Metro - ước mơ đang thành hiện thực

Hiện nay, tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2A (Cát Linh - Hà Đông) đang được thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông - Vận tải tập trung tháo gỡ những vướng mắc để sớm đưa vào hoạt động. Các cơ quan chức năng cũng dự kiến sẽ đưa tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) vào khai thác trong năm 2021. Vậy là ước mơ metro của bao thế hệ người Hà Nội đang dần thành hiện thực.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Lâm Tùng

1. Năm 1989, tôi được cơ quan cử sang Liên Xô công tác. Những năm đó có thể nói là thời điểm cực kỳ khó khăn của nước ta cũng như với mỗi gia đình, mỗi cán bộ, công nhân, viên chức…

Bối cảnh nước nhà như thế nên khi đến Mátxcơva, dù chứng kiến nước bạn cũng bắt đầu phải vật lộn với khó khăn về kinh tế, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước những tòa nhà cao tầng san sát mà người Việt mình gọi là “ốp”, “đôm”. Tôi ngạc nhiên trước những trạm bán nước tự động với giá 2 cô pếc (tiền xu của Liên Xô cũ) một cốc cơ vát mát lịm, chua chua. Tôi lạ lẫm trước những chuyến xe buýt bóng loáng, rộng thênh thang, cứ 15 phút có một chuyến dù trên xe chỉ dăm ba hành khách (những lúc ấy lại chạnh nhớ ở quê nhà, để lên được trên những chuyến xe buýt sơn bong tróc, cửa long sòng sọc mà khách đi xe gọi là “chuồng gà bay”, phải chen chúc toát mồ hôi, thậm chí rách áo. Lên xe rồi lại tiếp tục đứng mỏi chân giữa đám đông với nỗi lo mất ví). Song ngỡ ngàng hơn cả là lần đầu được chạm chân lên tàu điện ngầm Mátxcơva.

2. Nơi tôi ở chỉ cách ga metro Rítxkaia chừng 200m. Trước cửa ga là quảng trường rộng. Chỉ mất 10 cô pếc mua vé rồi xuống thang trượt là có thể ung dung ngồi tàu điện ngầm đến bất kỳ nơi nào ở Mátxcơva, kể cả những điểm tham quan, giải trí như Công viên Văn hóa, Sân vận động Brônưi, Quảng trường Đỏ hay phố Arbat có Nhà lưu niệm thi hào Puskin…

Nửa năm ở Mátxcơva tôi gần như “nghiện” metro. “Nghiện” cả những dáng người bất kể già trẻ, trai gái cứ yên vị trên ghế là mở sách đọc chăm chú. “Nghiện” tiếng “danse” trên loa thông báo ga tiếp theo. “Nghiện” hình dáng khí động học của con tàu trong ánh điện chói lòa khi dừng mỗi ga 2 phút, rồi lại lao đi vun vút với tốc độ 80km/giờ vào khu gian tiếp theo...

“Nghiện” và yêu cái phương tiện giao thông hiện đại, tiện lợi này nên tôi tìm hiểu và biết rằng Mátxcơva bắt đầu xây dựng hệ thống metro từ gần 90 năm trước. Tuyến metro đầu tiên được khởi công tháng 11-1931 và sau 4 năm đã được đưa vào vận hành. Đến năm 1989 mạng lưới metro Mátxcơva đã có 12 tuyến, tổng chiều dài 301km, trở thành niềm tự hào của người Mátxcơva.

Nghe nói năm 2020 này, Mátxcơva dự định xây dựng thêm một số tuyến tàu điện ngầm nữa, nâng tổng số chiều dài metro của thành phố lên 451km với 252 ga. Với khoảng 800 đoàn tàu (7 toa/ đoàn), trong một ngày, từ 5h sáng hôm trước đến 1h sáng hôm sau, metro Mátxcơva đáp ứng sự đi lại của gần 9 triệu lượt người (nhiều hơn dân số Hà Nội). Thử hình dung nếu ngần ấy người không đi metro thì Mátxcơva sẽ chật chội, ách tắc đến dường nào?

Không chỉ là mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, metro Mátxcơva còn được xếp hàng đầu trong hệ thống metro thế giới bởi sự kỳ vĩ. Mỗi ga là một công trình kiến trúc đạt độ thẩm mỹ cao - được ví như những “cung điện dưới lòng đất”, đồng thời là một “bảo tàng” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa. Ga Bêlôrútxcaia cách nơi tôi ở 2 ga, được xây dựng năm 1952 với trần lát đá hoa cương và trang trí nhiều bức tranh nổi tiếng của danh họa Kramxkôi, Lêvitan… Ga Quảng trường Cách mạng có 76 bức tượng bằng đồng mô tả công - nông - binh, trong đó tượng chú chó đứng cạnh chiến sĩ Hồng quân được khách đi metro sờ đầu lấy may đến nhẵn bóng. Ga Avto Zavot nằm lộ thiên trên cao, giữa rừng thông xanh rờn, chói chang ánh nắng…

Sau này, trong các chuyến công tác hay đi du lịch tôi cũng được trải nghiệm metro ở Thượng Hải, Paris, Singapore…, thế nhưng trong mắt tôi, hệ thống tàu điện ngầm Mátxcơva vẫn ở tầm cao khó vượt đối với bất kỳ metro ở nơi nào trên thế giới.

3. Năm 2008, gia đình tôi đi du lịch Singapore. Vừa đặt chân đến đảo quốc Sư tử, vợ tôi đã thốt lên: “Sao thành phố này vắng lặng thế?”. Đến khi xuống metro mới thấy không chỉ có những chuyến tàu điện ngầm lao vun vút mà cả một đô thị ngầm dưới lòng đất với các cửa hàng, siêu thị, khu vui chơi của thanh, thiếu niên. Diện tích Singapore chưa bằng ¼ diện tích Hà Nội, dân số khoảng 6 triệu người, vậy mà thời điểm ấy đã có tới 4 tuyến metro, đánh dấu bằng 4 màu xanh, đỏ, vàng và tím (hiện nay là 5 tuyến với tổng chiều dài 148,9km và 102 nhà ga). Lúc ấy nghe giải thích, vợ tôi “ồ” lên: “Giá Hà Nội cũng có metro thì đâu đến nỗi tắc đường!”.

Câu cảm thán ấy cũng chính là niềm mong mỏi của tôi kể từ lần đầu “chạm mặt” metro Mátxcơva, có lẽ cũng là mơ ước của nhiều người Hà Nội và cả nước nói chung.

Mới đây, tôi có chuyến làm việc tại tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội), một trong 2 tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô. Tình cờ tuyến này có những thông số kỹ thuật xấp xỉ tuyến metro đầu tiên ở Mátxcơva (dài 12,5km với 12 ga; còn tuyến đầu tiên của Mátxcơva dài 11,5km với 13 ga). So với tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông hoàn toàn chạy nổi thì trong 12,5km chiều dài của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội có 8km chạy trên cao và 4,5km ngầm.

Dự án tuyến số 3 khởi công đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn như suy thoái kinh tế, giải phóng mặt bằng, kết nối giao thông, dịch bệnh…, đặc biệt đây là lần đầu các kỹ sư, công nhân người Việt được làm quen và ứng dụng công nghệ khoan ngầm, song đến nay tất cả hạng mục đã hoàn thành 60%-70% khối lượng.

Hiện các nhà thầu đang nỗ lực để bảo đảm tiến độ đón nhận các toa tàu vào tháng 10-2020 và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2021. Công suất tối đa mỗi đoàn tàu 4 toa chở được 916 hành khách và 1.155 hành khách cho đoàn tàu 5 toa, tốc độ tối đa đạt 80km/h, tốc độ khai thác bình thường 35km/h.

PGS.TS Doãn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam xúc động chia sẻ: “Thật may mắn là nhờ dự án tuyến số 3 mà kỹ sư, công nhân Việt Nam được làm quen và dần dần làm chủ công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay”.

Vậy là chỉ nay mai thôi, những chuyến metro đầu tiên của Thủ đô sẽ chính thức khởi hành, mở đầu cho sự hình thành hệ thống giao thông công cộng hiện đại mang tên “Hà Nội Metro”. Trong tương lai không xa, khi cả 8 tuyến đường sắt đô thị đã hoàn thành xây dựng, đi vào khai thác với tổng chiều dài hơn 300km sẽ hình thành mạch máu giao thông chính của Thủ đô, tạo thành vòng tròn khép kín, kết nối trung tâm nội thành với các vùng phụ cận, các đô thị vệ tinh, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân.

Không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội còn được kỳ vọng làm thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân và văn hóa giao thông của người dân bởi những tiện ích mà nó mang lại. Đặc biệt, hệ thống metro còn góp phần thay đổi đáng kể diện mạo của thành phố nghìn năm tuổi theo hướng văn minh, hiện đại.

Nguyễn Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/972464/metro---uoc-mo-dang-thanh-hien-thuc