Miền Bắc cúng cá chép, miền Nam dâng cá lóc nướng trong 23 tháng Chạp
Trong mâm cúng tiễn ông Táo của các gia đình miền Bắc không thể thiếu cá chép, còn người dân miền Nam lại cúng cá lóc nướng với quan niệm đem đến nhiều may mắn, tài lộc.
Theo phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt, 23 tháng Chạp là thời điểm mọi gia đình làm mâm cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời.
Họ tin rằng Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo những việc đã làm và chưa làm được trong năm vừa qua của gia đình với Ngọc Hoàng. Sau đó, đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa.
Tục thờ cúng Táo Quân của người Việt bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, nảy nở. Ngoài ra, phong tục này dựa trên cơ sở nền văn minh lúa nước và tín ngưỡng thờ đa thần.
Tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có những phong tục cúng lễ rất khác nhau. Lễ cúng ông Công ông Táo của người miền Bắc không thể thiếu cá chép, vật cưỡi của Táo Quân khi lên chầu trời. Còn với các gia đình miền Nam, ngoài những lễ vật quen thuộc như thịt heo, tôm, trứng luộc thì cá lóc nướng là món không thể thiếu.
Theo chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh, người dân Nam Bộ có quan niệm cúng cá lóc nướng sẽ đem đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của ông Táo. Đồng thời, người dân cúng Táo Quân với hy vọng các vị thần sẽ giúp giữ "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, gia chủ khi cúng cá lóc nướng ngày ông Công ông Táo lưu ý phải để nguyên con, không cạo vảy, không cắt vi và đuôi, đem đi nướng trui. Việc để cá lóc nguyên trạng, không cạo vảy như trên là tưởng nhớ cha ông ta rất thiếu thốn và khó khăn trong buổi đầu khai hoang.
Ngoài ra, người dân Nam Bộ chỉ thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo vào ban đêm, sau bữa ăn tối của gia đình. Họ quan niệm đó là thời điểm công việc bếp núc đã hoàn tất, gia chủ không còn làm phiền các Táo, nên mới có thể tiễn 3 vị thần lên chầu trời.