Mía đường chuyển hướng trong gian khó

Khó khăn do cạnh tranh gay gắt với đường lậu và đường nhập khẩu từ nước ngoài theo các cam kết hội nhập, nhiều doanh nghiệp mía đường đang nỗ lực vượt khó bằng nhiều giải pháp.

Khó khăn do cạnh tranh gay gắt với đường lậu và đường nhập khẩu từ nước ngoài theo các cam kết hội nhập, nhiều doanh nghiệp mía đường đang nỗ lực vượt khó bằng nhiều giải pháp.

Giảm giá thành, đa dạng sản phẩm

Xác định sản xuất kinh doanh mía đường sẽ còn gặp nhiều khó khăn ở cả hiện tại và tương lai gần, để tìm giải pháp có thể tồn tại, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn La cho biết, công ty đã áp dụng rất nhiều giải pháp từ nhỏ đến lớn để giảm thiểu những chi phí không cần thiết, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm như: Cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện đại hơn; Thử nghiệm những cách vận hành dây chuyền sản xuất đạt hiệu quả tối ưu; Tìm những giống mía tốt nhất, phù hợp nhất với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng miền; Đưa những loại phân bón phù hợp với cây mía, hướng dẫn và trợ giúp bà con khoa học kỹ thuật trồng - chăm sóc để tăng năng suất…

Nhờ đó, đến nay, Mía đường Sơn La tự tin rằng hoàn toàn có khả năng cạnh tranh về giá khi có giá thành sản xuất ở mức thấp, tiệm cận với đường sản xuất tại Thái Lan.

Cũng nhằm hạ giá thành sản xuất, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh, Công ty CP mía đường Lam Sơn lại có hướng sản xuất khác hơn là chuyển sang phát triển một số sản phẩm sau đường như nước dinh dưỡng tế bào mía, sản xuất phân bón từ bã mía, sản xuất điện từ nhiệt lượng sinh ra trong quá trình sản xuất mía… Việc đa dạng hóa các sản phẩm này giúp công ty tận dụng một cách triệt để tất cả các phần của cây mía nhằm tăng hiệu quả thu hồi và hạ giá thành sản xuất đường. Nhờ đó, đến nay, công ty đang sở hữu bộ sản phẩm đường đa dạng và được nhiều khách hàng công nghiệp lớn lựa chọn là nhà cung cấp sản phẩm.

Đó là hai trong những giải pháp các doanh nghiệp mía đường đang kiên trì thực hiện để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trải qua hơn 25 năm thực hiện chương trình “Một triệu tấn đường”, ngành mía đường Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo thu nhập cho hơn 35 vạn hộ nông dân, chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Song, theo phân tích thị trường mía đường được đưa ra mới đây của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), sản lượng tiêu thụ đường sẽ tiếp tục giảm 100 nghìn tấn/năm trong 2020 và sản lượng sản xuất mía và đường cũng sẽ giảm trong niên vụ 2020/2021. Điều này xuất phát từ quy mô thị trường giảm vì ngành mía đường đang phải cạnh tranh với các nước khác như Thái Lan.

Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, đạt xấp xỉ 1,3 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm 2020. Ngoài ra, giá đường nhập khẩu cũng rất thấp, gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường cũng như các hộ nông dân trồng mía trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, vụ ép mía 2019/2020 của ngành đường Việt Nam chỉ đạt được sản lượng là 7,387,610 tấn mía, giảm 38,4% so với niên vụ trước và sản lượng đường đạt 79,169 tấn đường các loại, giảm 35,9% do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: thời tiết, dịch bệnh cũng như phải cạnh tranh với đường nhập khẩu khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực.

Kỳ vọng những tín hiệu vui từ thị trường

Cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, để bảo vệ lợi ích chính đáng cho ngành đường, ngày 21-9-2020, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Tới nay, Bộ Công thương đã gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc gồm: hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan; hành vi trợ cấp của Chính phủ Thái Lan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan; thiệt hại của ngành sản xuất đường mía của Việt Nam…

Với sự vào cuộc này, ông Thái Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đường Tuy Hòa kỳ vọng, khi có kết quả điều tra chống bán phá giá thì thị trường đường Việt Nam sẽ khởi sắc hơn. Bởi theo ông Hùng, trình độ sản xuất mía và đường của nông dân và doanh nghiệp Việt Nam không hề thua kém các nước khác nên hoàn toàn tự tin cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà.

Doanh nghiệp mía đường cũng đang đợi chờ những tín hiệu vui từ thị trường khi dưới tác động của dịch Covid-19 và lũ lụt, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu đường nhằm dự trữ lương thực thiết yếu; trong đó có đường từ Việt Nam. Đây là cơ hội lớn trong ngắn hạn cho các doanh nghiệp đường Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp đường tại miền bắc, có vị trí địa lý gần với biên giới Trung Quốc.

Còn trong dài hạn, thị trường EU sẽ đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có bộ sản phẩm đường và sau đường đa dạng, đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng. Các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) dẫn chứng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 sẽ đem lại cơ hội xuất khẩu cho ngành đường Việt Nam khi quy định hạn ngạch xuất khẩu 20 nghìn tấn đường các loại và 400 tấn đường đặc biệt từ Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế. Thuế xuất khẩu ngoài hạn ngạch vẫn được tính với thuế suất 339 EUR/tấn đối với đường thô và 419 EUR/tấn đối với đường luyện.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng đường nhập khẩu của EU trong niên vụ 2020-2021 ước đạt 2,1 triệu tấn (-8,7%), tương ứng với khoảng 11,3% sản lượng đường tiêu thụ trong khu vực. Để đạt được lợi thế cạnh tranh tại thị trường này, các sản phẩm nông sản (bao gồm mặt hàng đường) cần bảo đảm được các yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, do mức tiêu thụ đường bình quân đầu người tại EU đã ở mức cao (35 kg/người/năm, cao hơn mức trung bình thế giới 22,6 kg/người/năm), nhu cầu sử dụng đường của thị trường này đang hướng đến các sản phẩm cao cấp như đường organic, đường ăn kiêng, đường có bổ sung thêm dưỡng chất... Đây là những sản phẩm có giá bán cao, tỷ suất lợi nhuận đạt từ 35-40%, là cơ hội để doanh nghiệp mía đường Việt Nam đa dạng hóa thị trường, tìm thêm cơ hội trong gian khó.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/mia-duong-chuyen-huong-trong-gian-kho-626475/