Mì Omachi bị tiêu hủy ở Đài Loan: Bộ Công Thương và Masan Consumer nói gì?
Liên quan đến thông tin hơn 1,4 tấn mì ăn liền Omachi nhập khẩu từ Việt Nam bị thu hồi và tiêu hủy tại Đài Loan do chứa chất cấm, đại diện Masan Consumer khẳng định không trực tiếp xuất khẩu hoặc bán sản phẩm cho đối tác Qianyu. Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc yêu cầu doanh nghiệp này báo cáo cụ thể.
Masan nói không bán lô mì Omachi bị thu hồi ở Đài Loan
Đại diện Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) cho biết theo thông tin nhận được, ngày 23/8, website của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (TFDA) đăng tải thông tin 1.440 tấn mì Omachi xốt tôm chua cay do Công ty TNHH Qianyu nhập khẩu từ Việt Nam bị trả lại để tiêu hủy do có chất cấm ethylene oxide.
Ngay sau đó, Masan Consumer đã lập tức tiến hành các bước xác minh cần thiết.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy công ty không trực tiếp xuất khẩu hoặc bán sản phẩm mì Omachi xốt tôm chua cay cho đối tác Qianyu để xuất khẩu cho thị trường Đài Loan như thông tin cảnh báo của TFDA.
Do đó, Masan Consumer đang phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật hiện hành.
Theo Masan Consumer, do tiêu chuẩn quy định an toàn thực phẩm của mỗi nước là khác nhau nên các sản phẩm mì Omachi mà doanh nghiệp này sản xuất khi xuất khẩu cho từng quốc gia và các khu vực cũng khác nhau, nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường sở tại.
Tại Việt Nam, mì Omachi đáp ứng đầy đủ mọi quy định về an toàn thực phẩm và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Hiện sản phẩm được xuất khẩu chính thức và có mặt tại thị trường Mỹ, Canada, Nga, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…
Bộ Công Thương vào cuộc
Liên quan vụ việc, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã nắm thông tin này từ báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Đài Loan và đang xử lý theo quy định.
Bộ sẽ yêu cầu Masan Consumer có báo cáo cụ thể về vấn đề này và sau khi xác minh, làm rõ sẽ thông tin cụ thể.
Theo Bộ Công Thương, ethylene oxide và ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Việt Nam tính đến nay.
Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện cảnh báo có liên quan đến sản phẩm của Việt Nam trong năm 2021, các cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc để xác minh thông tin và nguyên nhân thông qua các hoạt động kiểm tra dây chuyền công nghệ và lấy mẫu giám sát chủ động trên diện rộng.
Đối tượng bao gồm các sản phẩm chế biến bột nói chung và các sản phẩm mì ăn liền nói riêng tại Việt Nam với 3 nhóm chính là sản phẩm được sản xuất trong nước; sản phẩm nhập khẩu; sản phẩm xuất khẩu để kiểm nghiệm, đánh giá tính an toàn.
Cũng theo Bộ Công Thương, ethylene oxide hay còn gọi là oxiran là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.
Ethylene oxide không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella).