Miễn cấp giấy phép cho 10 trường hợp xây dựng là 'kẽ hở' hợp thức hóa các công trình vi phạm, sai phạm?
Theo chuyên gia, sự việc, vụ việc xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng chế tài xử lý ở thời điểm đó nhưng để tránh những sự việc không đáng có xảy ra, như việc hợp thức hóa những công trình xây dựng, dự án vi phạm, sai phạm thì rất cần sự công tâm, khách quan của cơ quan quản lý nhà nước, sự nghiêm minh cơ quan chức năng.
10 trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng mà Quốc hội vừa thông qua tại Luật sửa đổi một số điều Luật xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới sẽ là "cơ hội" hợp thức hóa các nhóm công trình nhà ở vi phạm, sai phạm, tạo tiền lệ xấu, phát sinh tiêu cực trong hoạt động xây dựng.
Liên quan đến những lo ngại trên, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Phạm Thế Minh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc hợp thức hóa công trình vi phạm, sai phạm thì chắc chắn là không thể. Bởi theo quy định, sự việc, vụ việc diễn ra ở thời điểm nào thì ta phải áp dụng các chế tài xử lý ở thời điểm đó.
Với những công trình xây dựng nằm trong danh mục được miễn cấp giấy phép xây dựng theo quy định mới thì cơ quan quản lý nhà nước, cùng các cơ quan liên quan đến dự án, công trình đó phải kiểm tra kiểm soát nghiêm minh, chặt chẽ, sát sao.
Đặc biệt là đối với những công trình không thượng tôn pháp luật hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm, xây sai so với bản vẽ trước đó.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, để không xảy ra câu chuyện hợp thức hóa công trình vi phạm thì rất cần sự công tâm, khách quan của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các công trình, dự án trên địa bàn hoặc trong khu vực.
Ông Phạm Thế Minh cho biết, việc cấp giấy phép xây dựng đã gây không ít phiền hà cho người dân. Vì vậy, những quy định mới mà Quốc hội vừa thông qua chắc chắn đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và cần thiết trước những lợi ích của người dân.
"Tôi cho rằng, đối với công trình xây dựng thì chỉ nên giữ lại 2 loại giấy phép, là việc cấp phép về an toàn công trình và cấp phép về mặt kiến trúc công trình. Bởi cấp phép an toàn là cần thiết khi phải đảm bảo công trình không đổ vỡ, không gây tai nạn cho người ở, người làm… còn giấp phép kiến trúc thì dáng vẻ công trình không gây mất mỹ quan khu vực, đúng với quy định về cảnh quan kiến trúc", ông Minh cho hay.
Cũng theo ông Minh: "Ngoài ra, cần siết chặt yêu cầu chứng chỉ hành nghề đối với người làm nghề xây dựng. Bởi nghề xây dựng cũng giống như nghề y, xây dựng một công trình tốt, an toàn cho người sử dụng thì cần những người xây dựng có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm thực hành. Hơn nữa, người xây dựng có kinh nghiệm hoạt động trong ngành xây dựng sẽ có kinh nghiệm hành nghề khác nhau. Bởi thực trạng người làm xây dựng thiếu hành nghề hiện nay cũng không phải là ít".
Vì vậy, ông Minh cho rằng, việc miễn cấp giấy phép xây dựng đối với 10 trường hợp xây dựng, đặc biệt là công trình xây dựng nhà ở của người dân sẽ tạo một bước đột phá cho ngành xây dựng như hạn chế được tiêu cực ngành xây dựng, rút ngắn thời gian xây dựng…
Cùng quan điểm trên, ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư bất động sản Việt Nam cho rằng, cách xử lý thiếu dứt khoát của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng là một trong những lý do dẫn đến tình hình xây dựng không phép, trái phép diễn ra tràn lan.
Và nếu người xây dựng mang tâm lý chờ đợi được hợp thức hóa những công trình không phép, sai phép thì chắc chắn tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng sẽ không có hồi kết. Vì vậy, sự nghiêm minh của pháp luật và những người thực thi pháp luật là vô cùng cần thiết trong lĩnh vực xây dựng, để tránh những bức xúc, thiệt hại cho người dân.