Mercedes-Benz Việt Nam chuyển dần sang nhập khẩu, đón lộ trình giảm thuế?
Công ty mới thành lập (MBDV) là một pháp nhân không liên quan Mercedes-Benz Việt Nam (MBV). Đây có thể là động thái nhằm đẩy mạnh việc nhập khẩu để đón lộ trình cắt giảm thuế ô tô từ châu Âu.
Pháp nhân mới chuyên phân phối xe sang
Đầu tháng 10, Mercedes-Benz AG của Đức chính thức thành lập Công ty TNHH Phân phối Mercedes-Benz Việt Nam (MBDV - Mercedes-Benz Distribution Vietnam) trụ sở tại TP.HCM, vốn điều lệ 6,7 tỷ đồng.
Đây là pháp nhân hoàn toàn tách biệt khỏi Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) và đặt trụ sở tại quận 1 (TP.HCM), không chung trụ sở với nhà máy MBV đóng tại quận Gò Vấp.
Tuy nhiên, MBDV và MBV cùng chung người đại diện pháp luật là ông Gerd Bitterlich, người đảm nhiệm cương vị tổng giám đốc MBV từ ngày 1/7/2024, thay thế ông Brad Kelly.
Theo một chuyên viên tài chính, động thái của Mercedes-Benz AG (công ty mẹ của MBV) nhằm dọn đường cho kế hoạch tái cấu trúc sản xuất cũng như nhập khẩu phân phối ô tô tại Việt Nam.
Theo lịch trình, từ 8/6/2025 Việt Nam công nhận toàn bộ chứng nhận hợp chuẩn, theo hệ thống tiêu chuẩn của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu (UNECE) tức là mọi rào cản kỹ thuật và thủ tục hành chính về nhập cảng ô tô EU sẽ bị dỡ bỏ.
Khi đó, đối với Việt Nam, thị trường ô tô EU và ASEAN sẽ tương đồng về thủ tục và tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ còn khác biệt về thuế.
Bởi vậy, các ông lớn phân phối ô tô đang có bài toán dài hơi khi đường về của xe sang nhập EU đang rộng cửa.
Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 8/6/2020, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường ô tô nhập khẩu từ EU theo lộ trình 10 năm, thuế suất giảm về 0% vào năm 2030.
Theo hiệp định, ô tô con thuộc nhóm B9 (có dung tích xi lanh dưới 3.0L) thuế suất cơ sở 78% được xóa bỏ sau 10 lần cắt giảm đều, mỗi năm một lần.
Đối với xe con nhóm B10 (xe có dung tích xi lanh trên 3.0L) thuế suất cơ sở 74% được xóa bỏ sau 11 lần cắt giảm đều, mỗi năm một lần.
Với mức thuế suất cơ sở là thuế nhập khẩu (chưa gồm TTĐB, VAT) trung bình trên 76% hiện hành, mức giảm thuế theo lộ trình 11 năm giúp xe xuất xứ châu Âu được giảm thuế cơ sở 7% mỗi năm.
Trong bối cảnh đó, việc thành lập MBDV được kỳ vọng sẽ giúp Mercedes-Benz duy trì hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, giảm thiểu rủi ro từ những biến động pháp lý và kinh tế.
Nhà máy lắp ráp tiếp tục duy trì đến năm 2030
Đầu năm nay, Mercedes-Benz Việt Nam đã có Văn bản số 310/MBV/2024 gửi đến UBND TP. HCM nêu lên những khó khăn và đề nghị thành phố sớm gia hạn thuê đất cho Dự án lắp ráp ô tô tại quận Gò Vấp đến năm 2030.
Theo giấy phép cũ được cấp năm 1995, nhà máy Mercedes-Benz diện tích 10,5ha tại quận Gò Vấp (TP.HCM) sẽ hết hạn cho thuê đất vào ngày 14/4/2025. Sau thời điểm này, nhà máy buộc phải di chuyển khỏi nội đô TP.HCM.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, TP.HCM sẽ điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam kéo dài thời gian hoạt động của dự án thêm 5 năm, từ 14/4/2025 - 14/4/2030.
Việc cho thuê đất sẽ được điều chỉnh tương ứng sau khi giấy chứng nhận đầu tư đã được điều chỉnh.
Đồng thời, UBND TP.HCM thực hiện việc điều chỉnh thời gian cho thuê đất sau khi giấy chứng nhận đầu tư đã được điều chỉnh.
Nhà máy MBV hiện đang lắp ráp các dòng xe như C-Class, E-Class, GLC và Mercedes-AMG C 43 4MATIC, với công suất thiết kế khoảng 12.000 xe/năm.