẩn Quốc gia, trường THPT, trường dân tộc nội trú, đảm bảo có cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh THPT…

Tin rằng, với sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương, năm học này, ngành Giáo dục Mèo Vạc sẽ gặt hái được nhiều thành công.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/201910/meo-vac-chu-trong-chat-luong-giao-duc-750595/