Được ra mắt để thay thế Surface Book, Surface Laptop Studio là mẫu laptop cao cấp nhất của Microsoft với thiết kế hoàn toàn mới. Thiết bị sử dụng màn hình cố định thay vì tháo rời, có thể tách khỏi chân đế ở nửa dưới và gập lại để dùng như tablet. Ảnh: The Verge.
Màn hình của Surface Laptop Studio có kích thước 14,4 inch, độ phân giải 2.400 x 1.600 pixel, tần số quét 120 Hz và công nghệ Dolby Vision. Với tính năng Dynamic Refresh Rate trên Windows 11, máy có thể điều chỉnh tần số quét màn hình dựa trên tác vụ đang sử dụng. Ảnh: Engadget.
Phía trên màn hình của Surface Laptop Studio có webcam 1080p, hỗ trợ nhận diện khuôn mặt Windows Hello. Xung quanh máy trang bị 4 loa ngoài với công nghệ Dolby Atmos. Ảnh: CNN.
Bản lề của Surface Laptop Studio có tên Dynamic Woven Hinge, cho phép chuyển giữa 3 chế độ: laptop thông thường; nghiêng một góc che bàn phím để chơi game, xem phim hoặc trình chiếu (stage); nằm xuống để sử dụng như tablet (studio). Ảnh: The Verge.
Do chuyển về thiết kế truyền thống, Microsoft cũng dời phần lớn linh kiện của Surface Laptop Studio xuống bàn phím thay vì bố trí trong màn hình như Surface Book. Bàn phím trên máy có khe chứa bút cảm ứng Surface Slim Pen 2 bên dưới, được bán riêng với giá 130 USD. Ảnh: IGN.
Về cấu hình, Surface Laptop Studio trang bị CPU Intel Core i5-11300H hoặc i7-11370H, riêng tùy chọn Core i7 có thêm card đồ họa NVIDIA RTX 3050 Ti 4 GB. Người dùng có thể lựa chọn RAM 16 hoặc 32 GB, SSD tối đa 2 TB. Microsoft nhấn mạnh khả năng chơi game trên Surface Laptop Studio, nhưng không nói chi tiết về hệ thống tản nhiệt. Ảnh: Engadget.
Mẫu laptop cao cấp nhất của Microsoft trang bị 2 cổng USB-C chuẩn Thunderbolt 4, hỗ trợ truyền dữ liệu tốc độ cao, kết nối với các phụ kiện như màn hình, camera, ổ cứng ngoài hoặc card đồ họa rời. Máy vẫn sử dụng cổng sạc độc quyền, tích hợp cổng tai nghe 3,5 mm. Ảnh: The Verge.
Surface Laptop Studio được Microsoft cho đặt trước từ 25/9, dự kiến giao hàng vào 5/10 với giá khởi điểm 1.600 USD, ngang phân khúc của MacBook Pro nhưng có thiết kế linh hoạt, độc đáo hơn. Ảnh: The Verge.
Trong khi đó, Surface Pro 8 là bản nâng cấp lớn nhất kể từ Surface Pro 3 ra mắt cách đây 6 năm. Microsoft đã cải tiến vẻ ngoài của Surface Pro 8 với viền màn hình mỏng, các cạnh bo tròn tương tự Surface Pro X. Ảnh: The Verge.
Surface Pro 8 trang bị màn hình PixelSense Flow 13 inch tỷ lệ 3:2, tần số quét 120 Hz cho hiệu ứng cuộn lướt mượt mà. Microsoft cho biết màn hình này lớn hơn 11%, sáng hơn 12,5% và độ phân giải cao hơn 11% so với phiên bản trước. Máy cũng trang bị công nghệ hình ảnh Dolby Vision và Adaptive Color Technology điều chỉnh màu sắc dựa trên môi trường xung quanh. Ảnh: Microsoft.
Theo Microsoft, tần số quét mặc định của Surface Pro 8 vẫn là 60 Hz. Nếu kích hoạt mức 120 Hz, người dùng phải chấp nhận hao pin hơn. Máy cũng hỗ trợ tính năng tự thay đổi tần số quét tương tự Surface Laptop Studio. Ảnh: Microsoft.
Phiên bản thấp nhất của Surface Pro 8 có giá 1.100 USD, gồm CPU Intel Core i5 thế hệ 11, RAM 8 GB, SSD 128 GB, không kèm bàn phím và bút cảm ứng. Người dùng có thể nâng cấp lên tối đa CPU Core i7, RAM 32 GB và SSD 1 TB. Phiên bản Surface Pro 8 cho doanh nghiệp còn có tùy chọn CPU Core i3 và mạng 4G. Ảnh: TechRadar.
Về cổng kết nối, Surface Pro 8 trang bị 2 cổng USB-C chuẩn Thunderbolt 4 tương tự Surface Laptop Studio và cổng sạc Surface tiêu chuẩn. Hãng cho biết thời lượng pin của máy đạt 16 tiếng cho những tác vụ sử dụng thông thường. Ảnh: Engadget.
Mặt lưng của Surface Pro 8 là chân đế giúp dựng đứng máy, có thể điều chỉnh góc nghiêng. Bên dưới chân đế là khu vực chứa ổ cứng SSD để nâng cấp. Máy trang bị webcam hỗ trợ Windows Hello, camera sau có thể quay phim 4K. Ảnh: The Verge.
Bàn phím của Surface Pro 8 sử dụng chất liệu sợi carbon giúp tăng độ bền nhưng vẫn mỏng nhẹ, có khu vực chứa bút cảm ứng Surface Slim Pen 2. Theo The Verge, bút cảm ứng này trang bị phản hồi xúc giác, có thể tạo ra hiệu ứng rung khi vẽ trên màn hình bên cạnh độ trễ ngắn hơn. Ảnh: Engadget.
Ngoài Surface Pro 8, Microsoft cũng giới thiệu phiên bản không có LTE của Surface Pro X với giá 900 USD. Trong khi đó, mẫu tablet giá rẻ Surface Go (ảnh) được nâng cấp lên thế hệ thứ 3 với CPU Intel Pentium Gold 6500Y hoặc Core i3-10100Y, màn hình 10,5 inch, giá bán từ 400 USD. Ảnh: The Verge.
Hành trình trở thành CEO Microsoft của Satya Nadella Ông Satya Nadella, CEO Microsoft, nhận được mức lương cứng là 44,3 triệu USD. Đây là mức lương cao nhất mà một quản lý không thuộc hội đồng sáng lập công ty nhận được.
Phúc Thịnh