Mệt mỏi vì làm thêm nhiều
Một số công nhân Công ty TNHH GFT Việt Nam ở xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) phản ánh tình trạng người lao động phải làm thêm nhiều, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Hồi 21 giờ 25 ngày 27.5, tại cổng phụ của Công ty TNHH GFT Việt Nam, từng tốp công nhân lục tục lấy xe ra về. Một công nhân vừa tan ca cho biết thời gian gần đây công ty tăng ca nhiều, sớm nhất cũng phải đến 21 giờ 15 mới được nghỉ. "Tuy nhiên, việc tăng ca là tự nguyện, công ty không ép buộc, ai có việc mà muốn về sớm cũng được", công nhân này nói.
Một công nhân khác cho biết dù tăng ca là tự nguyện nhưng do làm theo dây chuyền nên công nhân không muốn làm cũng không được. "Nhà tôi ở Thanh Miện, hôm nào sớm cũng 22 giờ 30 còn muộn phải gần 23 giờ mới về đến nhà. Hôm sau 6 giờ sáng đã phải ra đợi xe nên thời gian nghỉ ngơi rất ít. Người lúc nào cũng mệt mỏi".
Theo phản ánh của một số công nhân, có vị trí làm từ 7 giờ 30 đến 21 giờ 30, có vị trí làm từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Mặc dù có thể nghỉ sớm nếu nhà có việc nhưng một tháng cũng chỉ có thể xin nghỉ sớm vài lần. Vì thế, những công nhân ở các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang... thường về nhà rất muộn. Những công nhân này cho biết làm thêm giờ sẽ tăng thu nhập nhưng giờ làm thêm kéo dài khiến mọi người rất mỏi mệt.
Ông Đào Xuân Khá, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH GFT Việt Nam thừa nhận thời gian gần đây công ty có yêu cầu công nhân tăng ca do đơn hàng nhiều. Theo ông Khá, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới các doanh nghiệp, việc tăng ca là đáng mừng vì doanh nghiệp vẫn duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Là doanh nghiệp 100% vốn Hồng Kông (Trung Quốc), công ty chuyên sản xuất đồ chơi từ nhựa để xuất khẩu cho đối tác Nhật Bản. "Chỉ khi cần xuất hàng gấp, công nhân mới phải tăng ca và cũng chỉ công nhân làm ở xưởng lắp ráp mới tăng ca nhiều. Khi tăng ca, chúng tôi luôn bảo đảm đầy đủ các chế độ theo quy định của Nhà nước như tiền làm thêm giờ, tiền ăn ca, bữa ăn nhẹ... Việc làm thêm là hoàn toàn tự nguyện, ai có việc vẫn có thể xin về sớm", ông Khá nói.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tứ Kỳ cho biết đã nắm được phản ánh về thời gian làm thêm của Công ty TNHH GFT Việt Nam. "Qua các cuộc tiếp xúc, làm việc với công nhân trên địa bàn huyện, chúng tôi thấy nhiều công nhân có nguyện vọng làm thêm giờ để tăng thu nhập. Tuy nhiên, pháp luật đã có quy định về giờ làm việc chính thức, giờ làm thêm áp dụng cho từng loại hình công việc. Vì thế, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định này để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động", ông Cường nói. Cũng theo ông Cường, thời gian tới, Liên đoàn Lao động huyện sẽ làm việc với Công ty TNHH GFT Việt Nam để làm rõ những vấn đề người lao động phản ánh.
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ thời gian lao động không quá 8 giờ/ngày, không quá 48 giờ/tuần; số giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, một số ngành nghề được làm thêm tối đa không quá 300 giờ/năm. Nếu lấy mức tối đa, trung bình mỗi tháng người lao động cũng không được làm thêm quá 25 giờ. Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác. Theo phản ánh của công nhân, mỗi ngày công nhân Công ty TNHH GFT Việt Nam phải làm thêm từ 3 - 4 giờ, vượt nhiều lần so với quy định. Có thể việc tăng ca chỉ rơi vào một số thời điểm khi công ty nhiều hàng, cần xuất hàng gấp. Tuy nhiên, làm thêm quá nhiều đã khiến công nhân mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/dieu-tra/met-moi-vi-lam-them-nhieu-169196