Meta chia sẻ hệ điều hành Quest cho các nhà sản xuất thiết bị bên thứ ba
Hệ điều hành Meta Horizon OS mang lại các khả năng như nhận dạng cử chỉ, nghe xuyên âm, hiểu bối cảnh và liên kết không gian với các thiết bị chạy trên hệ điều hành.
Meta Platforms lần đầu tiên chia sẻ hệ điều hành của tai nghe Quest với các nhà sản xuất thiết bị đối thủ, bao gồm cả Microsoft, trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của hãng trong ngành công nghiệp thực tế ảo và thực tế hỗn hợp đang nổi lên.
Theo thông báo của Meta ngày 22/4, hãng sẽ cho phép các công ty đối tác sử dụng hệ điều hành Meta Horizon OS để phát triển thiết bị tai nghe của họ. Hệ điều hành này mang lại các khả năng như nhận dạng cử chỉ, nghe xuyên âm, hiểu bối cảnh và liên kết không gian với các thiết bị chạy trên hệ điều hành.
Meta Horizon OS bao gồm Horizon Store, được đổi tên từ Quest Store, để tải xuống các ứng dụng và trải nghiệm. Nền tảng này sẽ hoạt động cùng với một ứng dụng đồng hành trên thiết bị di động hiện được gọi là ứng dụng Meta Horizon.
Theo Meta, các đối tác Asus và Lenovo sẽ sử dụng hệ điều hành này để xây dựng các thiết bị phù hợp cho các hoạt động cụ thể. Meta cũng đang sử dụng hệ điều hành này để tạo ra một phiên bản giới hạn của tai nghe Quest được lấy cảm hứng từ máy chơi game Xbox của Microsoft.
Động thái trên của Meta thể hiện tham vọng của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg trong việc sở hữu nền tảng điện toán cung cấp năng lượng cho các thiết bị thực tế ảo (VR) và thực tế hỗn hợp (MR), tương tự cách Google của Alphabet trở thành "ông lớn" trong thị trường điện thoại thông minh qua việc biến hệ điều hành Android trên thiết bị di động thành mã nguồn mở.
Mảng kinh doanh VR của Meta là một trong những bên hưởng lợi từ chiến lược của Google, vì bản thân Meta Horizon OS cũng dựa trên Android.
Theo Meta, Republic of Gamers của ASUS đang phát triển một tai nghe chơi game và Lenovo đang phát triển một thiết bị MR phục vụ sản xuất và học tập và giải trí sử dụng Horizon OS.
CEO Zuckerberg cho biết có thể mất vài năm để ra mắt các thiết bị này. Cho đến nay, tai nghe VR và MR có tỷ lệ sử dụng hạn chế, chủ yếu được cộng đồng game thủ và một số doanh nghiệp chọn lọc sử dụng để đào tạo hoặc phục vụ hội nghị từ xa.
Meta hiện là đơn vị dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này nhưng đang bắt đầu phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Đối thủ lâu năm của hãng là Apple đã tham gia thị trường vào đầu năm nay với tai nghe Vision Pro giá 3.499 USD, trong khi Google cũng được cho là đang phát triển một nền tảng Android cho các thiết bị VR và MR./.