Mexico căng thẳng vì kế hoạch cải tổ tư pháp

Ngày 25.8, người dân trên khắp Mexico đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của Tổng thống López Obrador, cho rằng kế hoạch này sẽ ảnh hưởng tới nguyên tắc cân bằng giữa các cơ quan quyền lực nhà nước. Những diễn biến này làm dấy lên lo ngại về ổn định xã hội trong bối cảnh chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống.

Người dân biểu tình, thẩm phán đình công

Trong ngày 25.8, người dân Mexico đã xuống đường biểu tình tại thủ đô cũng như tại các thành phố Michoacan, Puebla, Leon, Jalisco, Oaxaca, Veracruz và các tiểu bang khác để bày tỏ sự bất bình trước khả năng Quốc hội xem xét kế hoạch cải cách tư pháp, do đảng Phong trào Tái thiết quốc gia (Morena) cầm quyền của Tổng thống López Obrador khởi xướng. Điểm nổi bật của kế hoạch cải cách là quy định các thẩm phán sẽ được bầu trực tiếp. Tại thủ đô, những người biểu tình, nhiều người trong số họ là nhân viên tòa án liên bang và thẩm phán, tuần hành bên ngoài Tòa nhà Tòa án tối cao ở trung tâm thành phố, vẫy cờ có dòng chữ “Độc lập tư pháp”.

Hạ viện khóa mới của Mexico sẽ băt đầu nhóm họp vào ngày 1.9 tới. Ảnh: AP

Hạ viện khóa mới của Mexico sẽ băt đầu nhóm họp vào ngày 1.9 tới. Ảnh: AP

Trước đó, ngày 19.8, một nhóm công đoàn đại diện cho nhân viên ngành tư pháp đã phát động đình công “vô thời hạn” trên cả nước. Trong tuyên bố chung, nhóm công đoàn đại diện cho khoảng 55.000 nhân viên tư pháp Mexico phản đối đề xuất cải tổ ngành tư pháp, cho rằng kế hoạch này có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của các thẩm phán trong quá trình thực thi nhiệm vụ, có thể "tạo ra kẽ hở để những băng đảng và kẻ xấu lợi dụng các thẩm phán thiếu kinh nghiệm".

“Hiện tại, chúng tôi đang phản đối các biện pháp cải tiến mà thực chất là cải lùi”, luật sư Mauricio Espinosa cho biết. “Đó là tất cả các cuộc tấn công vào ngành tư pháp và các cơ quan giám sát khác trong khi củng cố quyền lực của cơ quan hành pháp”.

Kế hoạch cải tổ gây tranh cãi

Các biện pháp cải tổ ngành tư pháp của Tổng thống López Obrador nằm trong kế hoạch sửa đổi 20 điều mục trong Hiến pháp. Một trong số đó quy định tất cả các thẩm phán, bao gồm cả các thẩm phán Tòa án tối cao, sẽ được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu; và các ứng cử viên sẽ do tổng thống đề cử và phải được Quốc hội thông qua.

Các học giả, tổ chức tài chính và nhân viên tòa án cho biết những thay đổi này sẽ mở đường cho việc đưa các thẩm phán thiên vị chính trị vào tòa án, thậm chí những thế lực băng đảng có ảnh hưởng cũng có thể tác động những vị trí thẩm phán được bầu này. Ngoài ra, họ lo ngại điều này có thể trao cho cơ quan hành pháp quyền kiểm soát cả ba nhánh quyền lực và phá vỡ chế độ giám sát và cân bằng quyền lực.

Lâu nay, Tổng thống López Obrador luôn bất đồng quan điểm với ngành tư pháp; một trong những mâu thuẫn mới nhất giữa tổng thống và ngành tư pháp là việc hồi tháng 5.2024, Tòa án tối cao bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo hủy bỏ một số cải cách luật bầu cử được Tổng thống Andrés Manuel López Obrador ủng hộ. Tòa án cho rằng, quy trình bỏ phiếu tại Quốc hội là vi Hiến bởi thông qua những sửa đổi này mà không hề đưa ra tranh luận. “Thời gian từ khi dự luật được gửi đến Quốc hội cho đến lúc được thông qua chưa đến 3 tiếng”, Thẩm phán Jorge Pardo của Tòa án tối cao cho biết.

Bên cạnh kế hoạch cải cách tư pháp, dân chúng cũng bất bình trước quyết định mới đây của Ủy ban Hiến pháp Hạ viện, xóa bỏ 7 cơ quan giám sát độc lập, bao gồm Viện Minh bạch, tiếp cận thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; Viện Viễn thông liên bang và Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; Ủy ban Thẩm định chính sách phát triển xã hội; Ủy ban Điều độ năng lượng quốc gia; Ủy ban Hydrocarbon quốc gia; Ủy ban Nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia. Tổng thống López Obrador cho rằng, việc duy trì các cơ quan này là lãng phí ngân sách và không hiệu quả; theo ông, trách nhiệm giám sát nên được trao cho chính các cơ quan của chính phủ để họ tự giám sát.

Điều kiện để được thông qua

Bất kỳ kế hoạch sửa đổi Hiến pháp nào cũng cần nhận được sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ tại Quốc hội khóa mới cũng như phải được tổng thống mới phê chuẩn.

Vào ngày 23.8 vừa qua, Viện Bầu cử Mexico đã bỏ phiếu trao cho đảng cầm quyền Morena và các đồng minh khoảng 73% số ghế tại Hạ viện, mặc dù liên minh này giành được chưa đến 60% số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 2.6. Nếu phán quyết được chấp thuận, đảng Morena và các đồng minh sẽ có khoảng 364 ghế trong cơ quan lập pháp gồm 500 ghế, vượt qua tỷ lệ cần thiết để thông qua bất kỳ sửa đổi Hiến pháp nào.

Tại Thượng viện, đảng Morena và các đồng minh cũng không nắm quyền kiểm soát 2/3 số ghế, nhưng họ chỉ thiếu 2 - 3 ghế nữa và điều này sẽ không gặp khó khăn nhờ sự ủng hộ của một đảng nhỏ.

Và mặc dù Tổng thống Obrador sẽ chấm dứt nhiệm kỳ 6 năm vào ngày 30.9 nhưng người kế nhiệm ông, bà Claudia Sheinbaum - một đồng minh thân cận của ông - tuyên bố sẽ ủng hộ kế hoạch sửa đổi 20 điều khoản của Hiến pháp, bao gồm các quy định liên quan đến ngành tư pháp.

Cần đối thoại và cải cách từ từ

Kế hoạch cải cách tư pháp, trong khi đang chờ được trình lên Quốc hội khóa mới, đã gây ra phản ứng từ các nhà đầu tư và tổ chức tài chính; đồng peso Mexico cũng liên tục giảm giá trên thị trường tiền tệ. Cuối tuần trước, đồng peso đóng cửa ở mức 18,36 đổi 1USD, giảm khoảng 10% so với mức của tuần trước cuộc bầu cử. Cổ phiếu Mexico cũng đóng cửa ở mức giảm khoảng 2,7% vào ngày 23.8.

Ngân hàng Morgan Stanley, một chế định tài chính quốc tế quan trọng, đã hạ cấp khuyến nghị đầu tư vào Mexico, nói rằng việc cải tổ sẽ "gia tăng tăng rủi ro" đối với lĩnh vực tài chính. Gabriela Siller, Giám đốc phân tích tại Banco Base có trụ sở tại Nuevo Leon, cho biết: “mọi thứ đều cho thấy tình hình biến động trên thị trường tài chính Mexico sẽ còn tiếp tục”.

Trước diễn biến trên, Tổng thống mới đắc cử, bà Sheinbaum cho biết, đã nói chuyện qua điện thoại hoặc trực tiếp với các quan chức của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và người đứng đầu Công ty đầu tư BlackRock trong nhiều ngày liền. Bà cũng khẳng định kế hoạch cải cách vẫn chưa được quyết định và cần đối thoại nhiều hơn nữa để tìm ra tiếng nói chung.

Là người sẽ tiếp quản quyền lãnh đạo từ ngày 1.10 tới, bà Sheinbaum đã khuyên Tổng thống Obrador nên cải tổ một cách từ từ vì lo ngại phản ứng dữ dội từ công chúng sẽ dẫn đến căng thẳng xã hội ngay trong giai đoạn đầu nắm quyền. Tuy nhiên, ông Obrador đã bác bỏ điều này và khẳng định mọi thứ sẽ được tiến hành theo kế hoạch. Tuyên bố của ông làm dấy lên câu hỏi Tổng thống mãn nhiệm sẽ có ảnh hưởng như thế nào sau khi bà Sheinbaum nhậm chức.

Quốc Đạt (Theo AP, Los Angeles Times)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/mexico-cang-thang-vi-ke-hoach-cai-to-tu-phap-i386066/