Mèo Vạc nỗ lực thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục
Khắc phục khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mèo Vạc đang tập trung các giải pháp nhằm tạo bước đột phá trong sự nghiệp 'trồng người' nơi miền đá, từng bước thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng cao với đồng bằng.
Vài năm gần đây, ngành GD&ĐT huyện Mèo Vạc luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, chỉ tiêu huy động học sinh (HS) tốt nghiệp THCS đi học THPT và tốt nghiệp THPT đi học đại học, cao đẳng, học nghề chưa đạt so với mục tiêu đặt ra. Giai đoạn 2015 – 2020, tỷ lệ huy động HS tốt nghiệp THCS đi học THPT đạt 47,85%; HS tốt nghiệp THPT học các trường cao đẳng, đại học đạt 15,63%. Ngoài ảnh hưởng bởi địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông từ huyện xuống các thôn chưa đồng bộ thì nguyên nhân chính được xác định do mức sống của phần lớn người dân thấp; trình độ nhận thức của người dân, nhất là nhận thức về sự cần thiết của việc học tập còn hạn chế. Nhiều phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt lạc hậu trở thành rào cản lớn đối với công tác GD&ĐT. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu lao động nên thường cho con em nghỉ học để phụ giúp gia đình lao động, sản xuất, đặc biệt là HS cấp THCS. Tư tưởng học xong chương trình THCS lấy bằng tốt nghiệp đã là đủ, không muốn học tiếp lên cao, bỏ học đi lao động để kiếm tiền đang là tình trạng phổ biến hiện nay.
Đồng chí Bùi Văn Thư, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc, chia sẻ: Hiện, nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học sau khi ra trường không tìm được việc làm hoặc phải làm trái nghề cũng là những tác nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công tác huy động HS. Ngoài ra, cơ sở vật chất của cấp THPT trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, thiếu phòng học, nhà bán trú, bếp ăn. Trách nhiệm quản lý, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động HS đi học; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và gia đình chưa chặt chẽ. Kinh tế gia đình còn khó khăn nên nhiều HS có tư tưởng học xong THCS rồi đi làm kiếm tiền đỡ gánh nặng cho gia đình. Công tác tham mưu của một số nhà trường với cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế; thiếu sáng tạo, quyết liệt trong nhiệm vụ tuyên truyền, vận động HS.
Trước thực trạng đó, huyện đang quan tâm xây dựng chính sách sàng lọc đội ngũ giáo viên theo hướng trọng về đạo đức và năng lực, trình độ; không quá nặng về bằng cấp mà nặng về năng lực chuyên môn; kiên quyết loại bỏ những giáo viên yếu về chuyên môn; lấy chất lượng đầu ra của HS làm thước đo chất lượng giáo viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện nghiêm quy trình quy hoạch, đề bạt, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ công chức, viên chức. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo trong sự nghiệp GD&ĐT.
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường, cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, huyện gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, phụ huynh HS về Luật Giáo dục; trách nhiệm của cha mẹ trong việc tạo điều kiện cho con em mình học tập. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho HS thuộc các đối tượng được hỗ trợ. Huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài; thành lập Quỹ khuyến học nhằm khuyến khích, hỗ trợ HS tốt nghiệp THCS đi học THPT và học nghề, cao đẳng, đại học. Thực hiện tốt việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS sau tốt nghiệp THCS; nâng cao tỷ lệ HS học lên THPT, trung học chuyên nghiệp và học nghề, gắn với tuyên truyền, định hướng, giới thiệu, hướng dẫn HS đăng ký đi học theo khả năng của từng hộ, từng HS.
Mặt khác, địa phương luôn chú trọng công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng trường nội trú, bán trú. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, ưu tiên mở rộng khuôn viên trường học; tiếp tục triển khai đề án đưa HS tiểu học từ các điểm trường về học tại trường chính, giảm điểm trường cấp Tiểu học. Hàng năm, tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ lãnh đạo trường học, giáo viên để sàng lọc, bố trí phù hợp với năng lực sở trường, vị trí công tác; lựa chọn người đứng đầu có tư duy, tầm nhìn, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm. Các đơn vị trường học tích cực tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm giới thiệu, định hướng nghề nghiệp để giáo dục, tuyên truyền, phân luồng, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, giúp cha mẹ HS hiểu được lợi ích lâu dài của việc học tập. Nêu gương những người tốt, việc tốt trong công tác giáo dục – đào tạo trên địa bàn; phê bình và kiên quyết xử lý các đối tượng không chấp hành theo hương ước thôn, xóm.