Mexico tiếp nhận đơn xin tị nạn cao kỷ lục
Ngày 22/9, quan chức phụ trách đơn vị điều phối của Ủy ban Hỗ trợ người tị nạn Mexico (COMAR), ông Andres Ramirez Silva, thông báo từ đầu năm đến nay, quốc gia này đã tiếp nhận 77.559 đơn xin tị nạn của người di cư từ 99 quốc gia trên thế giới, con số cao nhất từ trước tới nay. Các văn phòng tiếp nhận và xử lý đơn xin tị nạn đang trong tình trạng quá tải vì thiếu nhân sự.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, Viện Di trú Mexico cho biết dòng người di cư bất hợp pháp, phần lớn đến từ các quốc gia Trung Mỹ. Đáng chú ý, làn sóng người di cư Haiti tràn qua lãnh thổ Mexico để tìm tới Mỹ tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay. Viện Di trú cảnh báo Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) của Mỹ không phải là một cánh cửa vào "xứ cờ hoa" và các tổ chức tội phạm buôn người đã lừa gạt người di cư hòng trục lợi.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của chính phủ ngày 22/9, Bộ trưởng An ninh Mexico Rosa Icela Rodriguez cho biết kể từ tháng 1-8/2021, nước này ghi nhận 1.232 vụ buôn người, tăng gần 228% so với mức 376 vụ trong cùng kỳ năm 2020.
Trước thực trạng trên, Tổng thống Mexico Andres Manuel López Obrador đã kêu gọi người đồng cấp Mỹ Joe Biden nhanh chóng đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực Trung Mỹ nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư trái phép tăng mạnh trong những tháng gần đây. Nhà lãnh đạo Mexico đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tại Trung Mỹ và khu vực miền Nam nước này nhằm tạo ra một “bức tường thịnh vượng” để hạn chế làn sóng di cư từ khu vực này.
Theo các tổ chức nhân quyền, mỗi năm, hàng trăm nghìn người di cư Trung Mỹ vượt qua Mexico để tìm đường tới Mỹ trong những hành trình dài đầy nguy hiểm. Họ có nguy cơ cao bị các băng nhóm tội phạm có tổ chức bắt cóc và sát hại.
Trong diễn biến có liên quan, cơ quan chức năng Mỹ và Mexico ngày 22/9 cho biết sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hồi hương người di cư Haiti đang tập trung tại các lán trại tạm trú không đảm bảo điều kiện sống cơ bản ở thị trấn Del Rio thuộc bang Texas (Mỹ) và thành phố Ciudad Acunã ở bang Cuahuila (Mexico).
Trước đó, ngày 21/9, Mỹ đã di dời khoảng 4.000 người Haiti lưu trú dưới một cây cầu ở thị trấn Del Rio. Dự kiến, số người này sẽ bị trục xuất trong 4 chuyến bay tới. Trong khi đó, sau khi thảo luận với Chính phủ Haiti, cơ quan chức năng Mexico đã bắt đầu hồi hương và di chuyển người di cư Haiti đến các thành phố ở hai bang miền Nam gồm Chiapas và Tabasco.
Bất chấp việc Mỹ đóng cửa biên giới và tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu giữa thành phố Ciudad Acunã và thị trấn Del Rio cũng như các biện pháp ngăn chặn của chính quyền Mexico, dòng người di cư chủ yếu là công dân Haiti vẫn tiếp tục đổ về khu vực biên giới chung. Số lượng người di cư hiện lên đến gần 15.000 người. Trước tình hình này, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken để thảo luận các biện pháp giải quyết khủng hoảng di cư, qua đó nhất trí cần phải có hành động chung trong cả khu vực để ngăn chặn làn sóng này.
Trong khi đó, thanh tra Carlos Camargo của Tổ chức bảo vệ nhân quyền Colombia cho biết gần 19.000 người di cư, chủ yếu là người Haiti, đang mắc kẹt tại một cảng biển ở phía Bắc Colombia để chờ đợi được đưa lên tàu tới khu vực biên giới với Panama.
Theo thỏa thuận giữa Chính phủ Colombia và Panama, số lượng người di cư được phép quá cảnh tối đa là 650 người/ngày. Hiện số người di cư Haiti trên đang trong quá trình chờ nhận phiếu lên tàu đi tới làng Acandi giáp biên giới với Panama. Tuy nhiên, thanh tra Camargo tiết lộ các doanh nghiệp khai thác vận tải đường biển bằng các xuồng và tàu cỡ nhỏ chỉ bán ra khoảng 250 vé mỗi ngày. Do số người di cư quá cảnh đang tăng mạnh những ngày gần đây, đã xảy ra tình trạng nhiều người mắc kẹt chưa thể lên tàu.
Khu vực thị trấn Necocli nơi có cảng biển nói trên là một trong những điểm trung chuyển chính của người di cư đến từ Haiti, châu Phi và châu Á tìm cách nhập cảnh vào Mỹ. Trong những tháng gần đây, hàng chục nghìn người di cư, đặc biệt là người Haiti, đã qua Colombia để tìm cách tới khu vực biên giới giữa Mexico và Mỹ.