Mệt mỏi như thi học sinh giỏi
Nhiều học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở bây giờ không thích thú với việc vào đội tuyển, thậm chí một số em được thầy cô lựa chọn thì phụ huynh vào trường xin ra.
Thông thường, sau khi kết thúc chương trình học kỳ I thì nhiều Phòng Giáo dục tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện cho học sinh lớp 9 để lựa chọn những em có kết quả tốt nhất tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Để tham gia được kỳ thi này, học sinh có ít nhất một học kỳ ôn luyện cùng giáo viên, một số trường còn tổ chức ôn thi học sinh giỏi từ lớp 6 nên phải nói rằng những em vào đội tuyển là cả một quá trình ôn luyện gian nan.
Nếu học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh mà đạt giải thì đó cũng là niềm vui cho chính cả em và cả thầy cô được phân công giảng dạy, nhưng nếu không đạt giải thì đó là một nỗi buồn dai dẳng cho cả thầy và trò.
Vì thế, nhiều học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở bây giờ không thích thú với việc được vào đội tuyển, thậm chí một số em được nhà trường lựa chọn thì phụ huynh vào trường xin cho con mình không tham gia ôn thi học sinh giỏi.
Những được mất của việc học sinh tham gia ôn thi học sinh giỏi
Thực tế, vẫn có những học sinh thích tham gia ôn thi học sinh giỏi, nhất là những học sinh ở khu vực đô thị để các em có cơ hội trau dồi về môn học được sâu hơn và cũng là cách để các em làm quen với các dạng đề nhằm hướng tới thi tuyển sinh 10 vào trường chuyên của tỉnh.
Nhưng, cũng có rất nhiều học sinh không thích thú với việc ôn thi học sinh giỏi văn hóa vì thời gian ôn thi quá dài, mật độ học tập rất cao vì khi đã ôn thi là học sinh thường xuyên phải vào trường ôn tập với giáo viên.
Không chỉ ôn tập ở trường mà bao giờ giáo viên cũng giao thêm bài tập hoặc các đề thi từ các năm trước hoặc đề thi của các tỉnh bạn để học sinh làm thử.
Vì thế, khi tham gia ôn thi cùng các bạn trong đội tuyển thì việc học, ôn, làm bài tập sẽ diễn ra thường xuyên, liên tục mới đáp ứng được yêu cầu hướng dẫn, giao nhiệm vụ của thầy cô.
Cũng chính vì vậy mà nhiều môn học khác sẽ không được đầu tư, sẽ phải lơ là để đầu tư cho môn mà mình đang ôn thi, nhất là giai đoạn gần đến kỳ thi thì học sinh gần như phải bỏ các môn học khác để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi.
Thế nhưng, học là một chuyện mà thi đậu là là một chuyện khác bởi kỳ thi học sinh giỏi có tính cạnh tranh gay gắt giữa các nhà trường với nhau.
Bởi, dù là cấp huyện hay cấp tỉnh tổ chức thì số lượng đạt giải cũng chỉ dao động khoảng 25-30% số học sinh tham dự. Vậy nên, 10 em thi thì có thể 7-8 em sẽ rớt mà rớt ngay từ vòng huyện. Những học sinh rớt vòng huyện cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải “bỏ cuộc chơi”.
Mặt trái của các kỳ thi học sinh giỏi
Một số em đậu cấp huyện cũng không có cơ hội được ôn luyện tiếp vì mỗi huyện thường chỉ được chọn 5-6 em/môn tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Những em được chọn trong đội tuyển của huyện tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lại tiếp tục ôn luyện thêm mấy tháng nữa mới diễn ra kỳ thi.
Kỳ thi cấp tỉnh cũng chỉ lấy tối đa là 30% học sinh tham dự, thành ra những em rớt trong kỳ thi cấp tỉnh cũng chiếm phần lớn mà rớt lúc này còn ngậm ngùi nhiều hơn việc không được tham gia đội tuyển cấp huyện.
Nhưng, cho dù đậu học sinh giỏi cấp tỉnh thì hiện nay các em cũng chỉ được khen thưởng mấy trăm ngàn đồng theo quy định của Sở Tài chính (khoảng trên dưới 500 ngàn đồng- tùy từng giải).
Những ưu tiên khác chẳng có gì vì từ nhiều năm nay Bộ đã chủ trương bỏ cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh 10 đối với học sinh giỏi cấp tỉnh!
Những thua thiệt của học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện
Thực ra, những học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở- dù là học sinh giỏi cấp tỉnh thì việc đạt giải cũng không bù đắp cho những thua thiệt của các em. Bởi, học sinh lớp 9 bao giờ cũng phải trải qua một kỳ thi cạnh tranh rất khốc liệt- đó là kỳ thi tuyển sinh 10.
Và, ai cũng biết kỳ thi tuyển sinh 10 thì bao giờ cũng có ít nhất 3 môn thi (Toán, Anh, Văn), một số tỉnh còn có thêm các môn tổ hợp nữa. Trong khi những học sinh tham gia đội tuyển mải mê với những đề thi, ôn tập cho 1 môn thì các em học sinh khác đã có thời gian ôn luyện cho những môn thi tuyển sinh 10.
Thi học sinh giỏi không có ý nghĩa về chiến lược phát triển con người
Kết thúc kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh thường rơi vào cuối tháng 3 hàng năm nên sau kỳ thi này thì những em thi học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian cho các môn học còn lại để bù đắp lượng kiến thức các môn còn lại.
Những khu vực mà thi lớp 10 có tính cạnh tranh ít còn đỡ, những trường lớn, những trường có uy tín thì tỉ lệ chọi cao và nếu muốn đậu được các trường này thì những em học sinh tham gia đội tuyển phải đầu tư gấp nhiều lần so với các bạn khác. Đó là chưa kể những em thi rớt học sinh giỏi mà không vững vàng về ý chí còn dao động, chán nản, bỏ bê chuyện học hành.
Suy cho cùng, kỳ thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở hiện nay không đem lại lợi ích cho học sinh (đạt giải cao nhất cũng không được ưu tiên trong tuyển sinh 10), không đem lại lợi ích rõ ràng cho giáo viên ôn thi….
Nếu được giải, thầy trò được thưởng vài trăm ngàn đồng nhưng phải đầu tư suốt cả gần 1 năm học mà thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở bây giờ có đến 70% rớt thì sẽ có mấy thầy cô, học trò được nhận thưởng, được hưởng niềm vui trọn vẹn?
Có lẽ, đã đến lúc các địa phương nên cân nhắc kỹ việc “nên” hay “không nên” tổ chức thi học sinh giỏi cấp Trung học phổ thông như hiện nay nữa hay không bởi thực tế nó chẳng đem lại lợi ích rõ ràng cho học trò và đội ngũ thầy cô giáo mà lãng phí nhiều thời gian, tiền bạc.
Đó là chưa kể những bàn tán về tính trung thực trong kỳ thi này, nhất là kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện bởi có nhiều thầy cô giáo vừa ôn thi, vừa ra đề, vừa chấm thi!
Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/met-moi-nhu-thi-hoc-sinh-gioi-post215090.gd