Messi trước cơ hội vô địch World Cup: Sẽ có cái kết đẹp như Ro 'béo', Beckenbauer?
Messi sẽ là một trong những danh thủ lớn có cơ hội vô địch World Cup lần 2 sau khi đã thua lần đầu.
World Cup diễn ra 4 năm một lần nên không phải dễ để được dự 2-3 kỳ, chứ chưa nói đến có cơ hội vào chung kết. Dẫu vậy một số danh thủ vĩ đại vẫn đã có cơ hội thứ hai để trở thành nhà vô địch thế giới, và tối nay (22h) Lionel Messi sẽ gia nhập nhóm những danh thủ đó. Vậy những tiền nhân đã đạt được kết quả thế nào khi có cơ hội thứ 2 để vô địch World Cup?
Franz Beckenbauer (1966 – 1974)
“Hoàng đế” là một trong những cầu thủ xuất chúng nhất của bóng đá Tây Đức khi nước này bước vào thập niên 1960 khi ở tuổi 20, ông đã đá chính tất cả các trận của Tây Đức tại World Cup 1966. Ông và các đồng đội thua chung kết trước Anh vì 2 bàn thắng trong hiệp phụ, và Beckenbauer kết thúc giải với 4 bàn thắng dù đá trung vệ. Beckenbauer 4 năm sau cùng Tây Đức báo thù Anh với trận thắng ở Mexico 1970, nhưng bị đánh bại ở bán kết 3-4 bởi Italia.
Khi World Cup 1974 bắt đầu trên sân nhà, lúc này Beckenbauer cùng Bayern Munich đã trở thành một thế lực hàng đầu nước Đức và vừa đoạt Cúp C1 đầu tiên, chưa kể ông cũng đã đeo băng thủ quân Tây Đức vô địch EURO 1972. Sau khi gặp khó ở vòng bảng, Tây Đức cuối cùng cũng vào chung kết và thắng ngược 2-1 trước Hà Lan của Johan Cruyff, qua đó mang lại danh hiệu thế giới cho Beckenbauer ở tuổi 28.
Đáng nói là Beckenbauer không chỉ tận dụng thành công cơ hội thứ 2 với tư cách cầu thủ, ông còn làm được với tư cách HLV trưởng. Ông dẫn Tây Đức tới chung kết 1986 nhưng thua Argentina của Diego Maradona trong hiệp phụ, và 4 năm sau ông thành công khi thắng vẫn đối thủ đó 1-0 trong trận tranh cúp của Italia 1990.
Johan Neeskens (1974 – 1978)
Neeskens là thành viên của Hà Lan thua Tây Đức ở chung kết 1974 nhưng 4 năm sau ông có cơ hội thứ hai khi Hà Lan vào chung kết tại Argentina. Không chỉ ông mà 7 đồng đội khác của năm 1974 cũng góp mặt ở trận chung kết này, nhưng Johan Cruyff không góp mặt vì chọn ở nhà sau khi gia đình bị cướp. Tiếc rằng cơ hội thứ hai cũng bị bỏ lỡ, Hà Lan để thua Argentina 1-3 trong trận chung kết.
Karlz-Heinz Rummenigge (1982 – 1986)
Quả bóng Vàng của 1980 và 1981 có một sự nghiệp rất thành công khi vô địch đủ mọi giải lớn ở cấp CLB lẫn đội tuyển ngoại trừ World Cup. Ông vào chung kết lần đầu năm 1982, mặc dù bị đau đầu gối nhưng vẫn ghi bàn thắng quan trọng để loại Pháp ở bán kết. Nhưng Italia với một Paolo Rossi thăng hoa bất ngờ đã thắng Tây Đức 3-1 ở chung kết.
4 năm sau Tây Đức vào chung kết dưới sự dẫn dắt của Beckenbauer, lúc này Rummenigge đã 31 tuổi và đang đi về cuối sự nghiệp do chấn thương hành hạ. Argentina đã dẫn 2-0 trước khi thủ quân Rummenigge rút ngắn 1-2 ở phút 74, và 7 phút sau người đá cặp Rudi Voller quân bình 2-2. Nhưng tới phút 84 Maradona chọc khe đưa Hugo Burruchaga thoát xuống ấn định 3-2 cho Argentina, và sự nghiệp quốc tế của Rummenigge kết thúc mà không có chức vô địch Thế giới.
Lothar Matthaus (1986 – 1990)
Matthaus chính là một trong những người kèm Maradona ở trận chung kết năm 1986 và đã khiến “El Diego” im ắng trong phần lớn trận đấu, cho tới khi ông phải dâng cao tấn công sau khi Argentina ghi được 2 bàn. Sau World Cup, sự nghiệp của Matthaus tiếp tục thăng tiến và ông cùng Inter Milan có cuộc giao đấu rất thú vị trong 2 năm đầu ở Serie A với Napoli của Maradona.
Italia 1990 bắt đầu với Matthaus lúc này đã trở thành đội trưởng của Tây Đức. Ông ghi 4 bàn trong hành trình đưa đội nhà tới chung kết gặp lại đối thủ cũ Argentina, và lần này Tây Đức thắng 1-0 nhờ quả 11m của Andreas Brehme.
Ronaldo (1998 – 2002)
4 năm có thể không dài nhưng với Ronaldo lại khác: Sau những gì xảy ra với anh trước, trong và sau trận chung kết World Cup 1998, người ta coi chiến thắng của anh năm 2002 là một sự hồi sinh. Ro “béo” là siêu sao của Brazil tại Pháp 1998 nhưng ở trận chung kết đã chơi mờ nhạt và chứng kiến đội nhà thua 0-3, và sau đó là những ngày tháng chấn thương hành hạ tại Inter Milan, kéo dài cho tới trước thềm World Cup 2002.
Với thể lực trở lại 100%, Ronaldo ghi 6 bàn trong hành trình đưa Brazil đi một mạch tới trận chung kết, ĐT Anh ở tứ kết là đối thủ duy nhất không bị Ro “béo” chọc thủng lưới. Và ở trận đánh lớn nhất, cú đúp của Ronaldo trước Oliver Kahn của Đức giúp Brazil lần thứ 5, và cũng là lần gần nhất, đăng quang thế giới.
Q.D