Messi: Người Catalonia đã trở về với bản ngã Argentina

Trưởng thành ở La Masia, Messi luôn bị gò bó bởi mực thược của người Catalonia. Tuy nhiên, World Cup 2022 chứng kiến Messi trở về với bản ngã của người Argentina.

Vô ảnh cước hạ gục Gvardiol

Vô ảnh cước hạ gục Gvardiol

Josko Gvardiol, 20 tuổi, được giới chuyên môn đồng loạt đánh giá là trung vệ hay nhất World Cup 2022. Tuyển thủ Croatia này giống như một chiếc Volkswagen, với lối chơi điềm tĩnh, chắc chắn và phong cách có phần tương tự Virgil van Dijk, trung vệ hay nhất thế giới trong vài năm trở lại đây. Đương đầu với Gvardiol, bất cứ tiền đạo nào cũng phải e dè. Muốn không bị mất bóng hay nằm sân, tốt nhất là quẳng trái bóng cho đồng đội thật nhanh. Messi không chọn phương án đó.

Phút 69 của trận đấu, thời điểm Argentina vẫn cần 1 bàn thắng nữa để kết liễu mọi hy vọng của Croatia, đồng thời tránh “tai nạn” tương tự như trận gặp Hà Lan, Messi nhận bóng ở sát đường biên dọc và bước vào cuộc đấu tay đôi với Gvardiol. Nếu đánh bại trung vệ số một của đội tuyển Croatia, La Pulga xem như đánh sập hoàn toàn ý chí của đối phương. Vậy thì vào việc.

Alvarez là người chuyền bóng cho Messi. Đường chuyền bằng ngực này trao cho La Pulga cơ hội uy hiếp xấp xỉ bằng không. Bởi lẽ khoảng cách từ điểm Messi nhận bóng đến khung thành đối phương rất xa, hơn nữa hướng phát triển bóng bị hạn chế vì ngay sát đường biên. Gvardiol bám rất sát Messi và nhanh chóng tung ra động tác truy cản đầu tiên ngay thời điểm số 10 của Albiceleste mới nhận bóng. Đáng tiếc, La Pulga nhanh hơn một nhịp. Cú đẩy bóng của Messi khiến trung vệ của Croatia tụt lại phía sau và mất thế thượng phong. Con đường dẫn đến khung thành đã lộ ra và siêu sao người Argentina nhanh chóng dốc bóng tiếp cận vòng cấm.

Gvardiol tất nhiên không chịu bỏ cuộc. Tuổi 20 sung mãn giúp trung về này bắt kịp và đứng chặn trước mặt Messi thêm lần nữa. Và bây giờ mới là lúc ma thuật xa ra. Sau một nhịp hãm bóng điệu nghệ trước áp lực cầu thủ đối phương tạo ra, Messi thực hiện động tác giả như thể sẽ đi bóng ngược về tuyến hai. Pha đảo thân vừa nhanh vừa dẻo chẳng khác gì chiêu “vô ảnh cước” này của La Pulga khiến trung vệ của Croatia bị đánh lừa.

Khi Gvardiol nhận ra thì mọi chuyện đã quá muộn, Messi đã “quay xe” dắt trái bóng vào vòng cấm và tiến sát đáy biên. Một đường chuyền nhạy cảm nữa là đủ để Julian Alvaren dứt điểm thành bàn, ấn định chiến thắng 3-0 cho tuyển Argentina. Có lẽ thay vì tủi hổ vì bị một ông lão 35 tuổi qua mặt, Gvardiol nên cảm thấy may mắn vì La Pulga sẽ sớm chia tay bóng đỉnh cao.

Maradona phiên bản 4K thiếu adrenaline

Maradona phiên bản 4K thiếu adrenaline

Messi là bậc thầy rê bóng. Cước bộ chớp nhoáng, thân pháp mau lẹ, kỹ thuật thượng thừa, một đối một với La Pulga chẳng khác nào tự sát. Không riêng gì Gvradiol, mọi chuyên gia phòng ngự hàng đầu thế giới đều ít nhất một lần bị siêu sao người Argentina qua mặt. Kinh hoàng nhất có lẽ là cú ngoặt bóng khiến Jerome Boateng ngã sõng soài trên sân. Bởi vậy, nếu anh chàng cao bồi Luky Luke được ca ngợi là “kẻ bắn nhanh hơn cái bóng của mình” thì M10 xứng đáng được tán tụng là “cầu thủ rê qua cái bóng của mình”.

Tuy nhiên, thực tế Messi hiếm khi “rê qua cái bóng của mình”. La Pulga sở hữu lối rê bóng đặc trưng của người Argentina. Không màu mè như ông bạn láng giềng Brazil hay đề cao tính nghệ thuật như người châu Âu, các cầu thủ đến từ xứ sở tango qua người theo cách tối giản, bằng những động tác cơ bản nhất như đẩy bóng, ngoặt bóng, màu mè hơn một chút thì gạt bóng, lắc hông. Những pha đảo chân như rang lạc hay xoay com-pa mơ màng không nằm trong DNA của Messi và đồng hương.

Dù vậy, vì được đào tạo trong môi trường mô phạm như La Masia, cái chất bụi bặm và tinh quái trong lối rê bóng của người Argentina đã với đi ít nhiều ở Messi. Tuy được ví như truyền nhân đích thực hay phiên bản 4K của Maradona nhưng La Pulga khá cầu toàn. Khi có bóng trong chân, siêu sao người Argentina sẽ đâm vào những nơi có nhiều khoảng trống nhất và hiếm khi mạo hiểm đột phá theo kiểu tìm đường sống nơi chỗ chết.

Mở rộng vấn đề, phong cách rê bóng cũng phản ánh tính cách con người, Messi khá nhu mì, hiền lành cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Câu cửa miệng của siêu sao người Argentina trong mọi thời điểm là: “Bình tĩnh nào”. Từ Barcelona đến tuyển Argentina, dù đang dẫn trước hay bị dẫn trước, khi thắng cũng như lúc bại, thông điệp Messi gửi đến đồng đội là bình tĩnh. Bình tĩnh để không bị mất thế trận. Bình tĩnh để duy trì ưu thế và tránh sự hưng phấn thái quá.

Tính cách thiếu adrenaline này của Messi phần nào không phù hợp với những người dân xứ tango tinh quái và luôn muốn đẩy sự căng thẳng lên tới tột đỉnh. Bởi vậy, suốt những năm tháng dài thất bại cùng Albiceleste, La Pulga bị gọi một cách đầy châm biếm là “cầu thủ lớn có trái tim bé” hay “người Catalonia tại tuyển Argentina”.

Đánh thức nhân dạng Argentina trong con người Messi

Đánh thức nhân dạng Argentina trong con người Messi

Để hiểu rõ hơn về nhân dạng bóng đá của người Argentina, phải quay ngược thời gian trở lại những năm đầu thế kỷ 20. Thời điểm này, bóng đá đã du nhập vào xứ sở tango đủ lâu và thẩm thấu để trở thành môn thể thao vua, thậm chí tạo ảnh hưởng như một thứ tôn giáo.

Trên mặt báo, các cây bút bắt đầu đàm luận về phong cách đặc trưng của bóng đá Argentina. Quan điểm được hầu hết giới quan sát thống nhất là sự đối nghịch giữa bóng đá xứ sở Tango và Anh quốc. Tại xứ sở sương mù, quê hương của bóng đá, môn thể thao này được tổ chức thi đấu trên những sân cỏ rộng lớn trong trường học. Vì vậy, bóng đá Anh xem trọng sức mạnh, tốc độ và sự va đập.

Trong khi đó, các cậu bé tại Argentina chơi bóng trên những bãi đất trống bụi bặm, bẩn thỉu trong khu ổ chuột - ngôn ngữ bản địa gọi là potreros. Tại potreros, những trận đấu vô pháp, vô thiên diễn ra đầy bạo lực và thủ đoạn. Trái bóng là thứ duy nhất lũ trẻ bấu víu, từ đó hình thành nên lối chơi lắt léo và tinh ranh.

Đáng chú ý là bài viết của cây bút Ricardo Lorenzo, hay còn còn là Borocotó, đăng trên tờ El Grafico vào năm 1928. Bằng óc quan sát, tổng hợp và phân tích, Borocoto đã phác họa chân dung nhân dạng bóng đá Argentina một cách tường tận và chính xác như sau:

“Thằng nhóc có khuôn mặt lấm lem, với mái tóc xù như tính cách nổi loạn. Đôi mắt nó thông minh, lanh lợi, tinh ranh và dễ khiến người khác phải xiêu lòng. Ánh nhìn của nó trông mới thật tinh nghịch, với hàm rằng khểnh ố vàng như bị ăn mòn do ngấu nghiến miếng bánh mỳ. Vài mảnh vá được kết hợp một cách nghệ thuật để gọi là quần. Chiếc áo sọc của Argentina, cổ trễ và thủng lỗ chỗ vì chuột gặm. Một dải băng bắt chéo qua vai xuống thắt lưng giống như tay súng cao bồi. Đầu gối chằng chịt vết sẹo được số phận khử trùng. Chân đi trần hoặc mang đôi giày rách bươm vì sút quá nhiều. Phong thái của nó mới thật đặc trưng, tạo cảm giác như đang rê trái bóng được cuốn bằng nùi giẻ”.

Từ Vicente De La Mata ở thập niên 40, Sívori "Cabezón" của thập niên 50, Houseman vào thập niên 70, Maradona thập niên 80, Ariel Ortega thập niên 90, Carlos Tevez của thập niên 2000 đều sở hữu những nét đặc trưng được Borocotó nêu ra từ 100 năm trước. Messi sẽ không phải là ngoại lệ nếu không sang Tây Ban Nha năm 13 tuổi. Song, cái chất “phủi” ấy vẫn lẩn khuất trong con người La Pulga và chờ thời điểm chín muồi để bộc phát. Thời điểm đó chính là World Cup 2022.

Khi Messi rê qua cái bóng của chính mình

Khi Messi rê qua cái bóng của chính mình

Messi tại World Cup 2022 là một Messi rất lạ trong mắt người hâm mộ thế giới nhưng hẳn rất quen với người hâm mộ xứ sở tango. Bởi lẽ, anh trở nên xù xì, gai góc đúng với bản ngã nhân dạng của bóng đá Argentina. Biểu hiện rõ nhất chính là ở trận tứ kết với Hà Lan, kình địch ngầm của Albiceleste.

Sự xung khắc ghê gớm giữa hai đội bóng cùng những diễn biến trên sân đẩy kịch tính trận đấu đến cao trào. Messi không còn đứng ngoài và hô hào đồng đội “Bình tĩnh nào” bằng cái giọng đều đều buồn ngủ nữa. Số 10 của Albiceleste thể hiện chất tinh quái chẳng khác gì những tiền bối bằng pha tiểu xảo dùng tay chơi bóng, qua đó ngăn chặn đợt lên bóng của đối phương. La Pulga cũng hùng hổ lao vào những điểm nóng hay cuộc tranh cãi thay vì le ve ở đằng xa. Sau tình huống đá luân lưu thành công, Messi cũng không thinh lặng bước đi. Anh ăn mừng bằng cách xòe đôi bàn tay ra sau vành tai, một cử chỉ đầy thách thức và khiêu khích nhắm vào đội tuyển Hà Lan.

Tất nhiên sốc nhất vẫn là những câu chữ cộc cằn, thô lỗ siêu sao người Argentina ném vào mặt Wout Weghorst bên phía đối phương. “Que miras, bobo? Anda para alla” – “Mày nhìn cái gì thế, thằng đần? Biến đi!”. Tại xứ Tango, người ta in câu chửi của Messi lên áo và bán với giá hơn 2.000 peso, tương đương 300 ngàn VNĐ. Người Argentina không xem hành xử của Messi là vô văn hóa, thậm chí hành xử như vậy mới chính là văn hóa của người Argentina.

Suốt bao nhiêu năm qua, La Pulga luôn phải gò bó bản thân trong mực thước của người Catalonia. Nhưng hiện tại, anh không còn bất cứ liên hệ nào với Barca. Ưu tiên số một của Messi chỉ còn đội tuyển Argentina và anh tập trung hoàn toàn trí lực cho mục tiêu này.

Pha đi bóng ngoạn mục biến Gvardiol thành gã hề cũng là một cách Messi chứng minh anh đã trở về với bản ngã của người Argentina. La Pulga có vô vàn lựa chọn khác an toàn hơn trong một thế trận an toàn, nhưng rốt cuộc anh chọn ngạo nghễ một chọi một với trung vệ trẻ được đánh giá hay nhất World Cup. Messi rê bóng qua Gvardiol nhưng kỳ thực anh cũng rê bóng qua chính mình để vượt qua khỏi mọi nỗi sợ. Argentina vì thế đã có mặt ở chung kết.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/messi-nguoi-catalonia-da-tro-ve-voi-ban-nga-argentina-a585724.html