Mệt mỏi vì công việc, người trẻ Trung Quốc chọn lối sống 'nằm xuống'
'Tang ping' - hay còn gọi là 'nằm xuống' là lối sống không chạy đua để đạt được những thứ mà xã hội cho là biểu hiện của sự thành công.
Người trẻ Trung Quốc đang đưa ra một thuật ngữ mới để phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của họ với nền văn hóa làm việc thường xuyên bị áp bức ở nước này. Thay vì cố gắng theo kịp kỳ vọng của xã hội hoặc chống lại nó, nhiều người trẻ đang chọn một cách đơn giản là “nằm xuống”.
Thuật ngữ mới này trong tiếng Trung gọi là “tang ping”, bắt nguồn từ một bài đăng hiện đã bị xóa trên diễn đàn Tieba. Không giống như những thuật ngữ tương tự trước đây, “tang ping” là một hành động, chứ không phải một cảm giác. Nó mang hàm ý cố gắng thoát ra, sử dụng nỗ lực tối thiểu để thực hiện một công việc chưa được hoàn thành, trái ngược với sự vô ích của cơn thịnh nộ chống lại guồng máy tư bản chủ nghĩa.
Tác giả bài viết trên Tieba đã mô tả việc anh ta thất nghiệp trong 2 năm qua nhưng không cảm thấy phiền về vấn đề này. Thay vì chấp nhận và theo đuổi khái niệm về thành công của xã hội, anh đã quyết định đơn giản là “nằm xuống”.
“Vì chưa bao giờ có một xu hướng tư tưởng đề cao tính con người ở đất nước chúng ta, nên tôi sẽ tạo ra một xu hướng cho riêng mình: Nằm xuống là hành động khôn ngoan của tôi. Chỉ khi nằm xuống, con người mới có thể trở thành thước đo của vạn vật” – người dùng này khẳng định trong tuyên ngôn về lối sống của mình.
Bài viết nhanh chóng được nhiều người đón nhận và “tang ping” trở thành một thuật ngữ thông dụng trên các mạng xã hội nước này. Trên Douban, một nhóm có tên là “Hội Nằm Xuống” đã thu hút được gần 6.000 thành viên. Một trong những bài viết nổi tiếng nhất của hội này có tên là “Hướng dẫn cách nằm xuống”, trong đó liệt kê 7 bước chấp nhận lối sống này, bao gồm: chấp nhận những khuyết điểm của bản thân thay vì cố gắng thay đổi chúng, không đánh đồng tiền bạc với hạnh phúc, và từ chối sa lầy bởi những câu hỏi hiện sinh.
Một thành viên giấu tên của nhóm chia sẻ rằng, triết lý nằm xuống của cô có thể được tóm tắt là “ưu tiên cho sự yên bình và tĩnh lặng của cơ thể và tâm hồn”.
“Theo tiêu chuẩn chính thống, một lối sống đúng đắn phải là làm việc chăm chỉ, cố gắng đạt được thành công trong công việc, phấn đấu mua nhà, mua xe hơi và sinh con” – cô nói.
“Tuy nhiên, tôi chỉ làm việc khi tôi có thể, không làm thêm giờ, không lo lắng về việc thăng tiến, không tham gia vào những câu chuyện thị phi của công ty”.
Cô gái này cho biết cô mong “được nằm xuống hoàn toàn” – tức là nghỉ việc và sống bằng tiền tiết kiệm.
Triết lý sống này đang bị giới truyền thông chính thống chỉ trích. “Dù có thế nào đi chăng nữa, người trẻ phải có niềm tin vào tương lai” – một bài bình luận đăng trên tờ Nanfang Daily viết.
“Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, với nguồn lao động dồi dào và lợi thế thị trường khổng lồ… Cuộc sống hạnh phúc duy nhất là một cuộc sống chăm chỉ làm việc”.
Trong khi đó, tờ Guangming Daily của Bắc Kinh thì bình luận: “Cộng đồng ‘nằm xuống’ rõ ràng là không tốt cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước”. Tuy nhiên, tờ này cũng nói thêm rằng không nên đánh giá thấp lối sống này mà không suy ngẫm: Nếu Trung Quốc muốn nuôi dưỡng sự siêng năng ở thế hệ trẻ, trước tiên chúng ta nên cố gắng cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Ông Huang Ping, giáo sư văn học ở ĐH Sư phạm miền đông Trung Quốc chuyên nghiên cứu về văn hóa thanh niên, cho rằng các phương tiện truyền thông chính thống có thể lo ngại về lối sống “tang ping” vì nó có nguy cơ đe dọa hiệu suất làm việc.
“Nhà nước đang lo lắng về viễn cảnh sẽ xảy ra nếu mọi người ngừng làm việc” – ông Huang nói. Nhưng ông không hẳn đồng tình với phản ứng của giới truyền thông. Ông nói: “Con người không chỉ đơn thuần là công cụ tạo ra mọi thứ”.
“Nằm xuống” là một lựa chọn hợp lý hơn là một thái độ tiêu cực, ông giải thích. Đối với một số người trẻ, đó là cách để họ trút bỏ gánh nặng cho bản thân. “Khi bạn không thể bắt kịp sự phát triển của xã hội, ví dụ như giá nhà tăng chóng mặt, thì ‘tang ping’ thực sự là lựa chọn hợp lý nhất”.
Hồi đầu tháng này, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Bai Yansong đã gây chú ý khi đặt câu hỏi về sự tranh đấu của thế hệ trẻ trước áp lực cuộc sống.
“Có thực sự là một điều tốt hay không nếu chúng ta đảm bảo mức giá nhà ở rất thấp, không có một chút áp lực nào cả, và cô gái mà bạn thích sẽ dễ dàng chấp nhận bạn miễn là bạn theo đuổi cô ấy? Đó có thực sự là một điều tốt hay không? – ông đặt câu hỏi trong một chương trình “talk show” gần đây.
Theo giáo sư Huang, “nằm xuống” có thể được coi là trái ngược với sự tiến hóa – một thuật ngữ học thuật đã có từ nhiều thập kỷ nay ám chỉ các xã hội đang bị mắc kẹt trong chu kỳ cạnh tranh.
“Trong một môi trường xã hội tương đối tốt, người ta có thể cảm thấy rắc rối, nhưng ít nhất họ cũng đang cố gắng. Nếu nó tệ hơn, người ta sẽ bắt đầu muốn nghỉ ngơi”.
Trước khi ở giai đoạn rắc rối và nghỉ ngơi, đã có một thuật ngữ khác được giới trẻ Trung Quốc đưa ra để bày tỏ sự thất vọng của mình về điều kiện làm việc khắc nghiệt và chất lượng cuộc sống thấp. Thuật ngữ này gọi là “sang” – mang nghĩa thờ ơ và cam chịu.
Ngoài ra, người trẻ còn theo đuổi một khái niệm khác viết tắt là FIRE, nghĩa là: Financial Independence, Retire Early (Độc lập tài chính, Nghỉ hưu sớm) – với hi vọng một ngày nào đó sẽ thoát ra khỏi cuộc đua vì những điều tốt đẹp.
Nguyễn Thảo(Theo The Sixth Tone)