Microsoft sẽ kiếm bộn tiền nhờ trào lưu tạo ảnh Ghibli bằng ChatGPT gây bão internet
Một xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI) mới đang làm mưa làm gió trên internet và ít nhất một gã khổng lồ công nghệ lớn sẽ kiếm bộn tiền.
Tuần trước, OpenAI tung ra bản cập nhật mô hình GPT-4o, mang đến trình tạo hình ảnh nâng cấp khiến người dùng đổ xô vào ChatGPT để tạo ra những ảnh theo phong cách vẽ tay của Studio Ghibli - hãng phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng do đạo diễn Hayao Miyazaki sáng lập. Studio Ghibli được biết đến với các bộ phim như Spirited Away (Vùng đất linh hồn) và My Neighbor Totoro (Hàng xóm của tôi là Totoro).
Xu hướng này góp phần thúc đẩy lượng người dùng ChatGPT đạt mức kỷ lục, đến mức OpenAI đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Similarweb, số lượng người dùng ChatGPT hoạt động hàng tuần trung bình đã lần đầu tiên vượt mốc 150 triệu trong năm nay.
"Chúng tôi đã có thêm 1 triệu người dùng chỉ trong vòng 1 giờ", Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, chia sẻ trên mạng xã hội X hôm 1.4. Ông so sánh con số này với việc phải mất năm ngày để đạt 1 triệu người dùng sau khi ChatGPT ra mắt cách đây hơn hai năm.
Theo dữ liệu từ Sensor Tower, số người dùng hoạt động, doanh thu từ đăng ký trong ứng dụng và số lượt tải xuống ChatGPT đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay vào tuần trước, sau khi OpenAI cập nhật mô hình GPT-4o, cho phép tạo hình ảnh nâng cao.
Lượt tải xuống ứng dụng ChatGPT trên toàn cầu và số lượng người dùng hoạt động hàng tuần đã tăng lần lượt 11% và 5% so với tuần trước đó, trong khi doanh thu từ mua hàng trong ứng dụng tăng 6%, theo báo cáo từ Sensor Tower.
Sensor Tower là công ty phân tích dữ liệu chuyên theo dõi và cung cấp thông tin chi tiết về ứng dụng di động trên nền tảng iOS và Android.
"Thật tuyệt khi thấy mọi người thích tạo ảnh trong ChatGPT. Nhưng bộ xử lý đồ họa (GPU) của chúng tôi đang nóng chảy", Sam Altman hài hước chia sẻ về xu hướng này vào tuần trước.

Ảnh hoạt hình do ChatGPT tạo
Microsoft hưởng lợi
Việc gia tăng đột biến người dùng ChatGPT sẽ mang lại lợi ích cho Microsoft vì điều này thúc đẩy sự phát triển của OpenAI, nhu cầu tính toán và định giá công ty khởi nghiệp AI này, theo các nhà phân tích tại Jefferies .
Jefferies là ngân hàng đầu tư và công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Mỹ, chuyên cung cấp các dịch vụ như ngân hàng đầu tư, giao dịch chứng khoán, nghiên cứu tài chính và phân tích thị trường, quản lý tài sản. Jefferies được biết đến là một trong những công ty tài chính độc lập lớn nhất tại Phố Wall và thường xuyên đưa ra các báo cáo phân tích về thị trường, gồm cả lĩnh vực công nghệ và AI.
Microsoft là nhà đầu tư lớn vào OpenAI (hơn 13 tỉ USD) và cũng là hãng cung cấp dịch vụ đám mây chính cho công ty AI này. Microsoft từ lâu đã tích hợp các mô hình ngôn ngữ lớn từ OpenAI vào sản phẩm của mình. Tuần trước, Satya Nadella (Giám đốc điều hành Microsoft) cho biết công ty có thể xây dựng năng lực AI tạo sinh của riêng mình để bổ sung cho quan hệ đối tác với OpenAI.
“Chúng tôi nhận thấy rằng sự gia tăng bùng nổ số lượng người dùng ChatGPT có khả năng dẫn đến tăng trưởng mạnh mẽ người đăng ký phiên bản trả phí Plus, tức là tăng trưởng doanh thu cho OpenAI”, các nhà phân tích tại Jefferies viết.
Họ cũng đánh giá vòng gọi vốn gần đây của OpenAI là có lợi cho Microsoft.
Hôm 31.3, OpenAI cho biết sẽ huy động 40 tỉ USD trong một vòng gọi vốn mới do SoftBank Group dẫn đầu, định giá công ty khởi nghiệp AI ở mức 300 tỉ USD nhằm thúc đẩy nghiên cứu AI, mở rộng cơ sở hạ tầng tính toán và cải thiện các công cụ của mình.
Theo một nguồn tin, SoftBank Group sẽ đóng góp 75% số vốn trong 40 tỉ USD, phần còn lại đến từ Microsoft, Coatue Management, Altimeter Capital và Thrive Capital.
Vào tháng 10.2024, OpenAI đã huy động được 6,6 tỉ USD, đưa định giá công ty lên 157 tỉ USD. Vòng gọi vốn mới sẽ gần như nhân đôi mức định giá của công ty khởi nghiệp AI này.
“OpenAI có những kế hoạch rất tham vọng trên nhiều lĩnh vực và cần một lượng vốn lớn để thực hiện”, Gil Luria, chuyên gia phân tích của hãng D.A. Davidson & Co, nhận định. Ông cũng lưu ý rằng danh sách các nhà đầu tư đủ khả năng tài trợ quy mô này đang thu hẹp và có thể chỉ còn SoftBank Group, dù tập đoàn Nhật Bản này có thể không đủ vốn để đáp ứng hoàn toàn.
Ngoài ra, OpenAI đang hợp tác với SoftBank Group và Oracle để xây dựng mạng lưới trung tâm dữ liệu trị giá 500 tỉ USD trong dự án Stargate, nhằm cung cấp hạ tầng AI tại Mỹ.
OpenAI lên kế hoạch cải tổ mô hình kinh doanh, dự kiến thành lập một công ty vì lợi ích công cộng nhằm thu hút thêm vốn đầu tư, đồng thời cân bằng giữa lợi ích cổ đông và lợi ích xã hội.
Một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng OpenAI phải chuyển đổi thành công ty vì lợi nhuận trước cuối năm nay để đảm bảo gói tài trợ 40 tỉ USD do SoftBank Group dẫn đầu.
Nếu thành công, OpenAI sẽ gia nhập hàng ngũ các công ty tư nhân giá trị nhất thế giới, gồm SpaceX, ByteDance (Trung Quốc) và Stripe.
Jefferies duy trì khuyến nghị "mua" với cổ phiếu Microsoft với giá mục tiêu 500 USD. Cổ phiếu Microsoft chốt phiên hôm 1.4 ở mức 382 USD.
“Nếu ai có sẵn 100.000 GPU”
ChatGPT đã trở thành cái tên quen thuộc kể từ khi ra mắt vào tháng 11.2022, nhưng xu hướng tạo ảnh hoạt hình tuần trước đã khiến nhu cầu tăng vọt. Ngoài Microsoft, các nhà sản xuất GPU cũng được hưởng lợi từ cơn sốt tạo ảnh theo phong cách Studio Ghibli. Nvidia và AMD là hai công ty GPU lớn nhất.
"Chúng tôi đang làm việc hết tốc lực để mọi thứ vận hành trơn tru. Nếu ai có sẵn 100.000 GPU mà chúng tôi có thể sử dụng ngay lập tức, xin hãy liên hệ!", Sam Altman viết trên X hôm 1.4.
Các nhà phân tích tại Jefferies cho rằng chỉ có một số ít hãng có thể cung cấp số lượng lớn GPU như vậy và ước tính rằng bất kỳ thỏa thuận nào với OpenAI có thể mang về từ 1 tỉ đến 2 tỉ USD mỗi năm cho họ.
Trong một bài đăng tiếp theo hôm 1.4, Sam Altman cho biết OpenAI đang “kiểm soát tình hình”. Doanh nhân 40 tuổi người Mỹ cảnh báo rằng người dùng "nên dự đoán các bản phát hành mới từ OpenAI sẽ bị trì hoãn, có thể xảy ra lỗi và dịch vụ đôi khi sẽ chậm do chúng tôi phải giải quyết các thách thức về khả năng xử lý".
Lo ngại về vấn đề pháp lý
Việc sử dụng rộng rãi công cụ AI để tạo hình ảnh theo phong cách Ghibli cũng làm dấy lên những câu hỏi về khả năng vi phạm bản quyền.
"Bối cảnh pháp lý với hình ảnh AI bắt chước phong cách độc đáo của Studio Ghibli vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng. Luật bản quyền thường chỉ bảo vệ các tác phẩm cụ thể thay vì phong cách nghệ thuật nói chung", luật sư Evan Brown từ công ty luật Neal & McDevitt nhận định.
Josh Weigensberg, đối tác tại công ty luật Pryor Cashman, cho rằng một câu hỏi mà nghệ thuật AI theo phong cách Ghibli đặt ra là liệu mô hình có được huấn luyện dựa trên tác phẩm của Hayao Miyazaki hay Studio Ghibli hay không. Ông nói điều đó dẫn đến vấn đề: "Họ có giấy phép hoặc được phép sử dụng dữ liệu đào tạo đó hay không?".
Josh Weigensberg nói thêm rằng nếu một tác phẩm được cấp phép để huấn luyện AI thì có thể hợp lý để công ty cho phép sử dụng theo cách này. Nếu điều này diễn ra mà không có sự đồng ý và bồi thường, ông cho rằng điều đó có thể gây ra vấn đề.
Josh Weigensberg cũng lưu ý rằng theo nguyên tắc chung, "phong cách" không thể được bảo hộ bản quyền. Tuy nhiên, Josh Weigensberg nhấn mạnh rằng khi người ta nói về "phong cách", họ có thể đang đề cập đến "những yếu tố cụ thể, dễ nhận diện và riêng biệt của một tác phẩm nghệ thuật".
"Với bộ phim như Howl's Moving Castle (Lâu đài bay của Howl) hay Spirited Away, bạn có thể tạm dừng ở bất kỳ khung hình nào và chỉ ra những chi tiết đặc trưng, sau đó so sánh với sản phẩm đầu ra của AI để thấy những điểm giống hệt hoặc tương tự đáng kể trong đó", ông giải thích.
"Chỉ dừng lại ở việc nói: 'Ồ, phong cách không được bảo vệ theo luật bản quyền' thì chưa chắc đã là kết thúc của vấn đề", Josh Weigensberg nói thêm.
OpenAI chưa đưa ra bình luận về dữ liệu được sử dụng để huấn luyện mô hình AI của mình cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến tính năng mới này.
Trong một báo cáo kỹ thuật gần đây, OpenAI cho biết công cụ mới sẽ áp dụng "cách tiếp cận thận trọng" khi mô phỏng tính thẩm mỹ của từng nghệ sĩ.
"Chúng tôi đã thêm một lệnh từ chối kích hoạt khi người dùng cố gắng tạo hình ảnh theo phong cách của nghệ sĩ còn sống", công ty cho biết. Thế nhưng, OpenAI đã thêm vào tuyên bố rằng công cụ này "cho phép mô phỏng phong cách xưởng phim rộng hơn, mà nhiều người đã sử dụng để tạo ra và chia sẻ một số tác phẩm thực sự thú vị và đầy cảm hứng của người hâm mộ".

Hayao Miyazaki, người sáng lập hãng Studio Ghibli - Ảnh: Getty Images
Những phát ngôn từ năm 2016 của Hayao Miyazaki về hình ảnh do AI tạo ra đã được cư dân mạng "đào lại" sau khi xu hướng này bùng nổ.
Theo đoạn phim tài liệu ghi lại sự kiện năm 2016, khi được xem bản demo hoạt hình AI, Hayao Miyazaki đã bày tỏ sự "kinh tởm tột độ" với màn trình diễn đó.
Người trình bày giải thích rằng AI có thể "tạo ra những chuyển động kỳ quái mà con người không thể tưởng tượng được" thông qua đoạn phim mô tả cơ thể quằn quại tự kéo mình bằng đầu. Công nghệ này có thể áp dụng cho chuyển động zombie, người đó nói.
Hayao Miyazaki đã đáp lại bằng một câu chuyện: "Mỗi sáng, không phải trong những ngày gần đây, tôi cũng gặp người bạn bị khuyết tật. Thật khó khăn cho cậu ấy chỉ để thực hiện một cú đập tay. Cánh tay cứng đờ của cậu ấy không thể với tới bàn tay tôi. Giờ nghĩ về cậu ấy, tôi không thể xem thứ này mà thấy thú vị được. Bất cứ ai tạo ra thứ này không hiểu nỗi đau là gì".
Hayao Miyazaki nói rằng ông "sẽ không bao giờ muốn đưa công nghệ này vào tác phẩm của mình".
"Tôi thực sự cảm thấy rằng đây là sự xúc phạm với chính sự sống", Hayao Miyazaki nói thêm.