Microsoft thực sự muốn gì trong thương vụ 75 tỷ USD
Sở hữu lượng người chơi trung thành và đông đảo, việc có trong tay tựa game Call of Duty sẽ khiến Microsoft tiến thêm một bước trong công cuộc chiếm lĩnh thị trường game đám mây.
Theo The Wall Street Journal, kế hoạch mua lại Activision Blizzard của Microsoft đã trở thành một chủ đề chấn động trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử với giá trị thương vụ lên tới 75 tỷ USD.
Tuy nhiên, đằng sau con số khổng lồ kia, điều mà các cơ quan quản lý cũng như hàng triệu game thủ khó tính thực sự quan tâm chính là Call of Duty, một trò chơi bắn súng được sở hữu bởi Activision.
Tham vọng lớn của Microsoft
Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) đã đề cập đến Call of Duty tới 41 lần trong bản báo cáo dài 20 trang về quyết định từ chối thỏa thuận giữa Activision Blizzard của Microsoft.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cũng đã trích dẫn tên của trò chơi này tận 18 lần trong một báo cáo dài 23 trang liên quan tới việc hủy bỏ thỏa thuận.
Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt thỏa thuận trong tháng này. Tuy nhiên, điều kiện được đặt ra là Microsoft phải cho phép các đối thủ cạnh tranh được phát trực tuyến Call of Duty và các trò chơi của Activision qua nền tảng đám mây.
“Lượng người hâm mộ trung thành và sức hấp dẫn lâu đời của trò chơi đã khiến nó trở nên đặc biệt giá trị. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định tham gia và sự chấp nhận sản phẩm của người chơi”, FTC viết trong báo cáo của mình.
Trước vấn đề trên, cả Activision Blizzard của Microsoft đều cho biết thỏa thuận này sẽ không làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Ngoài ra, họ cũng cam kết cho phép các công ty đối thủ được phát trực tuyến trò chơi Call of Duty và các sản phẩm khác của Activision thông qua nền tảng đám mây mà họ lựa chọn.
Call of Duty đã tồn tại hai thập kỷ là một trong những tựa game thành công nhất từ trước đến nay. Với tổng doanh thu của tất cả các phiên bản lên tới hơn 30 tỷ USD, trò chơi này đã chứng minh được sự thành công của mình trong thể loại FPS (game bắn súng góc nhìn thứ nhất).
Microsoft muốn mua Activision để bổ sung các trò chơi bom tấn của nhà phát triển này vào Xbox Game Pass, một dịch vụ cho phép người dùng chơi game trên nền tảng đám mây. Nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là chiến lược giúp thúc đẩy doanh thu của hãng trong nhiều năm.
“Con cưng” của Activision
Trong số các tựa game của Activision, Call of Duty là trò chơi quan trọng nhất vì nó sở hữu lượng người chơi trung thành rất lớn. Một số cơ quan quản lý lập luận rằng nếu Microsoft độc quyền phát hành tựa game này, tất cả các đối thủ khác trên thị trường game đám mây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Call of Duty ra mắt lần đầu tiên vào năm 2003. Nhà phân tích Doug Creutz của Cowen cho biết tựa game có nhiều điểm khác biệt so với các trò chơi thuộc thể loại FPS khác. Trong đó, nổi bật nhất là chất lượng đồ họa và cơ chế chơi dễ học nhưng khó thành thạo.
Ông Creutz cho biết Call of Duty vẫn luôn nhận được nhiều sự chú ý nhờ các khoản đầu tư liên tục của Activision. Mặc dù con số này không được công ty tiết lộ cụ thể nhưng nhiều nguồn tin cho rằng mức đầu tư có thể lên tới hàng triệu USD/năm.
Nhà phân tích Michael Pachter của Wedbush Securities cho biết lịch phát hành hàng năm của Call of Duty cũng khiến tựa game này nổi bật hơn so với các trò chơi bắn súng khác. Rất ít studio có đủ nhân lực, cơ sở hạ tầng hoặc ngân sách để sản xuất các phần tiếp theo của trò chơi theo từng năm.
“Đó là thứ khiến Call of Duty trở nên hấp dẫn. Người chơi luôn có điều gì đó để mong đợi”, chuyên gia Michael Pachter nhận định.
Call of Duty cũng có nhiều phiên bản khác nhau trên điện thoại và máy tính. Ngoài ra, tựa game cũng có bản miễn phí và trả phí với các mục tiêu khác nhau dành cho từng người chơi.
Activision cũng rất nhanh chóng trong việc thay đổi để thích ứng với thời đại. Khi tựa game Fortnite của Epic Games trở nên phổ biến, Activision đã đáp lại bằng chế độ chơi Blackout trong Call of Duty: Black Ops 4. Phần chơi này có cùng thể loại “battle royale”, game thủ sẽ phải chiến đấu để trở thành người sống sót cuối cùng.