Michelangelo nhận thù lao ra sao khi tạc tượng David?

Michelangelo đã bỏ dở một hợp đồng giá trị để tạc tượng David với thù lao thấp hơn nhiều (làm trong hai năm, lương và tiền công mỗi tháng sáu đồng florin vàng).

Vào tháng 3/1501, khi danh tiếng của Đức Mẹ sầu bi lan ra mọi ngõ ngách của Italy và xa hơn thế, Michelangelo trở về Florence với một túi tiền đầy và cái đầu ngẩng cao.

Việc có được một bước đi tài chính vững chắc giúp xoa dịu sự trở về của ông, nhưng ta không nên đánh giá thấp tác động tâm lý của chiến thắng gần đây ông đạt được. Ông sẽ đặt chân trở lại quê nhà như một người anh hùng chinh phạt chứ không phải một kẻ thất bại.

[...]

Bất chấp mọi chuyện, Michelangelo vẫn hết mình vì cha. Nhu cầu làm hài lòng người đàn ông hà khắc này, cho cha thấy lựa chọn nghề nghiệp của ông sẽ không làm ô danh dòng họ Buonarroti, tiếp lửa cho tham vọng cháy bỏng của ông. Trở về quê cha với thành công được thừa nhận là điều tối quan trọng trong sự nhận thức về bản thân của ông, nhưng vẫn chưa đủ nếu không có triển vọng về một công việc danh giá.

Ngay từ đầu, cái tên Michelangelo đã đứng đầu trong danh sách các nhà điêu khắc được những người giám sát của nhà thờ chính tòa cân nhắc; không mấy ai có đủ cả kỹ năng và khát khao chinh phục nhiệm vụ khó khăn để đục đẽo cột đá khổng lồ.

Mặc dù Vasari xác nhận sự trở về của Michelangelo là để ngăn chặn phần thưởng thuộc về tay Leonardo, chẳng có bằng chứng nào cho thấy vị nghệ sĩ tiền bối cũng theo đuổi dự án này.

Vào ngày 16/8/1501, sau bốn tháng xem xét kỹ lưỡng, ban thư ký của Opera del Duomo đã soạn thảo một hợp đồng “tuyên bố Michelangelum Lodovici Bonarroti, công dân của Florence, sẽ thực hiện và triển khai và hoàn thiện một nhân vật một cách hoàn hảo, được gọi là Người khổng lồ... cao chín braccie, trưng bày sẵn trong Opera... trong vòng hai năm, bắt đầu từ tháng 9 tới, với lương và tiền công mỗi tháng sáu đồng florin vàng”.

 Hình ảnh Michelangelo đang sáng tạo trong bộ phim Michelangelo Infinito. Ảnh: wetheitalians.

Hình ảnh Michelangelo đang sáng tạo trong bộ phim Michelangelo Infinito. Ảnh: wetheitalians.

Kỳ lạ là chỉ ba tháng trước đó Michelangelo đã đến Siena để nhận một đặt hàng từ Hồng y [Francesco Todeschini] Piccolomini nhằm cung cấp 15 bức tượng cho một tượng đài ở Nhà thờ chính tòa Siena để vinh danh người bác của ông, Giáo hoàng Pius II.

Hợp đồng không chỉ quy định rằng “chúng phải đạt được chất lượng tuyệt vời hơn, được thực hiện tốt hơn, và trau chuốt hoàn hảo hơn những tác phẩm điêu khắc hiện đại có ở Rome ngày nay”, mà Michelangelo còn hứa “không nhận bất kỳ công việc điêu khắc cẩm thạch nào khác hay bất cứ thứ gì có thể khiến ông chậm trễ”.

Việc Michelangelo vi phạm điều khoản hợp đồng đó khi nhận tạc tượng David, chứng tỏ nhu cầu gần như bức thiết của ông luôn nhắm tới những đỉnh cao nghệ thuật tiếp theo trước cả khi vượt qua cái đầu tiên. Bằng chứng cho thấy ông đã “mắt to hơn bụng” là sau nhiều năm trì hoãn, ông chỉ có thể hoàn thiện được bốn bức tượng đề xuất, và đó là với sự giúp đỡ đáng kể của các trợ lý. [...]

Chính đơn đặt hàng tượng David mới là thứ khiến ông phấn khích, và Michelangelo sẵn sàng mạo hiểm chọc tức vị hồng y để được tạc tượng một nhân vật thách thức những người khổng lồ vĩ đại của thế giới cổ đại và củng cố thêm danh tiếng của ông cả ở Florence và bên ngoài.

Khi lừa dối Hồng y, Michelangelo cũng phản bội chính mình. Niềm tin vào khả năng của bản thân đã thúc đẩy ông hứa hẹn nhiều hơn những gì có thể thực hiện, một thói quen vừa thiếu trung thực vừa tự làm hại bản thân. Theo đuổi tác phẩm David trong khi bỏ bê lăng mộ Piccolomini là một quyết định công việc khó hiểu một cách điển hình vì ông đã được hứa trả 500 ducat để hoàn thiện công trình lăng mộ, trong khi chỉ nhận được sáu florin mỗi tháng cho tác phẩm kia, số tiền chẳng bằng một nửa mức thù lao trên.

Lý giải rộng lượng nhất cho hành vi của Michelangelo là ông hào hứng giúp đỡ quê hương trong lúc khó khăn. David là một biểu tượng đầy thuyết phục về ý chí và nghị lực của Florence, trong khi tượng cho khu mộ Piccolomini chỉ là một trong số những dự án phù phiếm cho một Hoàng từ giàu có của Giáo hội.

Bất kể xa quê bao lâu, Michelangelo luôn cống hiến hết mình cho Florence, và những khía cạnh của lòng yêu nước trong đơn đặt hàng này chắc chắn đã hấp dẫn ông. Nhưng ông cũng bị quyến rũ bởi thách thức thuần túy vị nghệ thuật của việc tạc một tượng khổng lồ trong lĩnh vực này.

Michelangelo không chỉ có tham vọng cá nhân mà còn quyết tâm nâng cao chuyên môn của mình. Còn có cơ hội nào để đạt được mục tiêu này tốt hơn việc tạo ra một tượng đài sẽ gây sững sờ, truyền cảm hứng và sự kinh ngạc?

Sự quan tâm tới dự án này đã ở mức cao. Người Florence luôn coi trọng nghệ thuật và trung thành với di sản văn hóa ngay cả khi của cải của họ ở những lĩnh vực khác bị suy giảm. Đầu năm đó Leonardo đã mở cửa xưởng của ông để trưng bày sáng tác mới nhất, một bức vẽ Đức Mẹ và Thánh Anne cho bức tranh thờ ông đang thực hiện tại Tiểu Vương cung thánh đường Santissima Annunziata.

Theo Vasari, “già trẻ, gái trai, liên tiếp trong hai ngày đổ xô đến để được xem căn phòng nơi có bức vẽ, như thể một lễ hội long trọng, để được chiêm ngưỡng kỳ tích của Leonardo khiến cho tất cả bọn họ phải kinh ngạc”. Trong số những người tới xưởng vẽ có cả Michelangelo, với sự ngưỡng mộ của ông dành cho tác phẩm đã bị bão hòa bởi lòng đố kỵ đối với người đang tận hưởng sự tán dương mà ông ao ước.

Mặc dù khao khát vinh quang, Michelangelo không mặn mà lắm với việc khiến công chúng yêu mến mình. Vì hầu hết quãng thời gian mà ông tạc bức tượng khổng lồ, ông đã hoàn toàn tách khỏi cư dân Florence.

Ông dựng quanh công trường “một rào quây bằng ván và nề” để ngăn cản khách tham quan và che giấu công trình của mình khỏi những con mắt tọc mạch. Như thường lệ, Michelangelo luôn thích làm việc trong cô độc, và tung ra kiệt tác của mình cho quần chúng hưởng niềm phấn khích đã được tích tụ trong hàng tháng trời, thậm chí hàng năm trời, chờ đợi.

Theo một ghi chú chèn bên lề của hợp đồng, “Michelangelo bắt đầu làm việc và tạc bức tượng khổng lồ nói trên vào thứ hai, ngày 13/9/1501; mặc dù trước đó, vào ngày mùng 9, ông đã đẽo một hai nhát búa vào tảng đá, để gạt phẳng một phần [mấu đá] ở trên ngực của nó. Nhưng vào ngày nói trên, tức ngày 13, ông bắt đầu làm việc với sự quả quyết và sức mạnh”.

Miles J. Unger / NXB Dân trí liên kết Omega Plus

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/michelangelo-nhan-thu-lao-ra-sao-khi-tac-tuong-david-post1169645.html