Mexico dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 ở mức 3%
Theo dự thảo đầu tiên về ngân sách năm 2024 do Bộ Tài chính Mexico công bố, Mexico sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay và năm tới, với lạm phát giảm xuống 4%.
Bên cạnh đó, lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh dự kiến sẽ giảm xuống 5% vào cuối năm nay và đạt 4% vào cuối năm 2024, hiện lạm phát tại quốc gia này đang ở mức 7,12% vào đầu tháng 3.
Con số này cao hơn một chút so với ước tính của ngân hàng trung ương Mexico (Banxico), ngân hàng này dự kiến lạm phát trung bình là 4,8% trong quý IV và 3,1% trong quý cuối cùng của năm 2024.
Kế hoạch của chính phủ cho năm 2024 cho thấy, thặng dư cơ bản - không tính các khoản thanh toán lãi - tương đương 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng thâm hụt công là 2,7%. Đối với năm 2023, thâm hụt cơ bản sẽ bằng 0,1% GDP, tốt hơn một chút so với ước tính thâm hụt 0,2% ban đầu và tổng thâm hụt ngân sách là 3,7%.
Nền kinh tế Mexico đã gây bất ngờ trong năm ngoái khi có mức tăng trưởng GDP tốt hơn mong đợi ở mức 3,1%, mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Nhưng các nhà kinh tế lại dự đoán nền kinh tế này sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2023 khi Mỹ - đối tác thương mại số 1 của Mexico và cũng là nước nhập khẩu sản phẩm lớn nhất của Mexico - sẽ có thể rơi vào một cuộc suy thoái.
Theo các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát thì GDP của Mexico sẽ tăng 1,4% vào năm 2023, 1,9% vào năm 2024 và 2,2% vào năm 2025. Trong khi đó, việc các công ty tại nước này di chuyển về gần hơn với thị trường Bắc Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế.
Trong dự thảo ngân sách của mình, Bộ Tài chính cũng dự đoán rằng, giá dầu thô của Mexico sẽ ở mức 66,6 USD/thùng vào năm 2023 và 56,3 USD/thùng vào năm 2024. Trước đó vào giai đoạn giá năng lượng biến động mạnh, chính phủ nước này đã tìm cách kiểm soát giá cả bằng cách hỗ trợ người dân bằng các khoản tiền trợ cấp cho người tiêu dùng.
Sản lượng dầu dự báo của Mexico là 1,877 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,914 triệu thùng/ngày trong năm tới. Xuất khẩu dầu thô ước đạt 800.000 thùng/ngày cho năm 2023 và 786.000 thùng/ngày trong năm tới. Chính phủ đã nhiều lần trì hoãn kế hoạch chấm dứt việc xuất khẩu dầu thô như một phần trong nỗ lực giúp đất nước tự túc trong sản xuất nhiên liệu.
Trước đó, Bộ Tài chính Mexico cho biết, nước này đã thu hút được 35,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2022, tăng 12% so với năm 2021, đây cũng là mức cao nhất của quốc gia Mỹ Latinh này kể từ năm 2015.
Nước này cho biết, số liệu FDI trong năm 2022 được ghi nhận từ 3.485 công ty Mexico có vốn đầu tư nước ngoài, 5.739 hợp đồng ủy thác đầu tư và 24 tập đoàn sở hữu 100% vốn đầu tư nước ngoài.