Miền Bắc chuyển rét từ ngày 26.11, miền Trung nguy cơ cao sạt lở và lũ quét
Ngày 26.11, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh, vùng núi trời rét.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay (24.11) bộ phận không khí lạnh mạnh đã báo đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam.
Khoảng chiều tối và đêm 25.11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 3-4, vùng ven biển cấp 4-5.
Ngày 26.11, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh, vùng núi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 16-18 độ, vùng núi 12-14 độ, vùng núi cao dưới 10 độ.
Khu vực Hà Nội từ tối 25.11 đến sáng 26.11 có mưa rải rác, ngày 26.11 trời chuyển lạnh, từ đêm 26.11 trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 17-19 độ.
Trên biển: Từ tối và đêm 25.11, ở vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 2-3,5m. Từ ngày 26.11, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2-4m.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ chiều tối và đêm 25.11 đến sáng 26.11, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa rải rác. Từ gần sáng ngày 26.11, ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Trong khi đó, trong 24 giờ qua (từ 19 giờ ngày 23.11 đến 19 giờ ngày 24.11), khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế) 713mm; Bà Nà (Đà Nẵng) 267mm; Trà Dơn (Quảng Nam) 320mm; Ba Điền (Quảng Ngãi) 357mm; Ân Tường (Bình Định) 215mm; Sông Hinh (Phú Yên) 141mm;...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa, với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện (ảnh dưới).
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa lớn để triển khai các biện pháp cấm tất cả mọi phương tiện và người lưu thông qua các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao đến rất cao và các khu vực ngầm, tràn, cầu cống nước chảy xiết, các tuyến đường ngập lụt; đặt biển cảnh báo và bố trí lực lượng cảnh giới cho người và phương tiện; sẵn sàng di dời, sơ tán dân tại các vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt theo phương châm "bốn tại chỗ".
Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt nhằm đảm bảo an toàn công trình hồ đập và an toàn vùng hạ du.