Mexico trở thành điểm sáng trong xuất khẩu cá tra của Việt Nam

Trong 7 tháng năm 2022 xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico tăng trưởng 73%, đạt 73,5 triệu USD, chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Mexico từ vị trí thứ 4 năm 2021 đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

Trong 7 tháng năm 2022 xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng trưởng 73%, đạt 73,5 triệu USD, chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Theo VASEP, sau khi tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, từ tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chủ lực như Mỹ bắt đầu chững lại vì lượng tồn kho đang tăng lên, tiêu thụ cũng chậm lại, giá cá cũng có dấu hiệu giảm.

Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Mexico vẫn giữ được phong độ tăng trưởng cao trong tháng 7, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt trên 11 triệu USD.

Về cơ cấu sản phẩm, cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Mexico chiếm 94% giá trị với 69 triệu USD, sản phẩm cá tra cắt khúc chiếm 6%, đạt 4,4 triệu USD.

Giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Mexico trong nửa đầu năm nay là 2,8 USD/kg, cao hơn 63,5% so với mức trung bình 1,71 USD/kg cùng kỳ năm 2021.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP (VASEP Pro) cho biết, tính đến thời điểm này, lạm phát tại Mexico đang tăng cao kỷ lục trong 22 năm qua. Người tiêu dùng Mexico phải cân nhắc và giảm chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm giá cao.

Với lợi thế về giá cạnh tranh, lại thêm thuận lợi thuế ưu đãi theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cá tra Việt Nam vẫn là sự lựa chọn ổn định của các nhà nhập khẩu thủy sản Mexico.

Trong bối cảnh đồng USD tăng giá so với nhiều đồng ngoại tệ khác là một thách thức cho các nhà xuất khẩu. Tại một số thị trường có đồng nội tệ mất giá, nhà nhập khẩu bị thiệt hại, nên sẽ cân đối kế hoạch nhập khẩu.

Thậm chí, đã có tình trạng nhà nhập khẩu “mặc cả hạ giá” hoặc đề nghị nhà xuất khẩu Việt Nam giao hàng chậm lại, khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu thêm chi phí lưu kho.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đối với thị trường Mexico, đồng USD tăng giá lại là một tin tốt vì Mexico là một trong số ít nước được nhận lượng kiều hối rất lớn từ Mỹ. Do vậy, tiêu dùng thực phẩm của thị trường này cũng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các thị trường khác.

Trước những lợi thế đó, nhiều doanh nghiệp cá tra cũng chuyển hướng từ một số thị trường khác sang Mexico. Nửa đầu năm nay, đã có 30 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mexico.

Trong số đó, 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cá Việt Nam và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang.

Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra tại Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Vĩnh Long cũng đang quan tâm đến Mexico và đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Với những tín hiệu khả quan trên, VASEP dự báo cả năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mexico sẽ mang về khoảng 125 triệu USD, tăng 80% so với năm 2021./.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/mexico-tro-thanh-diem-sang-trong-xuat-khau-ca-tra-cua-viet-nam/811836.vnp